2/3 ca tử vong do bệnh không lây nhiễm
Tại hội thảo Tăng cường công tác truyền thông về công tác y tế dự phòng do Cục Y tế dự phòng tổ chức, ThS Trần Quốc Bảo - Cục Y tế dự phòng cho biết hiện nay ngoài các bệnh truyền nhiễm cấp tính thì bệnh không truyền nhiễm thường được không chú trọng. Trong khi đó bệnh không truyền nhiễm là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong của người Việt.
ThS Bảo cho biết, hiện nay Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép gồm bệnh truyền nhiễm và bệnh không truyền nhiễm. Các bệnh truyền nhiễm cấp tính mặc dù có xu hướng giảm nhưng diễn biến phức tạp, khó lường trước.
Song Việt Nam lại phải gánh thêm sức nặng về bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, bệnh ung thư, bệnh phổi mãn tính, đái tháo đường. Các bệnh này chiếm 2/3 số ca tử vong ở cả nước và gánh nặng với ngành y. Điều đáng lo ngại nhất là số người mắc các bệnh không lây nhiễm chủ yếu ở tuổi trung niên là lực lượng lao động chính cho xã hội.
Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người mắc huyết áp, 2,5 triệu người bị đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, hen phế quản. Con số bệnh nhân ung thư được cấp nhật mỗi năm khoảng 125 nghìn người mắc mới.
Các nguyên nhân của bệnh không lây nhiễm chưa được xác định cụ thể mà người ta chỉ đưa ra được các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như do lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng, ít vận động.
Theo ThS Bảo, các bệnh không lây nhiễm gây tàn phế nặng nề, suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tăng huyết áp là bệnh hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác khiến hàng trăm ngàn người tàn phế, mất sức lao động mỗi năm.
Còn đối với bệnh đái tháo đường, ThS Bảo cho rằng nó là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong khi có các biến chứng suy thận, hần kinh, viêm loét chân thậm chí phải cắt bỏ chân vì đái tháo đường.
Bệnh không truyền nhiễm là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong của người Việt. Ảnh minh họa.
Bệnh không lây nhiễm "bị coi thường"
ThS Bảo cho biết tại Việt Nam, chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm được thành lập từ năm 2002 với các bệnh huyết áp, đái tháo đường, ung thư, rối loạn tâm thần đã được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên cho đến nay các chính sách về phòng chống bệnh không lây nhiễm chưa được đầy đủ và tuân thủ chưa tốt. Việt Nam chưa có chương trình quốc gia toàn diện về phòng chống bệnh không lây nhiễm. Thiếu nhiều chính sách đa ngành trong giảm các yếu tố nguy cơ như giảm ăn muối, chất béo, cấm hút thuốc; bia rượu cần hạn chế tiếp thị và quảng cáo.
Mặc dù có Luật phòng chống thuốc lá nhưng việc thực hiện còn vô cùng hạn chế.
Để phòng chống bệnh không lây nhiễm hiệu quả, thạc sĩ Bảo nhấn mạnh cần sự vào cuộc của đa ngành như quản lý chặt chẽ việc bán rượu bia, tăng thuế thuốc lá, phát triển các hoạt động vui chơi, vận động.
Cho đến nay, WHO đã khuyến cáo phòng chống bệnh không lây nhiễm cần có sự cam kết của Chính phủ với sự tham gia của cá Bộ, ngành, tổ chức để tạo ra một đáp ứng toàn diện đồng thời đưa chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm vào mục tiêu quốc gia.
Ngoài ra, cần tổ chức hệ thống y tế lấy sức khỏe con người làm trung tâm và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ngăn chặn các yếu tố nguy cơ giúp cho việc phòng chống bệnh không lây nhiễm đạt kết quả cao.