Bệnh nhân là T.X.H (nam, 38 tuổi, trú tại xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk). Theo người nhà, ngày 27/10, bệnh nhân có triệu chứng sốt, người mệt, có mua thuốc uống nhưng không đỡ. Đến ngày 30/10, bệnh nhân được người nhà đưa đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ngày 1/11, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị. Ngày 16/11, bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy về Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị với chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, với tình trạng hôn mê, thở máy.

Theo điều tra, môi trường xung quanh nhà bệnh nhân có ao hồ, nước đọng, gần nhà có ruộng lúa. Nhà bệnh nhân có nuôi bò. Điều tra véc tơ truyền bệnh, lực lượng chức năng ghi nhận có sự hiện diện của muỗi Culex là véc tơ truyền bệnh viêm não Nhật Bản B tại cộng đồng.

Ngay sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk, Trạm Y tế xã Ea Riêng triển khai các biện pháp xử lý môi trường xung quanh nhà bệnh nhân; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường máu, do muỗi đốt hút máu động vật nhiễm virus rồi đốt người. Bệnh gây nhiễm trùng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương ở trẻ em và người lớn. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm gây nhiều biến chứng nặng nề, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Ngành Y tế khuyến cáo, để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, người dân cần chủ động phòng, chống muỗi đốt, khi đi ngủ phải mắc màn; vệ sinh môi trường sinh sống, môi trường chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu; thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống sôi; thực hiện tốt việc cách ly, hạn chế tiếp xúc với người bệnh…