Ngày 7/4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) đã thông tin thêm về ca bệnh nhiễm cúm gia cầm A/H9N2 đầu tiên trên cả nước.

Theo đó, bệnh nhân nam 37 tuổi ngụ tỉnh Tiền Giang được chuyển lên TPHCM điều trị với chẩn đoán theo dõi xuất huyết tiêu hóa trên nền loét dạ dày, kèm xơ gan do rượu, theo dõi nhiễm trùng huyết. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có tình trạng viêm phổi nên được chỉ định lấy mẫu làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm lần 1 cho kết quả dương tính cúm A.

Ngày 1/4, xét nghiệm lần 2 bằng phương pháp giải mã trình tự gen do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện có kết quả là bộ gene của virus cúm A/H9N2.

Theo điều tra sơ bộ, bệnh nhân sinh sống và làm việc ở gần nhà, chưa từng tiêm phòng vaccine cúm và vaccine phòng Covid-19. Đối diện nhà bệnh nhân là nhà người thân có trực tiếp giết mổ và kinh doanh buôn bán gia cầm. Bệnh nhân không trực tiếp tiếp xúc với gia cầm. Hiện tại, tình hình sức khỏe của những người trong gia đình đều khỏe mạnh, đồng thời cũng chưa ghi nhận gia cầm chết hay biểu hiện bất thường ở khu vực bệnh nhân sinh sống.

Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thực hiện cách ly, điều trị và chăm sóc người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế về cúm gia cầm, theo dõi tình trạng sức khỏe nhân viên y tế đã chăm sóc cho bệnh nhân. Được biết, tất cả nhân viên khi tiếp xúc với bệnh nhân đều mang phương tiện phòng hộ theo quy định.

Bệnh nhân mắc cúm A/H9N2 sống gần nơi giết mổ gia cầm, chưa tiêm phòng vaccine cúm - Ảnh 1.

Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - Ảnh: Đông Quân

Sở Y tế cũng đã chỉ đạo HCDC báo cáo Viện Pasteur TPHCM và phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Tiền Giang tiếp tục điều tra dịch tễ, nhất là tiền sử đi lại và tiếp xúc của người bệnh, cũng như theo dõi và hướng dẫn những người thân tiếp xúc gần với bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe tại nhà, thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn. Đồng thời chia sẻ thông tin cho Chi cục Chăn nuôi và Thú Y Thành phố để thực hiện báo cáo và giám sát đàn gia cầm, vật nuôi.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), virus cúm là một họ virus lớn gồm 4 type A, B, C và D. Trong đó nhóm A và B thường gây những vụ dịch cúm mùa trên người, đặc biệt cúm A có thể gây ra những đại dịch cúm trên thế giới.

Cúm A/H9N2 là virus độc lực thấp, lưu hành trong đàn gia cầm ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và châu Âu. Từ sau khi ca H9N2 trên người đầu tiên được báo cáo vào cuối thập niên 1990, đến nay vẫn phát hiện virus rải rác trên người, heo và một số động vật có vú khác và vẫn cần được quan tâm giám sát, dự phòng.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, trên thế giới, cúm A/H9N2 được ghi nhận trên người từ năm 1998 tại Trung Quốc. Đến nay đã có 135 trường hợp cúm A/H9N2 ghi nhận trên người. Nguồn lây lan chủ yếu là từ động vật (gia cầm) sang người, chưa có bằng chứng cho thấy lây từ người sang người.

Những bệnh nhân được ghi nhận mắc chủng cúm này thường có biểu hiện nhẹ vừa. Tuy nhiên đã có hai trường hợp mắc cúm A/H9N2 trên thế giới tử vong (có mắc thêm bệnh nền, suy giảm miễn dịch). Trường hợp mắc cúm A/H9N2 ở Tiền Giang đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng có bệnh nền nặng.