Bác sỹ Kent Brantly bị nhiễm virus Ebola tại một phòng khám tại Foya, Liberia, đã được sơ tán về Mỹ để điều trị. (Nguồn: EPA).
Đây là bệnh nhân thứ hai ở Mỹ được điều trị khỏi Ebola sau khi một bệnh nhân trước đó là Nancy Writebol cũng đã được ra viện hôm 19/8.
Các bác sỹ điều trị cho biết cả hai bệnh nhân đều được điều trị bằng thuốc ZMap còn đang trong quá trình thử nghiệm. Thuốc này do công ty Mapp Biopharmaceutical của Mỹ bào chế và cũng đang được dùng để điều trị cho 3 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh tại Liberia.
Kết quả điều trị ban đầu cho thấy cả ba bệnh nhân này đều có các dấu hiệu tích cực khi được dùng thuốc.
Trên tinh thần hợp tác quốc tế, các nhà nghiên cứu của công ty dược phẩmTekmira Pharmaceuticals của Canada cũng tuyên bố đã tiến hành thử nghiệm thành công trên khỉ đối với vắcxin chống virus Marburg độc hại.
Do virus Marburg có các đặc tính gần giống với virus Ebola nên có thể được sử dụng để đẩy lùi dịch Ebola nguy hiểm hiện nay.
Trong khi đó, một chuyên gia viễn thông người Ireland đã đột ngột tử vong ngày 21/8 tại hạt Donegal sau chuyến công tác từ Sierra Leone cách đây vài tuần.
Thi thể người đàn ông 34 tuổi này đang được cách ly tại Bệnh viện đa khoa Letterkenny để làm các xét nghiệm. Nếu được xác nhận do virus Ebola, đây sẽ là ca tử vong vì Ebola đầu tiên tại Ireland.
Phóng viên tại Nam Phi cho biết chính phủ nước này đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với những người không phải là công dân Nam Phi đến từ các nước có ổ dịch ở Tây Phi.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Pretoria ngày 21/8, Bộ trưởng Y tế Aaron Motsoaledi cho biết lệnh cấm được áp dụng rộng rãi, trừ trường hợp thật đặc biệt.
Đối với công dân Nam Phi trở về nước từ những nước có dịch ở Tây Phi, họ sẽ phải điền vào bảng câu hỏi về tình hình sức khỏe toàn diện của bản thân và qua khâu kiểm tra y tế trước khi được phép nhập cảnh.
Ông Aaron Motsoaledi khuyến cáo các công dân Nam Phi nên hoãn các chuyến đi tới những nước có nguy cơ cao như Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Nam Phi ban hành lệnh thắt chặt nhập cảnh giữa lúc dịch bệnh Ebola đang hoành hành dữ dội tại Liberia và có nguy cơ lan rộng sang các quốc gia khác ở châu lục.
Ngày 21/8, chỉ vài giờ trước khi một bác sỹ của Liên hợp quốc đặt chân tới Liberia, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đã cảnh báo tình trạng quá tải tại các cơ sở hỏa táng ở thủ đô Monrovia của Liberia.
Trong số 78 bệnh nhân qua đời ở Monrovia hai ngày cuối tuần qua, một số thi thể đã phải đưa trở lại các bệnh viện do các các cơ sở này không thể xử lý kịp./.