Bệnh nhân suy thận cảnh báo 1 thức uống hại nội tạng
Anh Hoàng Văn Tấn (SN 1990, sinh sống tại Ba Vì, Hà Nội) nhận kết quả suy thận độ 2 khi chỉ mới 27 tuổi. Sau 7 năm cố gắng bảo tồn, đến tháng 2/2024 tình trạng của anh chuyển biến xấu và được chỉ định chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần.
Anh Tấn chia sẻ, quá trình điều trị suy thận không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn làm suy giảm sức khỏe. Anh nói, dấu hiệu mắc suy thận thường rất khó nhận biết, do đó có nhiều bệnh nhân khi phát hiện ra bệnh thì đã ở giai đoạn cuối rồi.
Anh Hoàng Văn Tấn chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần. (Ảnh: NVCC).
Gần đây, anh Tấn xây dựng kênh TikTok "Ông bố 3 con nhỏ" để chia sẻ về hành trình điều trị suy thận của mình. Đồng thời, khuyến khích mọi người nên chủ động thăm khám sức khỏe.
Anh khuyên mọi người nên duy trì lối sống lành mạnh bằng việc nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống cân bằng và tập luyện thể dục thể thao. Trong các nguyên nhân gây suy thận, anh Tấn đặc biệt nhấn mạnh đến 1 loại đồ uống quen thuộc nhưng rất nguy hiểm đó là: Nước ngọt.
Anh giải thích, tuy nước ngọt không phải nguyên nhân chính gây suy thận nhưng có thể đẩy nhanh mức độ suy thận. Loại nước này sẽ gây ra bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường... từ đó làm tăng nguy cơ bị suy gan, suy thận.
"Trước đây mình uống nước ngọt nhiều, lúc ấy mình cũng không biết là nước ngọt có thể gây hại cho thận. Hồi còn làm shipper, mình uống nước ngọt nhiều đến mức sinh ra nghiện. Thức uống này cực kỳ tai hại, bây giờ mọi người thấy đấy mình chạy thận 3 lần/tuần, rất tốn kém và hại sức khỏe. Bây giờ mình chỉ khuyên các bạn hãy từ bỏ thức uống đó đi vì nó thực sự không tốt", anh Tấn chia sẻ.
Nước ngọt gây hại như thế nào đến cơ thể?
1. Gây suy thận
Theo Tiến sĩ Puneet Bhuwania (bác sĩ chuyên khoa thận và ghép tạng tại Bệnh viện Wockhardt, Mira Road, Ấn Độ): "Uống nhiều các loại đồ uống có ga, dù là loại ăn kiêng hay thông thường đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính.
Cả đồ uống có ga và đồ uống tăng lực đều có liên quan đến sự hình thành sỏi thận. Vì lý do này, bạn nên tránh tiêu thụ nước ngọt, các loại đồ uống có ga khác, vì chúng chứa nhiều đường và calo rỗng.
Đặc biệt, tiêu thụ quá nhiều soda có thể dẫn đến tăng cân, gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và gây tổn thương thận. Để bảo vệ sức khỏe dinh dưỡng và thận, hãy giảm lượng đồ uống có ga mà bạn tiêu thụ".
2. Gây bệnh tiểu đường
Những người uống từ 2 lon nước ngọt mỗi ngày trở lên có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại II cao hơn 26% so với những người không bao giờ tiêu thụ loại đồ uống này. Đặc biệt, người lớn tuổi và người châu Á có nguy cơ cao hơn so với các nhóm dân số khác.
3. Gây béo phì
Uống nước ngọt không mang lại cảm giác no vì cơ thể không xử lý calo từ dạng lỏng giống như từ thực phẩm rắn. Do đó, bạn có thể dễ dàng bị cám dỗ ăn nhiều hơn ngay cả sau khi đã tiêu thụ một lượng lớn calo từ đồ uống.
Đồ uống có ga thường cung cấp nhiều calo hơn nhiều món tráng miệng hoặc thực phẩm có nhiều calo khác. Vì vậy, những người thường xuyên tiêu thụ đồ uống có đường có nguy cơ tăng cân cao hơn.
4. Gây hại cho tim mạch
Các nghiên cứu đã báo cáo rằng những người thường xuyên uống một lon nước ngọt có nguy cơ cao bị đau tim hoặc tử vong do đau tim. Nguy cơ mắc bệnh tim do tiêu thụ đồ uống có đường có thể xuất phát từ các yếu tố liên quan như béo phì, tiểu đường và huyết áp cao.
5. Gây hại cho cho xương
Nước ngọt và các loại đồ uống có đường khác có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe xương theo nhiều cách. Hàm lượng phosphate cao trong đồ uống có ga có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của xương, vì nồng độ phosphate có thể thay thế nồng độ canxi trong xương, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy. Hơn nữa, nước ngọt không cung cấp bất kỳ chất dinh dưỡng cần thiết nào cho xương hoặc các cơ quan khác trong cơ thể.