Vụ án liên quan đến một người phụ nữ tên là Leng, đến từ thành phố Thái Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Bà bị mắc một căn bệnh nan y và nhờ con rể mua thuốc diệt chuột để giúp bà chấm dứt nỗi đau đớn của bệnh tật. Hôm đó, chồng, con gái và con rể đã đứng quanh giường bệnh của bà và đau đớn đẫm nước mắt chứng kiến bà uống thuốc diệt chuột để được ra đi thanh thản.

Bệnh nhân xin chết bằng thuốc chuột, ba người thân bị phạt tù - Ảnh 1.

Chủ đề về cái chết nhân đạo đang được tranh luận gay gắt trên mạng ở Trung Quốc sau vụ một phụ nữ xin uống thuốc chuột để chết và người thân bị kết án tù. Ảnh minh họa.

Sau đó, cả ba đã bị buộc tội giết người và bị kết án tù từ hai đến năm năm, mặc dù nhiều người họ hàng đã làm bằng chứng rằng họ đã hết mực thương yêu và chăm sóc bà Leng, trong đó có việc họ đã dốc hết tài sản để cứu bà sống.

Trong một bài báo đăng trên tờ Nhật báo Hàng Châu, thẩm phán phiên tòa Quách Tịnh thừa nhận rằng, cái chết nhân đạo là một chủ đề rất nhạy cảm ở Trung Quốc. Ông nói: “Nếu bị cáo bị phạt nhẹ, xã hội có thể hiểu nhầm rằng đó là sự khuyến khích những hành vi đó”.

Đây không phải là lần đầu tiên một tòa án Trung Quốc xét xử vụ án giết người bằng phương pháp trợ tử. Năm 2009, một người phụ nữ tên Hồ Thanh đã bị hôn mê tại nhà. Một tuần sau khi cô nhập viện, chồng của cô không thể chịu đựng nỗi đau khổ của vợ, đã ngắt kết nối ống thở. Chị Hồ chết một tiếng sau đó. Năm 2010, tòa án kết án anh chồng ba năm tù vì tội giết người.

 Một cuộc khảo sát vào năm 2013 do trung tâm nghiên cứu dư luận tại đại học Thượng Hải tiến hành với hơn 3.400 cư dân từ 34 thành phố của Trung Quốc cho kết quả, khoảng 70% không phản đối cái chết nhân đạo.

Trên thế giới, đã có một số nước hợp pháp hóa cai chết nhân đạo, tuy nhiên ở Trung Quốc, vấn đề này không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là vấn đề xã hội và đạo đức. Một chuyên gia cho biết, Trung Quốc chưa sẵn sàng hợp pháp hóa cái chết nhân đạo do việc thiếu một hệ thống xã hội toàn diện là lý do chính khiến công chúng không được lựa chọn.

Thực tế, các nguồn lực y tế của Trung Quốc  tập trung ở các thành phố phát triển, khiến các bệnh viện nông thôn khó có đủ điều kiện để thực hiện quyết định như vậy.

Đa phần bệnh nhân ở nông thôn lựa chọn cái chết nhân đạo để tiết kiệm tiền cho con cái, trong khi đó nhiều người cũng mong muốn thực hiện điều này để thoát khỏi trách nhiệm chăm sóc.

Chủ đề về cái chết nhân đạo hiện đang được tranh cãi sôi nổi trên các diễn đàn Weibo của Trung Quốc.