Riêng thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay, với hơn 6.000 ca nhiễm bệnh, sốt xuất huyết đang hoành hành dữ dội trên địa bàn. Trong thời gian tớ thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị bước vào đỉnh dịch sốt xuất huyết mới.
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhân 19.753 trường hợp mắc sốt xuất
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có 19.753 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tại 47 tỉnh, thành phố, trong đó có 12 trường hợp tử vong, chủ yếu tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận 362 ca sốt xuất huyết tại 25/30 quận, huyện, thị xã. Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt, UBND TP yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã, khẩn trương triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết đến các xã, phường, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể.
Trong khi đó thành phố Hồ Chí Minh cũng đang bước vào đỉnh dịch, theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, riêng trong tháng 7-2015 số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong TP là 948 ca, tăng 63% so với tháng 6 (583 ca). Trong 7 tháng năm 2015, TP có 6.033 ca sốt xuất huyết, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2014.
Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết bắt đầu tăng cao từ giữa tháng 7. So với năm 2014 mùa dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn 9 tuần. Bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng lan rộng và xuất hiện nhiều ổ dịch.
Theo BS Dũng riêng trong tháng 7 vừa qua ghi nhận 848 ca phải nhập viện điều trị. Ổ bệnh sốt xuất huyết đang xuất hiện rất nhiều nơi gây khó khăn cho công tác dập dịch. Nhiều quận huyện đã trở thành “điểm đen” của sốt xuất huyết như: Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè…
BS Nguyễn Trí Dũng cho biết trong lúc ngành y tế nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống và dập dịch thì người dân lại có tâm lý thờ ơ, xem thường sự nguy hiểm của bệnh nên không chủ động hợp tác.
Thực tế kiểm tra tại các quận huyện ghi nhận, có quá nhiều công trình, nhà cửa bỏ hoang trở thành nơi sinh trưởng, phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, ngành y tế không thể xác định được chủ sở hữu của những điểm hoang phế nên không thể tìm ra giải pháp xử lý triệt để. Người dân hiện đang phòng dịch theo kiểu đối phó, khi có mặt của lực lượng chức năng, các hộ gia đình đều tỏ vẻ hợp tác, nhưng khi đi kiểm tra lại thì lu khạp chứa nước lại đầy lăng quăng, vật dụng phế thải đọng nước mưa ngổn ngang khắp nơi.
PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, mặc dù so với giai đoạn 2010 - 2014, số người mắc SXH năm 2015 của cả nước giảm 32,2%, tử vong giảm 45,9%. Tuy nhiên, hiện nay tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam có số mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ năm 2014.
Để chủ động ngăn chặn sự gia tăng, bùng phát, lan rộng, nhất là vào mùa mưa tại khu vực này, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, cần có sự chỉ đạo kiên quyết của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư.
Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.
Nhận diện muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết
Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.
Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20 độ C.
Phòng bệnh sốt xuất huyết
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.