Nhiều trẻ có biểu hiện sốt cao
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn TP ghi nhận 329 trường hợp mắc tay chân miệng, tương đương với cùng kỳ của năm 2019, tuy nhiên có dấu hiệu gia tăng trong 2 tuần gần đây.
Tại bệnh viện E trung bình mỗi ngày, Khoa Nội Nhi tổng hợp tiếp nhận khám và điều trị từ 40 - 50 bệnh nhân nhi. Nhưng trong 3 tuần gần đây, Khoa tiếp nhận mỗi ngày 10 - 15 trường hợp tới khám và điều trị do mắc bệnh tay chân miệng. Ngoài các trường hợp bác sĩ chỉ định điều trị ngoại trú, nhiều bệnh nhi phải nhập viện điều trị vì mắc bệnh tay chân miệng cấp độ 2. Thậm chí có bệnh nhi 13 tháng tuổi (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có biểu hiện sốt cao trên 40 độ C, uống thuốc hạ sốt không đỡ, kèm theo co giật, các nốt phỏng nước tập trung nhiều ở khoang miệng dẫn đến ăn kém… Có một bệnh nhi (nam, 9 tháng tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) biểu hiện sốt cao trên 39 độ C, bệnh nhi không xác định được nguồn lây.
Theo thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, trong những ngày qua, BV tiếp nhận một số trường hợp mắc tay chân miệng đến khám và điều trị. Trong đó một số trẻ có biểu hiện sốt cao trên 39 độ C, các nốt phỏng nước xuất hiện nhiều trên da, vết loét vùng họng, miệng khiến trẻ đau đớn, bỏ ăn.
ThS.BS Trương Văn Quý – Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E, cho biết: Thời tiết nắng nóng bất thường, khiến trẻ em mắc các bệnh mùa hè gia tăng, trong đó có bệnh tay chân miệng. ThS Quý cảnh báo, dịch bệnh tay chân miệng đang gia tăng nhanh, có nguy cơ bùng phát mạnh do tốc độ lây lan "chóng mặt" của loại virus gây bệnh này.
Triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3-6 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5 độ C), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó bệnh sang giai đoạn toàn phát. Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2-3mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ.
Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống. Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông. Các mụn nước, bọng nước này thường không gây đau rát; chúng tồn tại trong vòng 7 đến 10 ngày rồi xẹp xuống và tự mất đi kể cả khi không được điều trị. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, tuy nhiên người lớn chưa có miễn dịch với bệnh cũng có thể mắc bệnh.
Do thời tiết nắng nóng tránh nhầm lẫn bệnh với các bệnh ngoài ra khác
Cũng theo bác sĩ Trương Văn Quý, bệnh tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc phải virus gây bệnh. Virus có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua đường phân, các nốt phỏng nước hoặc dịch tiết từ đường hô hấp. Đáng lo ngại là dịch bệnh này lây lan với tốc độ khủng khiếp. Trong lớp học có 1 bé bị mắc bệnh thì cả lớp đó có thể bị lây nhiễm.
Hiện các bác sĩ thực hiện phân loại tay chân miệng ở trẻ em theo mức độ nặng của bệnh theo 4 mức độ để xác định và đưa ra quyết định bệnh nhân nhi có cần nhập viện điều trị hay không. Theo đó, nếu bệnh nhân ở mức độ 1 có các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng thì bệnh nhi có thể điều trị tại nhà.
Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong năm chứ không chỉ vào những khoảng thời gian chuyển mùa. Khi nhiễm bệnh, trẻ cũng không bắt buộc phải có những biểu hiện như loét miệng hay nổi sần, mụn nước ở tay hay chân. Có những trường hợp trẻ bị nhiễm chỉ nổi sần ngoài da và các bậc cha mẹ rất dễ nhầm lẫn khi nghĩ rằng con em mình chỉ bị những bệnh ngoài da thông thường.
Khi trẻ mắc phải bệnh chứng này, đừng xem thường khi thấy trẻ ngủ không yên, giật mình, khóc quấy. Trong trường hợp này, khi thấy trẻ ngủ li bì, mê mệt, cho dù không mê man các bậc cha mẹ phải nhanh chóng đưa con em mình đến bệnh viện để được điều trị bởi có thể là bệnh đã biến chứng sang viêm màng não. Đây là lúc bệnh đã trở nặng và có khả năng gây nguy hiểm cao. Không nên bôi, xức các loại thuốc lên các mụn nước hay vết lở của trẻ. Bởi khi các vết lở hay mụn nước ngoài Da khô đi nhờ thuốc bôi, các bác sĩ sẽ khó chẩn đoán chính xác bệnh trạng của các em bé hơn.
Bác sĩ Trương Văn Quý khuyến cáo để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, cả người lớn và trẻ em cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay; không cho trẻ dùng chung khăn ăn. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn.
Để đề phòng bệnh Tay chân miệng cho con, cha mẹ hãy xem thêm thông tin TẠI ĐÂY.