Đời sống tình dục thời hiện đại đã không còn như xưa nữa. Và thủ phạm chính là bệnh tiểu đường tuýp 2. Một trong những hậu quả tiềm ẩn của căn bệnh này là tác hại đối với chuyện phòng the.
Nhiều người hiểu rằng, tiêu thụ quá nhiều đường làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 - vốn đang trở thành đại dịch không chỉ ở nước Anh và không hề có dấu hiệu ngừng lại.
Đời sống tình dục thời hiện đại đã không còn như xưa nữa.
Theo tổ chức từ thiện Diabetes UK, 3,7 triệu người Anh bị tiểu đường tuýp 2. Đáng lo ngại hơn nữa khi tổ chức này đưa ra dự báo thêm 1 triệu người nữa có thể mắc bệnh mà không hề biết.
Thật không may khi không nhiều người biết rõ tác hại khôn lường của tiểu đường tuýp 2 đối với cơ thể, cuộc sống, như tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và vấn đề về chân cũng như hỏng thị giác. Và còn ít người hơn nữa biết về tác động tiêu cực của tiểu đường tuýp 2 đối với chuyện ái ân.
Bệnh tiểu đường và "chuyện ấy"
Một cuộc điều tra được tiến hành mới đây với sự tham gia của hơn 2.000 người Anh cho thấy, thiếu nhận thức về những hậu quả nghiêm trọng hơn của tiểu đường tuýp 2 là hiện trạng phổ biến tại Anh. 80% số người được hỏi không biết bệnh này có thể dẫn tới liệt dương.
Do đường huyết cao gây tổn thương các tế bào thần kinh và mạch máu, dẫn tới giảm độ nhạy cảm và vì thế khiến cho một người đàn ông gặp khó khăn khi cương cứng. Huyết áp cao cộng với bệnh tim - vốn đi kèm tiểu đường – cũng góp phần làm vấn đề thêm trầm trọng.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng có thể tác động tới chức năng tình dục ở phái nữ bởi những tổn thương mà nó gây ra cho mạch máu.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng có thể tác động tới chức năng tình dục ở phái nữ bởi những tổn thương mà nó gây ra cho mạch máu. Kết quả là nguồn cung máu tới âm đạo và âm vật bị suy giảm, dẫn đến tình trạng khô hạn, giảm hưng phấn tình dục, chưa kể tới tổn thương thần kinh. Cả hai đều tiếp tục ảnh hưởng xấu đến mức độ nhạy cảm, đồng nghĩa với việc chị em suy giảm hứng thú và khó lên đỉnh hơn.
Nếu bạn gặp rắc rối với "chuyện ấy" không đồng nghĩa với việc bạn bị tiểu đường. Nhưng nếu bạn phát hiện các yếu tố nguy cơ khác, như thừa cân hoặc thường xuyên tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, nên đi khám bác sĩ ngay để có chẩn đoán chính xác.
Cũng theo cuộc điều tra trên, hơn 1/2 số người được hỏi không biết tiểu đường tuýp 2 có thể dẫn tới bệnh tim (62%), bệnh mù (53%), mất chi (54%) – đây đều là hậu quả của bệnh tiểu đường tuýp 2 không kiểm soát được trong thời gian dài.
Thêm một kết quả đáng giật mình nữa từ cuộc điều tra: 25% người bị tiểu đường tuýp 2 không tập luyện đủ, dù chỉ là 30 phút/ngày, bất chấp những lời khuyên từ chuyên gia y tế và chính phủ.
5 bước kiểm soát đường huyết
Chế độ ăn uống lành mạnh giữ vai trò then chốt trong việc kiểm soát đường huyết, cho dù bạn có bị tiểu đường tuýp 2 hay đơn giản là thói quen ăn quá nhiều đường hoặc thực phẩm tinh luyện. Nếu lo ngại nguy cơ tiểu đường gây ra cho sức khỏe, hãy tham khảo 5 bước kiểm soát đường huyết dưới đây:
1. Loại bỏ thực phẩm tinh chế, lựa chọn thực phẩm toàn phần
Phần lớn các loại thực phẩm qua tinh chế chứa carbohydrate tinh luyện hay đường bổ sung, có thể nhanh chóng làm tăng lượng đường huyết. Học cách nói "không" với bánh mì trắng, mỳ Ý trắng và ngũ cốc ăn sáng chứa đường. Thay vào đó, hãy chọn ngũ cốc nguy cám, đậu đỗ, rau và trái cây toàn phần. Đặt mục tiêu nấu các bữa ăn với nguyên liệu tươi bất cứ khi nào có thể.
2. Không ăn uống những món ăn vặt và đồ uống chứa đường
Trái cây toàn phần, các loại quả hạch hay hạt, sữa chua tự nhiên với dâu, cà rốt với nước sốt hummus, bơ lạc hoặc phô mai kem với bánh yến mạch là những gợi ý tốt dành cho bạn. Chúng giúp cân bằng đường huyết thông qua quá trình phân giải đường một cách từ từ vào máu. Nước ép trái cây cũng được xếp vào danh mục "đồ uống có đường". Do đó, chỉ nên coi loại đồ uống này là món để thi thoảng chiều chuộng bản thân.
3. Tăng cường hấp thụ rau và protein
Bạn nên đặt mục tiêu ăn những loại rau ít tinh bột như rau lá xanh hoặc rau làm salad. Chúng nên chiếm khoảng 1 nửa đĩa ăn trong mỗi bữa của bạn. Chất xơ có trong các loại rau này giúp bạn no lâu hơn và sẽ cân bằng đường huyết. Chúng lại có hàm lượng calo thấp nên tiện cả đôi đường cho bạn. Lưu ý: khoai tây rất giàu tinh bột. Vì vậy, nên hạn chế ăn khoai tây.
Nguồn cung cấp protein tốt cũng là điểm cần lưu ý trong từng bữa ăn. Protein giúp bạn no lâu và làm chậm quá trình giải phóng carbohydrate, đường. Bạn có thể chọn thịt nạc, cá, trứng, sản phẩm từ sữa tự nhiên như phô mai feta, các loại hạt, quả hạch – 1 trong các loại này nên chiếm khoảng 1/4 bữa ăn của bạn.
Phần còn lại nên ưu tiên các thực phẩm chậm giải phóng carbohydrate như gạo lứt, khoai lang, mỳ Ý, bánh yến mạch toàn phần.
4. Đọc kỹ nhãn mác trước khi dùng
Nếu bạn mua đồ ăn đóng gói sẵn, hãy chú ý đọc thông tin trên bao bì để tìm kiếm những loại đường giấu mặt. Chúng có thể xuất hiện trong mọi thứ, từ ngũ cốc tới bánh mì, từ nước xốt tới thực phẩm đóng hộp… Và chúng có thể biểu thị dưới nhiều cái tên khác nhau: glucose, dextrose, mật ong, siro, mạch nha… Nhìn chung, chứa trên 5g/100g (tương đương 5%) đường thì sản phẩm đó được xếp vào loại hàm lượng đường cao.
5. Hạn chế đồ uống có cồn
Đồ uống có cồn cũng gây hại cho đường huyết. Thói quen uống rượu trong thời gian dài có thể vừa làm tăng cân vừa gây ra kháng insulin. Cả hai đều tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Nếu lo ngại việc đường có thể hủy hoại đời sống tình dục của mình, thì bạn nên biết rằng: đồ uống có cồn thậm chí còn làm mọi việc tồi tệ hơn! Nếu không thể bỏ hẳn, chỉ giới hạn ở mức mà chính phủ khuyến nghị: tối đa 14 đơn vị/tuần.
Tất nhiên, duy trì tập luyện thể dục thể thao và có những giấc ngủ ngon cũng góp phần cực kỳ quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết, giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.
Nguồn: Healthista