Thời gian gần đây, khoa Da liễu Bệnh viện quận 11 (TP.HCM) liên tiếp tiếp nhận trung bình mỗi tháng khoảng 70-80 ca mắc bệnh lây qua đường tình dục, trong đó 10-15% bị sùi mào gà, giang mai, lậu...

Còn tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, lượt bệnh nhân đến khám các bệnh lây qua đường tình dục thời gian này tăng hơn so với năm 2020, khoảng hơn 40 ca mới mỗi ngày. Trong đó lượng bệnh nhân trẻ, bệnh nhân là học sinh, sinh viên đến khám vì bệnh lây qua đường tình dục có xu hướng tăng đáng kể.

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến tỉ lệ này gia tăng như: việc tìm kiếm bạn tình trên mạng xã hội dễ dàng hơn, không sử dụng biện pháp phòng bệnh an toàn...

Bệnh tình dục gia tăng ở nhóm người trẻ, có người điều trị sùi mào gà 15 lần không khỏi - Ảnh 1.

Người trẻ đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM để kiểm tra các bệnh lây nhiễm - Ảnh: T.P/Tuổi Trẻ

Tại các bệnh viện ở Hà Nội, số ca đến điều trị bệnh tình dục cũng không phải là ít, đặc biệt là bệnh sùi mào gà. Hồi tháng 8/2022, trong vòng 2 tuần liên tiếp, các bác sĩ Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận khám và điều trị 6 trường hợp sùi mào gà vùng hậu môn với lứa tuổi từ 14-50 tuổi.

ThS.BS Nguyễn Duy Khánh, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ về một trường hợp là nam thanh niên 30 tuổi (trú tại Vĩnh Phúc) đã đốt sùi mào gà 15 lần ở các phòng khám da liễu khác nhau nhưng bệnh không khỏi khiến anh bị ám ảnh vô cùng. BS cho biết, qua khai thác tiền sử, bệnh nhân chưa có vợ con nhưng quan hệ 1 lần duy nhất và bị rách bao cao su.

Sùi mào gà là bệnh gì?

Sùi mào gà là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Bệnh do virus HPV (Human Papillomavirus - hay còn gọi là virus gây u nhú ở người) gây nên. Bệnh lây chủ yếu do quan hệ tình dục không an toàn. Tuy nhiên, virus này cũng có thể lây qua một số đường tiếp xúc gián tiếp không qua quan hệ tình dục.

Bệnh tình dục gia tăng ở nhóm người trẻ, có người điều trị sùi mào gà 15 lần không khỏi - Ảnh 2.

Sùi mào gà có lây không? Lây qua đường nào?

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh sùi mào gà sinh dục là do bị lây nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn dưới mọi hình thức (bao gồm cả quan hệ bằng miệng, quan hệ qua đường hậu môn, hoặc những tiếp xúc sinh dục).

Virus sùi mào gà (HPV) sẽ qua đường này mà xâm nhập và tấn công nhanh chóng đến các bộ phận khác trong cơ thể. Do đó, việc quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su, quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người khác nhau...) sẽ làm gia tăng nguy cơ bị bệnh.

Ngoài ra, bệnh sùi mào gà cũng có thể bị lây nhiễm cho những người có khả năng miễn dịch kém, niêm mạc da bị trầy xước khi tiếp xúc trực tiếp với đồ dùng cá nhân có dính virus sùi mào gà của người bệnh như dùng chung đồ lót, quần áo, chăn màn, bàn chải đánh răng, khăn tắm... thậm chí là chung bồn cầu nhà vệ sinh hay những vết thương hở thì nguy cơ lây nhiễm sùi mào gà cũng rất cao.

Dấu hiệu sùi mào gà ở nữ giới

Bệnh sùi mào gà sinh dục có thể gặp ở cả cơ quan sinh dục của nam giới và nữ giới. Thông thường, các virus sùi mào gà sẽ ủ bệnh từ 2-9 tháng, sau đó mới bộc phát ra ngoài, gây ra các tổn thương trên nền da hoặc niêm mạc bình thường của người bệnh.

Ở phụ nữ, các mụn cóc sinh dục xuất hiện bên trong và xung quanh âm đạo hoặc hậu môn, hoặc trên cổ tử cung. Sùi mào gà ở giai đoạn đầu có thể rất nhỏ hoặc xuất hiện dưới dạng các cụm lớn, có màu hồng tươi hoặc trắng đục, mềm, mọc tập trung thành mảng lớn trông như cái súp lơ, không gây đau hay ngứa nhưng dễ bị chảy máu.

Người bệnh cũng bị mệt mỏi toàn thân, chán ăn, sút cân, đau rát khi quan hệ tình dục và giảm ham muốn tình dục.

Bệnh tình dục gia tăng ở nhóm người trẻ, có người điều trị sùi mào gà 15 lần không khỏi - Ảnh 3.

Dấu hiệu sùi mào gà ở nam giới

Ở nam giới, các mụn cóc sinh dục có thể xuất hiện ở trên dương vật, bìu hoặc xung quanh hậu môn. Các nốt mụn mọc nhiều dần lên rồi liên kết với nhau thành các mảng to có đường kính khoảng vài cm, trông như mào con gà hay cái súp lơ.

Một số trường hợp, nốt sùi mào gà có thể to bằng nắm tay, tiết ra dịch và máu có mùi hôi thối, tanh.

Dấu hiệu sùi mào gà ở miệng

Cũng do virus HPV nhưng sùi mào gà ở miệng được xác định là do hoạt động quan hệ tình dục bằng miệng nhưng không thực hiện các biện pháp an toàn. Bên cạnh đó, thói quen dùng chung dụng cụ vệ sinh cá nhân với người mắc bệnh cũng làm lây truyền virus nếu có tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở.

Thời gian đầu sau khi phát bệnh, trên lưỡi, họng xuất hiện những mảng có màu trắng, gây đau rát khi nuốt rất khó chịu. Triệu chứng này thường bị bỏ qua vì lầm tưởng với bệnh nhiệt miệng hoặc viêm họng. Bên cạnh đó, nếu bị sùi mào gà ở lưỡi thì sẽ thấy các nốt mụn nhỏ li ti có màu trắng hoặc hồng. Những nốt này sẽ lớn dần lên nhìn trông giống mào gà. Khi các triệu chứng sùi mào gà ở miệng xuất hiện hoàn toàn, người bệnh có thể thấy ngứa trong miệng, khó nuốt, sưng tê lưỡi...


Bệnh tình dục gia tăng ở nhóm người trẻ, có người điều trị sùi mào gà 15 lần không khỏi - Ảnh 4.

Sùi mào gà có chữa được không?

Bệnh sùi mào gà rất dễ tái phát do không điều trị triệt để. Hiện nay không có cách chữa sùi mào gà nào được xem là triệt để. Với mọi phương pháp điều trị, khả năng xảy ra tái phát có thể xảy ra. Các phương pháp chữa sùi mào gà được sử dụng tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, sức khỏe của bệnh nhân; tình trạng tổn thương...

Sùi mào gà có nguy hiểm không và làm sao để phòng bệnh?

Virus gây sùi mào gà một khi đã xâm nhập vào cơ thể thì rất khó để loại bỏ hoàn toàn. Đặc biệt, bệnh rất dễ lây nhiễm, tái phát khi bệnh nhân có quan hệ tình dục không an toàn hoặc khi sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm. Điều đó đồng nghĩa với việc bệnh nhân phải sống chung với virus HPV suốt đời và có thể tái phát bệnh sùi mào gà vào bất kỳ thời điểm nào.

Để ngừa bệnh mụn rộp sinh dục và sùi mào gà, cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ; quan hệ tình dục chung thủy với một bạn tình an toàn; sử dụng bao cao su để phòng bệnh cho mình và bạn tình. Nếu quan hệ tình dục qua đường miệng, phải dùng tấm lưới bảo vệ miệng. Vệ sinh cá nhân trước và sau khi quan hệ tình dục sạch sẽ.

Không dùng kim tiêm hay các vật dụng có chứa máu, dịch nhầy, mủ của người nghi nhiễm bệnh.

Không dùng chung đồ dùng cá nhân: quần áo, bàn chải đánh răng, khăn mặt, khăn tắm...