Thông tin nghệ sĩ hài Anh Vũ qua đời đột ngột ở tuổi 47 khi đang trong chuyến lưu diễn ở Mỹ khiến dư luận bàng hoàng.
Theo nhiều đồng nghiệp, trước khi mất Anh Vũ đã xuống sức khỏe thấy rõ. Căn bệnh ung thư đại tràng mà anh đã chống chọi suốt 19 năm được nhiều người cho là ít nhiều có liên quan đến cái chết của anh.
Đáng chú ý, anh phát hiện ung thư khi mới 28 tuổi nhưng khi ấy, bệnh đã ở giai đoạn 2, thời điểm tế bào ung thư đã di căn đến gốc gan.
Nghệ sĩ hài Anh Vũ. (Ảnh: FBNV)
Thế nào là ung thư đại tràng giai đoạn sớm?
Bác sĩ Nguyễn Phước Lâm, Trưởng khoa Nội soi một bệnh viện quốc tế tại quận Bình Tân chia sẻ, ung thư đại - trực tràng là loại ung thư khá phổ biến. Bệnh đứng hàng thứ ba sau ung thư cổ tử cung và ung thư vú ở nữ giới. Ở nam giới, bệnh này đứng hàng thứ tư sau ung thư phổi, ung thư gan và ung thư dạ dày.
Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận gần 15.000 ca mắc mới ung thư đại trực tràng mỗi năm, khoảng 50% trong số này tử vong.
Gần 15.000 ca mắc mới ung thư đại trực tràng mỗi năm.
Dù vậy, đây là loại ung thư có thể ngăn ngừa được và việc điều trị ở giai đoạn sớm rất có hiệu quả, khả năng sống sót cao và chi phí điều trị khi phát hiện ở giai đoạn sớm là rất ít.
Theo bác sĩ, ung thư đại tràng được xác định là giai đoạn sớm khi khối u mới chỉ ở lớp niêm mạc và xâm lấn xuống 1 phần lớp hạ niêm mạc. Giai đoạn này khi phát hiện có thể can thiệp cắt qua nội soi đại tràng.
Nếu để lâu hơn, khối u sẽ xâm lấn qua lớp hạ niêm mạc, xâm lấn tới lớp thanh mạc (lớp bọc ngoài đại tràng). Giai đoạn này vẫn còn có thể phẫu thuật được, tỷ lệ sống trên 5 năm có thể tới 90%.
Bác sĩ Lâm nhận định, ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Phẫu thuật nội soi trong điều trị ung thư.
Để có thể phát hiện được ở giai đoạn sớm chúng ta phải chủ động đi tầm soát ngay cả khi không có triệu chứng.
Như vậy thì đối tượng nào sẽ phải đi tầm soát, khi nào thì bắt đầu tầm soát và tầm soát bằng cách nào? đó là những câu hỏi mà những người quan tâm đến căn bệnh này thường đặt ra.
Phương pháp tầm soát giúp phát hiện sớm ung thư đại - trực tràng
Đa số các ung thư đại - trực tràng xuất phát từ các khối polyp. Polyp là các khối u nhỏ mọc trong lòng đại tràng hay còn gọi là ruột già.
Khởi đầu các khối polyp là khối u lành tính, theo thời gian polyp lớn lên và có thể trở thành ung thư. Mặc dù không phải tất cả polyp đều trở thành ung thư, nhưng hầu như tất cả các ung thư đại tràng đều xuất phát từ polyp.
Vì vậy việc đi tìm và cắt bỏ các polyp trong ruột già là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa ung thư đại trực tràng.
Bác sĩ cắt bỏ các polyp trong ruột già của bệnh nhân.
Có 3 phương pháp thường được sử dụng để tầm soát ung thư đại trực tràng:
- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân: Đây là xét nghiệm rẻ tiền, đơn giản, có độ nhạy phát hiện các khối ung thư 70-80%. Xét nghiệm máu ẩn trong phân không đặc hiệu, nghĩa là nếu dương tính chưa chắc là có ung thư đại trực tràng, vì vậy nếu máu ẩn trong phân dương tính cần phải nội soi đại tràng để xác định.
- Nội soi đại tràng: Đây là phương pháp chính xác nhất, nhưng việc thực hiện khá phức tạp. Bệnh nhân phải được xổ ruột, nhịn ăn, vì nội soi có thể gây đau nên thường cần phải tiền mê. Qua nội soi đại tràng nếu phát hiện polyp, thì bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ các khối polyp trong lúc soi.
- Nội soi đại tràng ảo: Bệnh nhân được xổ ruột và chụp CT-scan đa lát cắt, sau đó máy điện toán dựng hình lại lòng đại tràng. Nội soi đại tràng ảo có thể phát hiện phần lớn các khối polyp trong lòng đại tràng. Sau khi nội soi đại tràng ảo phát hiện khối polyp thì phải nội soi đại tràng thật để cắt polyp.
Người có tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng nên tầm soát sớm.
- Cần lưu ý nếu muốn kết quả nội soi đại tràng có giá trị đến 10 năm thì việc nội soi phải thực hiện rất chu đáo, đại tràng phải được rửa sạch phân, quan sát thật tỉ mỉ để không bỏ sót các khối polyp nhỏ.
- Về độ tuổi tầm soát, người từ 40 tuổi dù không có triệu chứng điển hình cũng nên tầm soát mỗi 5 năm, thậm chí hàng năm.
- Với những người có tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng nên tầm soát mỗi 3 năm/lần (trước tuổi người thân trẻ nhất mắc bệnh 10 năm hoặc khi 40 tuổi).