Nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời vì bệnh viêm gan, mật

Thông tin nghệ sĩ Phạm Bằng đã qua đời vào khoảng 20h tối 31.10, tại Bệnh viện Hồng Ngọc đã khiến bao người hâm mộ tiếc thương. Được biết, từ cuối tháng 6, NSƯT Phạm Bằng luôn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và xuống sức rất nhanh. Nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, NSƯT Phạm Bằng đã đi khám thì được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm túi mật và viêm gan.

Khi đã làm xong các thủ tục ở bệnh viện Việt Xô, chuẩn bị mổ thì nghệ sĩ Phạm Bằng nghe lời động viên và khuyên nhủ của con cái sang Singapore chữa bệnh. Nhờ phát hiện sớm nên bệnh tình thuyên giảm phần nào, sau khi từ Singapore về, nghệ sĩ Phạm Bằng ở lại Sài Gòn dưỡng bệnh thêm một tháng.

nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời vì viêm gan, mật

Một nguồn tin gần đây cho biết, trong thời gian nằm viện chữa bệnh nghệ sĩ đã sụt tới 8kg. Do tuổi cao sức yếu, nghệ sĩ Phạm Bằng đã không thể vượt qua cơn bạo bệnh. Ông đã qua đời ở tuổi 85 và lần chẩn đoán bệnh cuối cùng là tắc ống mật.

Có thể nói, viêm gan, mật là những căn bệnh chưa đến nỗi bị gọi là căn bệnh tử thần như ung thư nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cũng sẽ gây nên những biến chứng bệnh đáng sợ, khiến nguy cơ đứng trước bờ vực thẳm của người bệnh cao hơn bao giờ hết. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viêm gan do virus là nguyên nhân thứ 7 gây tử vong trên toàn cầu. Ở nước ta, viêm gan do virus đứng thứ ba trong số các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Điều này cũng không có gì quá khó hiểu vì Việt Nam cũng là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á với 3,4 tỷ lít bia trong năm 2015 - một thói quen lớn nhất trực tiếp gây tổn thương trầm trọng lá gan của bạn.

Bệnh nhân bị viêm gan, mật dễ bị biến chứng nhanh và tử vong

Gan được ví là "bộ máy lọc máu chính" trong cơ thể mỗi người. Giống như các bộ phận khác trên cơ thể, lá gan có thể mắc nhiều căn bệnh khác nhau do virus, vi khuẩn, nhiễm độc tố... làm gan bị tổn thương từ nhẹ đến nặng. Mọi đối tượng dù là người già hay trẻ em đều có thể mắc bệnh viêm gan.Viêm gan có nhiều loại, mỗi loại đều có những đặc điểm khác nhau nhưng tựu chung lại là một căn bệnh khá phổ biến trên toàn thế giới. 

Các dạng viêm gan hiện nay bao gồm viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C, viêm gan D và viêm gan E. Viêm gan A được gây ra do virus viêm gan A, xâm nhập vào cơ thể thông qua đường thức ăn, nước uống. Virus viêm gan A có thể lây lan qua đường tiêu hóa bằng cách xâm nhập vào thức ăn bị nhiễm bẩn. Bệnh viêm gan A chỉ gây sưng gan chứ không gây bất cứ tổn hại nào ở gần. Trong khi đó, viêm gan B lại là bệnh truyền nhiễm cực kì nguy hiểm gây ra bởi virus viêm gan B, có thể lây lan trực tiếp cho người khác qua đường máu, mồ hôi, nước tiểu, hay quan hệ tình dục… Viêm gan C cũng là căn bệnh nguy hiểm không kém viêm gan A, B, có thể truyền nhiễm trực tiếp từ người này sang người khác. Viêm gan D là một dạng nhiễm trùng ở gan do vi rút viêm gan D (HDV) gây ra, chỉ xảy ra ở những người có nhiễm virus viêm gan B. Viêm gan D có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Viêm gan E cũng tương tự như viêm gan A nhưng khó lây hơn, đôi khi lây qua máu và rất hiếm lây qua đường sinh dục. 

Trong những loại viêm gan trên, viêm gan B được coi là nguy hiểm nhất. Nguyên nhân là do loại virus gây bệnh viêm gan B có thể sống tốt trong môi trường nóng, lạnh mà con người không thể chịu được. Riêng tại Việt Nam, số bệnh nhân nhiễm bệnh viêm gan B có tỷ lệ cao nhất thế giới. “Trung bình cứ 10 người ngẫu nhiên có 2 người nhiễm HBV, ước tính có khoảng trên 10 triệu người mang HBV. Điều đáng tiếc là số người nhiễm HBV còn có thể cao hơn bởi nhiều người chưa từng kiểm tra xem mình có bị nhiễm hay không hoặc tình cờ phát hiện ra khi đi khám, kiểm tra sức khỏe, hay chỉ biết khi đã bị các hậu quả của nó là xơ gan, ung thư gan”, BS. ThS Nguyễn Lê (Khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Quân y 103) phát biểu.

nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời vì viêm gan, mật

Theo GS Phạm Hoàng Phiệt, khoảng 25 - 40% số người bị nhiễm virus viêm gan B mạn tính chết sớm vì xơ gan và/hoặc ung thư gan. Người mang HBsAg(+) có nguy cơ mắc bệnh xơ gan là 30-40%. Ung thư gan chiếm 38/100.000 dân, đứng thứ hai sau ung thư phổi, HBsAg(+) trong ung thư gan là 80-90%. Nói chung, 80 đến 85% số trường hợp ung thư gan có kết hợp căn nguyên với virus viêm gan B.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm gan virus bao gồm sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, da và mắt vàng. Tuy nhiên với những trường hợp mãn tính, các triệu chứng trên thường không điển hình. Rất nhiều bệnh nhân không có những biểu hiện lâm sàng, khi được phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn như xơ gan, ung thư gan.

Trong khi viêm gan là căn bệnh nguy hiểm thì viêm túi mật cũng là nguyên nhân khiến tình trạng lá gan thêm tồi tệ hơn. Viêm đường mật - túi mật là biến chứng thường gặp nhất của sỏi và giun đũa chui vào đường mật - túi mật, nhất là khi có tắc nghẽn ống mật. Trong nhóm bệnh lý này, viêm túi mật cấp là một cấp cứu về tiêu hóa, thường do sỏi mật gây nên.

nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời vì viêm gan, mật

Khi có sỏi đường mật, nhất là sỏi cổ túi mật hoặc giun chui đường mật sẽ gây tắc nghẽn đường mật, muối mật kích thích gây tổn thương thành túi mật, lúc đó vi khuẩn sẽ xâm nhập vào trong túi mật và phát triển gây ra viêm túi mật cấp. Bệnh gây ra do vi khuẩn chiếm đến 50-85% trường hợp. Vi khuẩn thường gặp là E. coli, Klebsiella, Streptococcus nhóm D, Staphylococcus và Clostridium.

Triệu chứng mắc bệnh viêm túi mật thường là những cơn đau quặn gan. Cơn đau ban đầu chỉ ở khu vực gan nhưng càng về sau bệnh càng nặng, cơn đau sẽ lan tỏa cả vùng hạ sườn phải, lan sang vùng bả vai phải, vai phải. Ngoài những cơn đau kinh hoàng, bệnh nhân bị viêm túi mật nặng hơn sẽ phải đối mặt với nhiễm trùng và tắc mật. Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm túi mật thường nôn mửa, chán ăn, vàng da sẽ xuất hiện muộn hoặc không xuất hiện. Bệnh nhân viêm túi mật nếu không được điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng thường gặp như viêm mủ túi mật, ứ nước túi mật, hoại thư và thủng túi mật, thậm chí tử vong.

Tại Việt Nam, hiện nay rất nhiều bệnh nhân phát hiện tình trạng nhiễm virus viêm gan cũng như viêm túi mật khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Do đó, để phát hiện sớm tình trạng nhiễm virus viêm gan, viêm túi mật, người bệnh cần được thăm khám và xét nghiệm. Ngoài ra, mỗi người cần trang bị cho mình những kỹ năng phòng tránh những căn bệnh đáng sợ này:

- Thiết lập lại lối sống của bản thân, chế độ dinh dưỡng phù hợp: Không bia, rượu, làm việc quá sức, thức đêm, tăng cường hoa quả, vitamin và đạm, đường, hạn chế mỡ động vật, đồ chiên, rán.

- Kiểm tra và phòng tránh cho người thân: Xét nghiệm HBsAg cho người thân, nếu không có thì tiêm phòng, dùng riêng các vật dụng dễ dính máu, giữ gìn khi chảy máu, vết thương, dùng bao cao su khi quan hệ tình dục… (virus không lây qua ăn uống, hôn, tiếp xúc da lành).

- Không bỏ bữa: Bỏ bữa ăn hay ăn chay có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật.

ung thư gan

- Tăng cường tập thể dục: Tăng cường vận động thể dục thể thao thường xuyên ít nhất 15 – 30 phút mỗi ngày có khả năng làm giảm nguy cơ sỏi mật.

- Giảm cân từ từ: Bệnh béo phì và thừa cân làm tăng nguy cơ sỏi mật. Tuy nhiên, bạn không nên nóng vội, giảm cân nhanh chóng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm túi mật.

- Cần ăn uống vệ sinh như ăn uống thức ăn đã nấu chín, tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không nên ăn thức ăn đường phố, trẻ em hạn chế ăn quà vặt cổng trường. Đối với người có tiền sử giun chui ống mật cần tẩy giun định kỳ 2 lần/năm.

- Thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên ít nhất 1-2 lần 1 năm để sớm phát hiện những nguy cơ biến chứng viêm túi mật và điều trị hiệu quả.