Tối 29/12, bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận nam bệnh nhân 30 tuổi bị tai nạn giao thông dập não, hôn mê, Glasgow 4 điểm - được xác định trong tình trạng chết não, đã hết cơ hội cứu chữa.
Trước thực trạng đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã vận động người nhà bệnh nhân đồng ý hiến tạng để cứu những người bệnh khác. Đồng thời liên hệ với Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia cử kíp hồi sức chết não và kíp vận động người hiến tạng vào đánh giá sơ bộ, khi khẳng định tình trạng chết não của bệnh nhân, Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia đã chuyển bệnh nhân ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để đánh giá tình trạng chết não trong 3 lần và xác định bệnh nhân đã chết não có thể lấy tạng.
Bệnh nhân chết não có nhóm máu B, được lấy tạng lúc 19 giờ 30 ngày 30-12 đến gần 21 giờ. Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia đã chuyển 1 quả thận về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa lúc 23 giờ 30 cùng ngày để ghép cho bệnh nhân. Một lá gan và 1 quả thận khác của bệnh nhân chết não được điều phối để ghép cho các bệnh nhân phù hợp.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh các bác sĩ đã hội chẩn, làm Bilan xác định sự phù hợp giữa bệnh nhân nhận tạng và bệnh nhân hiến tạng quyết định ghép tạng cho một bệnh nhân nam, 31 tuổi (ở xã Hoằng Phú, Hoằng Hóa), bị suy thận mãn đã chạy thận lọc máu định kỳ tại bệnh viện từ 4 năm nay.
23 giờ 45 phút ngày 30-12, nhiều ê kip của Bệnh viện Đa khoa tỉnh gồm hơn 100 nhân viên y tế. Sau hơn 3 giờ thực hiện ghép, ca phẫu thuật được đánh giá thành công. Quả thận bắt đầu hồng hào, được tưới máu tốt và bắt đầu có nước tiểu. Các chỉ số sinh tồn bình thường. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, đang được theo dõi, điều trị hậu ghép tích cực.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Thanh Tùng, Phó trưởng Khoa Ngoại tiết niệu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên từ người cho chết não là bước tiến mới của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, là một quá trình chuẩn bị, nỗ lực cố gắng của tập thể y, bác sĩ bệnh viện. Ghép thận là một kỹ thuật khó, việc triển khai kỹ thuật ghép thận từ người chết não tại tuyến tỉnh đã đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của y tế tỉnh nhà nói chung và Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng, khẳng định khả năng, trình độ của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực y tế, thực hiện và làm chủ các kỹ thuật rất khó - là nền tảng để triển khai các kỹ thuật khó hơn, giúp cho người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ, kỹ thuật y tế hiện đại, chuyên sâu ngay tại địa phương, giảm chi phí khi phải chuyển lên tuyến Trung ương điều trị.