Cái chết của một người Mỹ khơi dậy sự tò mò về hòn đảo Sentinel
Vào năm 2018, thông tin về John Chau, 27 tuổi, một người Mỹ thiệt mạng khi đang cố gắng đặt chân tới đảo Bắc Sentinel, thuộc quần đảo Andaman đã thu hút sự quan tâm của truyền thông và dư luận quốc tế lúc bấy giờ. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của chàng trai này được cho là Chau đã tìm cách xâm nhập vào hòn đảo và bị bộ lạc trên đảo này dùng cung tên bắn chết. Dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực tìm cách đưa thi thể của người xấu số về quê hương nhưng không được.
Kể từ đây, dư luận đổ dồn sự quan tâm vào người Sentinel, một trong những bộ tộc cự tuyệt thế giới bên ngoài. Hòn đảo Bắc Sentinel, thuộc quần đảo Andaman ở vịnh Bengan nằm giữa Ấn Độ và Malaysia, được bảo vệ dưới luật pháp Ấn Độ. Theo nghiên cứu của các nhà nhân chủng học, bộ lạc này hiện nay chỉ còn khoảng 400 người, sinh sống trên hòn đảo có diện tích 72 km2. Theo Stuff NZ, người Sentinel có thể đã xuất hiện từ hơn 60.000 năm trước.
Không một ai biết họ nói ngôn ngữ gì và tự gọi mình là gì. Những người bên ngoài gọi họ là người Sentinel. Hòn đảo là khu vực cấm và những người không phải dân đảo không được lại gần trong vòng phạm vi 5 hải lý. Ngay Chính phủ Ấn Độ cũng tuyên bố không có ý định can thiệp vào cuộc sống của người dân trên đảo và khuyến cáo du khách không nên tiếp cận hòn đảo này.
Nguyên nhân của quy định này xuất phát từ cái chết của hai ngư dân vô tình đổ bộ lên đảo do thời tiết xấu năm 2006. Ngoài ra, đây cũng là biện pháp bảo vệ những người trên đảo tránh các dịch bệnh từ bên ngoài do hệ miễn dịch của họ rất kém.
Hòn đảo bí ẩn và bộ tộc kỳ lạ cự tuyệt với thế giới
Được biết, người dân trên đảo vẫn sống bằng cách săn bắn, hái lượm như người cổ xưa từ khoảng 10.000 năm trước. Có rất ít hình ảnh về bộ lạc này, chủ yếu là hình chụp từ trên cao hoặc ngoài khơi do họ luôn quyết liệt chống trả khi có người cố gắng tiếp cận, từ các nhà thám hiểm châu Âu thời thuộc địa đến lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ.
Người dân ở đây "đón" khách đến thăm hay những nạn nhân của các vụ đắm tàu, máy bay rơi bằng cung tên và mũi lao. Năm 1981, máy bay của Primrose, hãng hàng không Panama, bị mắc kẹt trên các rạn san hô xung quanh hòn đảo này. Các thổ dân đã dội cơn mưa tên xuống đống hoang tàn của vụ tai nạn, trong khi phi hành đoàn phải đợi một tuần mới được giải cứu. Năm 1997, khi một đoàn khách lạ khác tìm cách tiếp cận đảo, họ đã nhận một màn mưa cung tên.
Có thể thấy rằng, người dân của hòn đảo không hề muốn chào đón bất kỳ người khách lạ nào ghé thăm và họ sẵn sàng đáp trả bằng hành động gay gắt nhất. Nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân khiến bộ lạc Sentinel "căm ghét" người lạ và cự tuyệt với thế giới bên ngoài xuất phát từ một sự kiện trong lịch sử.
Sự thù địch thế giới bên ngoài đến từ đâu?
Theo đó, vào cuối thế kỷ 19, MV Portman, một chỉ huy người Anh tại quần đảo AndamaN đã cùng đoàn thám hiểm tiến vào đảo North Sentinel với hy vọng thiết lập liên lạc với người Sentinelese. Họ tìm thấy ngôi làng và con đường vắng vẻ, nhưng không nhìn thấy những người dân trên đảo.
Những ngày sau đó, đoàn thám hiểm gặp một cặp vợ chồng già và 4 đứa trẻ. Họ đã mang những người Sentinel này đến Port Blair, thủ đô của quần đảo Andaman. Tuy nhiên, cặp vợ chồng già đã đổ bệnh và qua đời không lâu sau đó vì hệ thống miễn dịch của họ yếu do thiếu tiếp xúc với người ngoài. Lo sợ rằng những đứa trẻ Sentinel cũng sẽ chết, Portman và nhóm của ông đã quyết định đưa họ trở lại đảo. Người ta cho rằng sự việc này có thể chính là vấn đề nghiêm trọng, giải thích cho sự thù địch và từ chối người ngoài của bộ lạc này.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, lệnh cấm mọi người tuyệt đối không đến hòn đảo này được đưa ra. Một mặt, việc ghé thăm hòn đảo không chỉ nguy hiểm cho những du khách tò mò. Mặt khác, người dân đảo cũng không miễn dịch với các loại bệnh hiện đại. Nếu để họ tiếp xúc với người bên ngoài có thể dẫn đến xóa sổ hoàn toàn bộ lạc Sentinel.
Trước đó vào cuối thế kỷ 20, chính phủ Ấn Độ đã tìm cách tiếp xúc với bộ lạc nằm trên hòn đảo Bắc Sentinel này. Tuy những nỗ lực của họ đều bị dập tắt bởi những người dân của bộ lạc vô cùng cảnh giác, họ không bao giờ muốn chào đón những vị khách lạ đặt chân đến đây. Tuy nhiên, vào đầu những năm 1990, đã có hai cuộc gặp gỡ trong hòa bình với bộ lạc muốn cự tuyệt cả thế giới này, đem đến những thông tin đắt giá về bộ lạc Sentinel.
Người phụ nữ duy nhất tiếp xúc được với thổ dân Sentinel
Theo đó, một nhóm các nhà nhân chủng học từ Trung tâm Khảo sát Nhân chủng học Ấn Độ đã triển khai kế hoạch tiếp cận bộ lạc đặc biệt này để tìm hiểu cuộc sống của họ. Trong nhóm nghiên cứu đó, có một người phụ nữ duy nhất của đội là bà Madhumala Hayopadhyay.
Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã muôn nghiên cứu các bộ lạc nằm trong các quần đảo biệt lập. Tuy nhiên vào thời điểm đó, theo quy định, phụ nữ không được tham gia vào các nhóm nhân chủng học có liên quan đến các bộ lạc hiếu chiến. Người phụ nữ đã đưa ra một bản cam kết là không yêu cầu bên nào phải bổi thường cho bất kỳ rủi ro, thương tích hay mất mát nào của bà. Cha mẹ của người phụ nữ cũng phải ký kết văn bản tương tự.
Được chính phủ đồng ý, Hayopadhyay trở thành nhà nhân chủng học nữ đầu tiên liên lạc với người Sentinel. Nhóm nghiên cứu của bà đã tham khảo kinh nghiệm từ phía chính quyền Ấn Độ và họ không đồng tình với cách tiếp cận bạo lực, mang theo vũ khí như trước kia cảnh sát từng làm. Do vậy, họ đã nghĩ tới cách tặng quà bằng việc thả xuống biển những món đồ để sóng đánh vào bờ và bộ lạc trên đảo Bắc Sentinel có thể nhận được. Một trong những món quà gặp mặt mà họ gửi đến chính là dừa và chuối.
Khi bà Hayopadhyay bước xuống thuyền để tiếp cận hòn đảo thì một thanh niên khoảng 19 hoặc 20 tuổi đứng cùng với một phụ nữ trên bãi biển. Người này đột nhiên giương cung định bắn nữ nhân chủng học. Tuy nhiên bà Hayopadhyay đã tìm cách giải thích sự thiện chí của mình và nam thanh niên này đã cúi xuống bắt đầu nhặt những trái dừa. Những thành viên khác của bộ lạc cũng xuất hiện để nhặt dừa và bà Hayopadhyay nói rằng, bà cảm thấy lần đầu tiên, họ không có cảm giác ghét bỏ người lạ.
Hayopadhyay trở lại với một nhóm người lớn hơn một tháng sau đó. "Lần này, bọn họ dường như không thỏa mãn với việc nhặt những trái dừa lênh đênh ngoài khơi, các thành viên của Sentinel đã trèo lên thuyền của chúng tôi để lấy toàn bộ số dừa. Một trong những thành viên trong nhóm sau đó đã tìm cách lấy một đồ trang sức làm từ những chiếc lá của một người đàn ông Sentinel. Người này đã nổi giận và rút dao ra. Anh ta đã ra hiệu cho chúng tôi rời đi ngay lập tức và chúng tôi buộc phải bỏ đi", nữ nhân chủng học cho hay.
Đó cũng là chuyến đi cuối cùng của bà Hayopadhyay tới đây. Dù thất bại trong việc tiếp cận sâu hơn về bộ lạc bí ẩn này nhưng bà Hayopadhyay nói rằng bà sẽ không bao giờ quay lại hòn đảo Bắc Sentinel nữa vì điều đó là không cần thiết.
"Họ đã sống ở đây trong nhiều thế kỷ mà không gặp vấn đề gì. Họ không cần người ngoài đến bảo vệ họ, điều duy nhất họ cần là không muốn ai đặt chân tới đây nữa", bà Hayopadhyay nhấn mạnh.
Nguồn: Nationalgeographic, Theguardian
Chúng tôi đứng về phía Văn Mai Hương.
Phụ nữ phải được tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn dù ở bất cứ đâu. Phát tán những hình ảnh riêng tư và nhạy cảm của phụ nữ, dù bất cứ lý do gì đều không được chấp nhận. Chúng ta hãy cùng đứng về phía Văn Mai Hương và chung tay bảo vệ phụ nữ, vì một xã hội văn minh hơn.