Nỗi ám ảnh về chiếc gương "sát nhân"
Tháng 11/1977, Hiệp hội các nhà sưu tập đồ cổ Pháp đã tổ chức một cuộc họp báo đặc biệt để cảnh báo cho các thành viên của mình không nên tìm mua chiếc gương cổ viền gỗ có tên gọi là Louis Alvarez 1743. Lời cảnh báo đi kèm với con số 38 người Pháp đã chết vì xuất huyết não khiến dư luận giật mình.
Trong quá khứ, chiếc gương "sát nhân" được tạo ra bởi một nghệ nhân người Pháp Louis Alvarez vào năm 1743. Nhưng chỉ 2 ngày sau khi hoàn thiện sản phẩm, Louis đột ngột qua đời tại nhà riêng do xuất huyết não dù trước đó, sức khỏe của ông vô cùng tốt. Thời điểm ấy, người ta không bao giờ nghĩ cái chết của vị nghệ nhân này có liên quan đến chiếc gương nên chiếc gương được bán lại cho một cửa hàng tạp hóa. Từ đó, cuộc hành trình của chiếc gương chết chóc bắt đầu.
Ngay sau đó, ông Tesemer, chủ một cửa hàng bán bột mì ở thành phố cảng Marseille, đã đến cửa hàng, lập tức bị thu hút bởi chiếc gương và quyết định mua nó để về tặng vợ. Vào đêm sinh nhật vợ, ông Tesemer vừa chạm vào viền gỗ của tấm gương thì đột ngột cảm thấy ớn lạnh, đầu óc nặng trĩu, mọi thứ xung quanh quay cuồng. Sau đó, ông Tesemer qua đời, được chẩn đoán là do xuất huyết não. Người đàn ông này là nạn nhân thứ 2 của chiếc gương "sát nhân".
Vì quá đau buồn trước cái chết của chồng và không muốn gợi lại ký ức đau buồn, vợ ông Tesemer đã quyết định bán đi tất cả đồ dùng của người chồng quá cố, bao gồm chiếc gương kia.
Năm 1765, 22 năm sau khi biến mất, chiếc gương đột ngột xuất hiện với thông tin của nạn nhân thứ 3, một biên tập viên trẻ của tòa soạn báo có tên là Arnold. Được biết, Arnold đã mua chiếc gương ở cửa hàng ven đường tại Paris để treo dùng trong nhà. Thế nhưng từ sau đó, người ta không còn thấy Arnold bước ra khỏi nhà nữa. Phải đến khi thi thể của chàng trai này bị thối rữa và bốc mùi thì xung quanh mới biết anh đã chết. Giống như 2 nạn nhân trước đó, nguyên nhân cái chết của Arnold được xác định là xuất huyết não.
Sau cái chết của Arnold, tin đồn bắt đầu được lan truyền trong khi hành trình giết người của chiếc gương chưa có dấu hiệu dừng lại. Lúc đi dạo chợ bán hàng "secondhand", chủ cửa hàng đồ cổ Henry nhìn thấy một chiếc gương viền gỗ tuyệt đẹp nên đã "rước" nó về với mức giá cực rẻ. Nhưng chỉ 3 ngày sau đó, thi thể của Henry được tìm thấy trong cửa hàng và một lần nữa, xuất huyết não lại xuất hiện ở phần ghi chú nguyên nhân cái chết của nạn nhân.
Tại tang lễ của Henry, một trong những người bạn thân của ông để ý chiếc gương Louis Alvarez 1743. Tình cờ, người này cũng là bạn của chàng trai trẻ Arnold và từng nhìn thấy chiếc gương tại đám tang của anh. Sự xuất hiện của chiếc gương đúng thời điểm 2 người bạn của mình sắp gặp họa sát thân khiến người đàn ông này không khỏi nghi ngờ. Thế là ông khuyên gia đình Henry nên vứt chiếc gương đi.
Nạn nhân tiếp theo của chiếc gương Louis Alvarez 1743 là vợ chồng ông Hanmer và bà Jura. Chiếc gương với những đường nét chạm khắc tinh xảo đã thu hút sự chú ý của bà Jura, thôi thúc người phụ nữ này mua về và để trên bàn làm việc ở nhà. Sau đó không lâu, hai vợ chồng bà đã qua đời trên đường đến bệnh viện cấp cứu do bị xuất huyết não.
Trong hơn 100 năm tiếp theo, người ta vẫn tiếp tục biết được thông tin về 20 cái chết đột ngột giống như 6 người trước đó. Trong số những nạn nhân ấy, có người đã nghe tin đồn về chiếc gương "sát nhân" nhưng vẫn tò mò sử dụng nó để rồi đẩy mình vào kết cục buồn, cũng có những người vô tình "rước họa vào thân". Điểm chung của các nạn nhân là họ đều là những người khỏe mạnh, không hề mắc bệnh hay nghiện ngập. Chẳng hiểu vì sao mà chỉ sau vài ngày tiếp xúc với chiếc gương, tất cả đều lăn ra chết vì bị xuất huyết não.
Nạn nhân thứ 38 của chiếc gương là tiến sĩ Smith. Với tư cách là một nhà khoa học, ông Smith không tin vào những lời đồn đoán ma quái xung quanh món đồ này nên đã quyết tìm ra cho bằng được nguyên nhân dẫn đến cái chết của hàng chục nạn nhân trước đó. Nhưng tiếp xúc với chiếc gương chưa được bao lâu thì người đàn ông này đã cảm thấy chóng mặt, nhức đầu nhưng nhắn gửi với gia đình rằng phải bảo quản chiếc gương thật tốt, không được để nó tiếp tục làm hại ai khác.
Từ đó, chiếc gương được bọc lại và cất giữ cẩn thận để không ai trở thành nạn nhân tiếp theo của nó nữa.
Sự thật về chiếc gương "sát nhân"
Tháng 4/2005, một nhà khảo cổ học người Mỹ có tên là Waine đã bay đến Paris, Pháp, để tìm hiểu sự thật về chiếc gương "sát nhân" Louis Alvarez 1743. Hiệp hội các nhà sưu tập đồ cổ Pháp, đã ngăn cản ông Waine vì họ không muốn điều tồi tệ xảy ra. Không từ bỏ ý định, ông Waine đã tìm gặp cháu trai của tiến sĩ Smith, và thuyết phục người đàn ông này đưa cho ông chiếc gương. Sau khi đạt được ý muốn, ông Waine đã cùng với món đồ chết chóc ấy bay về Mỹ để tiến hành nghiên cứu.
Sau một vài buổi kiểm tra, ông Waine xác định chiếc gương có tuổi đời chưa đến 100 năm. Điều này chứng tỏ mặt gương đã được thay mới hoặc nó không phải là nguyên nhân gây ra cái chết của các nạn nhân. Giờ đây, sự nghi ngờ của ông Waine lại đổ dồn về phần viền gỗ chạm khắc đặc biệt.
Một ngày nọ khi đi làm về nhà, ông Waine kinh ngạc khi thấy 2 con chuột bạch được dùng để làm thí nghiệm bị nhốt trong lồng sắt đặt trước gương đã chết cứng từ bao giờ. Có lẽ nào chiếc gương lại tiếp tục ra tay?
Sau khi phẫu thuật thi thể của chuột trắng, ông Waine phát hiện nhiều máu ứa đọng trong não của chúng. Vậy là giống như 38 nạn nhân trước đó, 2 con chuột này chết vì xuất huyết não.
Ông Waine đã bóc một vài mảnh vụn trên khung gỗ của chiếc gương để làm mô hình thí nghiệm. Kết quả cho thấy khung gỗ được làm bằng gỗ coura, một loại gỗ rất quý hiếm đã không còn được nhìn thấy trong hơn 100 năm qua.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là gỗ Coura có chứa một chất cực độc. Khi có ánh sáng tự nhiên mạnh chiếu vào, chất độc từ gỗ bốc hơi tạo ra không khí độc. Nếu hít phải khí này, mạch máu của nạn nhân ngay lập tức bị tắc, nứt và nhanh chóng tràn máu lên não gây tử vong ngay sau đó.
Do thói quen đóng rèm cửa sổ phòng thí nghiệm cộng với thể trạng tốt, bác sĩ Waine may mắn không trở thành nạn nhân thứ 39 của chiếc gương. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của hai con chuột bạch là do người vợ tranh thủ lúc ông ra khỏi phòng đã mở cửa sổ cho thoáng gió. Ánh sáng tự nhiên chiếu vào phòng khiến chất độc bay hơi, giết chết 2 con vật gần đó.
Thế nhưng, trước khi công bố thông tin này để ngăn chặn nhiều cái chết đột ngột, ông Waine đã vô tình châm lửa thiêu rụi khung gỗ của chiếc gương. Điều này khiến ông không còn bằng chứng nào để chứng tỏ khung gỗ mới chính là "kẻ sát nhân" thực sự.
Đến nay, những câu chuyện kể về chiếc gương Louis Alvarez 1743 có khả năng "giết người" thỉnh thoảng vẫn được nhắc đến và khiến người ta tin sái cổ.
(Nguồn: Tổng hợp)