Cách TP. Huế khoảng 15km đi về phía khu Đồng Chầm, có một ngôi mộ nằm hoang lạnh ít người qua lại, đó là nơi an nghỉ của nàng công chúa có số phận lạ lùng trong sử Việt: Làm hậu phi của hai vị vua thuộc hai triều đại khác nhau, đặc biệt là hai triều đại đối đầu khốc liệt trong lịch sử. Do số phận lạ lùng, dân gian có câu ca dao nói về bà:
"Số đâu có số lạ lùng
Con vua lại lấy hai chồng làm vua".
Theo sử liệu, công chúa Ngọc Bình qua đời khi vừa bước sang tuổi 25, được an táng ở làng Trúc Lâm. Đến tháng 12/2009, tẩm mộ được cải táng về đồi Mâm Xôi, thuộc khu Đồng Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nguồn: Cậu Ba La Cà
Ngôi mộ hoang lạnh trên đồi Mâm Xôi
Ngôi mộ cổ kính nằm trên đỉnh đồi Mâm Xôi - nơi hoang sơ với những câu chuyện về một nàng công chúa - từng gắn bó với hai vị vua làm chủ đất nước. Đồi Mâm Xôi là nơi an táng của cả người dân đã khuất, ngay dưới chân đồi là trung tâm bảo trợ - nơi nhận những người có sức khỏe tinh thần không ổn định.
Nguồn: Khám phá Huế
Lăng mộ của công chúa Ngọc Bình nằm khiêm tốn tại một góc trên đồi Mâm Xôi. Tại phần mộ có đề "Nguyễn Phúc Tộc, Lăng Bà Đức Phi Lê Thị Ngọc Bình". Công chúa Ngọc Bình qua đời năm 1810, được an táng tại làng Trúc Lâm, đến năm 2009 được đưa về cải táng tại đồi Mâm Xôi, khu Đồng Chầm, phương Hương Hồ, thị xã Hương Trà, TP. Huế. Năm 2016, khu lăng mộ được sửa sang như hiện tại.
Nguồn: Khám phá Huế
Phần mộ công chúa được đắp khối hình chữ nhật hình quan, không có hoa văn trang trí cầu kỳ. Trên mặt bệ thờ chỉ có một bát hương nhỏ cùng với hũ muối-gạo-nước cùng 1 đĩa bồng. Nhìn sang xung quanh, mộ phần của công chúa Ngọc Bình còn khiêm tốn và giản dị hơn các phần mộ khác của người dân thường.
Nguồn: Khám phá Huế
Lăng mộ của công chúa Ngọc Bình, một di tích huyền bí, luôn là điểm đến cuốn hút cho những tâm hồn đam mê khám phá và yêu lịch sử. Nằm biệt lập giữa không gian hoang vắng, lăng mộ ẩn chứa vẻ hoang tàn, đặc biệt khi bóng tối bắt đầu buông xuống, càng mang lại sự cô đơn và u buồn.
Nguồn: Cậu Ba La Cà
Nằm lặng lẽ trên đỉnh đồi Mâm Xôi, nhìn lăng mộ có phần khiêm tốn, khác hẳn với những lăng vua, lăng chúa được sơn son thếp vàng rực rỡ, người ta lại càng cảm ngộ về vị công chúa đặc biệt này. Cuộc đời của bà là một chuỗi dài những biến cố, những chuyển mình của số phận, và khi tất cả đã qua, chỉ còn lại nấm mộ nhỏ nằm trên đồi Mâm Xôi nhìn về hậu thế với bao câu chuyện lịch sử vẫn còn đọng lại.
Nàng công chúa có số phận lạ lùng
Công chúa Ngọc Bình (22/1/1785 - 10/10/1810), thụy hiệu Đức phi (còn gọi là Lê Đức phi hoặc Đệ Tam Cung Thận Đức phi), vốn là công chúa nhà Hậu Lê. Bà là con gái út của vua Lê Hiển Tông, mẹ là Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều. Công chúa Ngọc Bình là em gái cùng cha khác mẹ với công chúa Ngọc Hân (mẹ là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền). Mẹ của hai công chúa cũng là người cùng làng.
Sau này, bà trở thành hậu cung của Cảnh Thịnh Đế Nguyễn Quang Toản nhà Tây Sơn, tiếp đó là phi tần của Hoàng đế Gia Long. Ngọc Bình cùng Dương Vân Nga là hai người phụ nữ đặc biệt trong sử Việt vì làm hậu phi của hai vị vua thuộc hai triều đại khác nhau trong lịch sử Việt Nam.
Công chúa Ngọc Bình được dân gian truyền tai nhau rằng bà sở hữu vẻ đẹp sắc nước hương trời, người có hương thơm cuốn hút. Năm 1786, sau khi đánh bại nhà Nguyễn, tiến quân tiêu diệt chúa Trịnh, Nguyễn Huệ đến Thăng Long yết kiến vua Lê. Ngỏ ý theo phò nhà Lê, Nguyễn Huệ được vua Lê Hiển Tông phong tước và gả cho công chúa Lê Ngọc Hân làm phi.
Năm 1788, sau khi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế (lấy niên hiệu là Quang Trung), ông đã phong cho Ngọc Hân làm Hữu cung hoàng hậu. Tuy nhiên chỉ bốn năm sau thì Quang Trung mất, con trai là Quang Toản (con của Quang Trung và Hoàng hậu Phạm Thị Liên) nối ngôi khi chỉ mới 10 tuổi. Quyền lực nhanh chóng rơi vào tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên (cậu của Quang Toản). Dưới quyền hành độc đoán của Bùi Đắc Tuyên, triều đình Tây Sơn bấy giờ trở nên rối ren cực kỳ, mâu thuẫn ngày càng trở nên gay gắt. Lúc bấy giờ, Thái hậu Ngọc Hân mới làm mối người em của mình là công chúa Ngọc Bình cho Quang Toản. Công chúa Ngọc Bình trở thành chính cung hoàng hậu nhà Tây Sơn khi vừa tròn 12 tuổi.
Diễn biến lịch sử lúc ấy vô tình đặt mối quan hệ của Quang Trung - Ngọc Hân - Ngọc Bình - Quang Toản vào thế lạ lùng. Ngọc Hân và Ngọc Bình vừa là chị em lại vừa là mẹ chồng con dâu. Còn vua Quang Trung với vua Quang Toản vừa là cha con lại vừa là "anh em cọc chèo". Điều này làm danh xưng càng thêm rối ren.
Đến năm 1801, Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân, vua Quang Toản cùng hoàng thân phải chạy ra Bắc Hà. Thế nhưng, đợt tháo chạy ấy lại không có Ngọc Bình, bà bị kẹt lại cùng một số cung nữ. Những tưởng bị Nguyễn Ánh giết chết, nhưng rốt cuộc "Anh hùng không qua được ải mỹ nhân", đắm đuối nhan sắc của Ngọc Bình, Nguyễn Ánh bất chấp lấy bà làm thứ phi.
Triều thần của Nguyễn Ánh xúm lại can ngăn, họ nói: "Bệ hạ nay có cả thiên hạ, thiếu gì gái đẹp, việc gì phải lấy vợ của giặc làm vợ mình!". Gia Long cười ha hả mà nói: "Đến đất nước của giặc “tau” còn lấy, huống chi là vợ giặc, “tau” lấy vợ giặc làm vợ “tau” thì có chi mô!".
Năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long, vua phong Ngọc Bình làm thứ phi. Và chính từ ấy, lịch sử lại dày thêm một mối quan hệ phức tạp, rối ren khác. Nói cách khác, vua Gia Long và vua Quang Trung lại trở thành "anh em cọc chèo" trong khi cả hai triều đại đối đầu nhau khốc liệt.
Ngọc Bình lúc ấy được phong làm Chiêu nghi, hạ sinh cho vua Gia Long 2 hoàng tử là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân (sinh năm 1809) và Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự (sinh năm 1810) cùng 2 công chúa Mỹ Khê Công chúa Ngọc Khuê và An Nghĩa Công chúa Ngọc Ngôn.
Cũng vì sinh nở liên tục, sức khỏe bà Ngọc Bình suy yếu dấn và qua đời vào năm 1810 khi tròn 25 tuổi. Công chúa Ngọc Bình được Gia Long ban thụy là Cung Thận Đức phi, an táng tại làng Trúc Lâm.
Sách Đại Nam thực lục chép:
"Canh Ngọ, Gia Long năm thứ 9 [1810], Chiêu Nghi là Lê thị (con gái út của Lê Hiển Tông) mất, tặng Đức phi, an táng ở Trúc Lâm, Hương Trà, Thừa Thiên.
Lập từ đường ở Kim Long, sau dời qua làng Phú Xuân, nay thờ tại từ đường của Thường Tín Quận Công".