Năm 1994, toàn bộ fan hâm mộ của môn thể thao trượt băng nghệ thuật đều cảm thấy bàng hoàng bởi hình ảnh của thiên thần Nancy Kerrigan xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia với vẻ mặt sợ hãi, liên tục hét lên trong đau đớn "Không! Tại sao lại là tôi? Tại sao chứ?" sau khi cô bị một kẻ lạ mặt cầm dùi cui tấn công vào đôi chân của mình, khiến cô gục xuống trong bất ngờ.
Chân dung của hai "thiên thần nước Mỹ" - Tonya Harding và Nancy Kerrigan vướng phải vụ bê bối lớn nhất làng thể thao Hoa Kì năm 1994, đặc biệt là ở bộ môn trượt băng nghệ thuật.
Đó là một vụ tấn công được tính toán trước, theo những nhà điều tra cho biết, nhằm để triệt hạ khả năng thi đấu của Nancy khiến cô không thể dành chiến thắng trong giải Vô địch Quốc gia năm 1994. Bởi ở thời điểm đấy, bên cạnh Tonya Harding, thì Nancy Kerrigan là cái tên được nhắc đến nhiều nhất, như biểu tượng đỉnh cao bộ môn trượt băng nghệ thuật.
Sự kiện này đã "thống trị" hàng trăm kênh thông tin lớn nhỏ trên toàn nước Mỹ cũng như tại các quốc gia yêu thích thể thao. Vết thương của Nancy đã trở thành nguồn cảm hứng cho điện ảnh Hollywood, để 23 năm sau, cuốn hồi kí cùng bộ phim có tên "Tôi, Tonya!" ra mắt công chúng khán giả toàn cầu, kể về hai ngã rẽ cho hai số phận đã từng được mệnh danh là "thiên thần nước Mỹ" năm 1994 ngày ấy.
Sự nghiệp lên tới đỉnh cao ở tuổi 25 và những mâu thuẫn dần xuất hiện
Hồi đầu thập niên 1990, Nancy Kerrigan và Tonya Harding là hai gương mặt nổi bật trong làng trượt băng nghệ thuật Mỹ. Hai cô gái này đều xinh đẹp, có tài năng vượt bậc so với các vận động viên khác, và có thành tích về nhất, về nhì tại giải vô địch thế giới năm 1991.
Cả hai đã trở thành "kỳ phùng địch thủ" của nhau trên sàn trượt băng từ giải đấu năm 1992.
Tonya Harding là nữ vận động viên đầu tiên của Mỹ và thứ hai trên thế giới thực hiện thành công cú nhảy "triple axel" cực khó. Cô cũng là người chơi đầu tiên trong lịch sử trượt băng nữ đạt điểm tuyệt đối 6.0 nhờ thực hiện hoàn hảo các động tác kĩ thuật cao. Trái ngược với Tonya, Nancy lại nổi tiếng trong một khía cạnh khác. Các hợp đồng quảng cáo từ các thương hiệu nổi tiếng nhất như Evian, Reebok, Campbell's Soup, Seiko cứ liên tục đến với ngôi sao này. Cách đây một phần tư thế kỉ, việc một vận động viên kiếm hàng chục triệu USD từ tiền quảng cáo như Nancy là một hiện tượng, không hề thua kém các ngôi sao hàng đầu Hollywood.
Trên đường băng, trang phục của Nancy được thiết kế độc quyền bởi Vera Wang, còn Tonya phải chật vật tự làm đồ biểu diễn cho chính mình.
Những fan hâm mộ của bộ môn này thường bắt gặp hình ảnh hai cô gái trên cùng một sân trượt. Đơn giản là vì cả Nancy và Tonya đều là những cái tên tiềm năng hàng đầu.
Tóm lại, cuộc cạnh tranh giữa Nancy và Tonya trong làng trượt băng nghệ thuật Mỹ hồi đầu thập niên 1990 luôn là một đề tài thú vị cho những bàn cân so sánh triền miên, chẳng khác gì Cristiano Ronaldo và Lionel Messi trong bóng đá đỉnh cao ở thời điểm này.
Pha hãm hại kinh hoàng gây chấn động toàn bộ nước Mỹ
Video ghi lại khoảnh khắc chấn thương của Nancy Kerrigan gây chấn động toàn nước Mỹ.
Scandal bùng nổ ngay trước giải vô địch Mỹ năm 1994, cũng là giải tuyển chọn đội hình tham dự thế vận hội Olympic mùa đông tại Lillehammer (Na Uy) trong năm ấy. Rời khỏi sàn băng sau một buổi tập, khi Nancy đang trên đường đến phòng thay đồ thì bất ngờ bị một kẻ lạ mặt rượt đuổi từ phía sau. Bằng một động tác gọn gàng, vị khách lạ đã dùng gậy cảnh sát quất mạnh vào đầu gối cô, khiến Nancy gục xuống ngay tức thì. May thay, nhờ phản xạ tuyệt vời của một vận động viên mà cô không bị vỡ đầu gối. Cú đánh lệch lên trên một chút, huých vào vùng bụng của cô nhưng cũng đủ để cứu vãn sự nghiệp của ngôi sao đang lên này.
Những thước phim quý giá do các phóng viên đài truyền hình đã nhanh tay ghi lại hình ảnh Nancy bị tấn công ngay trong sân tập với tiếng hét thất thanh: "Không! Tại sao lại là tôi cơ chứ? Không! Tại sao?". Sau đó, khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng đáng sợ này còn thu hút nhiều người xem hơn bất cứ kiệt tác điện ảnh nào của Hollywood. Hình ảnh Nancy xuất hiện hằng ngày như một điều bắt buộc phải có đối với các trang thể thao trong làng báo Hoa Kì. Cũng nhờ tệp tài liệu ghi hình ấy mà cảnh sát dễ dàng điều tra về nhân vật cao to, mạnh mẽ đã nhanh chóng chạy ra bãi xe sau khi tấn công cô.
Cái tên Nancy Kerrigan với cụm từ "khủng hoảng sân trượt băng" dần dần trở nên quen thuộc với mặt báo.
Và sự thật gây sốc được tiết lộ ngay sau đó
Rốt cuộc, sau vết thương nghiêm trọng ấy, mọi chuyện đã được đưa ra ánh sáng. Chồng cũ, kiêm vệ sĩ của Tonya là Jeff Gillooly là chủ mưu của vụ việc. Anh ta thuê một gã côn đồ tên là Shane Stant hành hung đối thủ "không đội trời chung" của vợ mình. Mục tiêu của họ là đánh vỡ đầu gối của Nancy, khiến sự nghiệp của cô đi vào ngõ cụt, không thể tiếp tục trượt băng được nữa.
Hung thủ đã theo chân cô suốt từ Massachusetts đến Detroit mới có cơ hội để ra tay. Sau khi Nancy chịu chấn thương, Tonya dễ dàng đoạt chức vô địch quốc gia và đương nhiên chiếm suất đầu tiên dự Olympic. Nhưng vì không bị thương nặng như mong muốn của hung thủ, Nancy đã kịp bình phục trước khi Olympic 1994 khai mạc. Liên đoàn trượt băng nghệ thuật Hoa Kì đặc cách ngôi sao này vào vị trí số 2 trong đội. Nhưng các đối thủ của Nancy đều thừa nhận rằng: Cho dù có được đặc cách hay không, Nancy vẫn luôn xứng đáng với vị trí ấy.
Tại thế vận hội năm ấy, hai người tuy thi đấu trên cùng một sân băng nhưng không đả động đến nhau dù chỉ là một cái liếc nhìn.
Tại Thế vận hội, Nancy đoạt Huy chương bạc trong khi Tonya chỉ xếp hạng 8. Thật ra, cô cũng chẳng còn tâm trạng để thi đấu bởi không khó để hình dung thái độ của công chúng đối với Tonya sau khi sự việc được đưa lên mặt báo. Tay vệ sĩ Eckhardt, chồng cũ Gillooly, hung thủ Stant và tay tài xế Derrick Smith, chờ sẵn bên ngoài sân tập giúp Stant tẩu thoát, đều lãnh án và phải ngồi tù. Tonya Harding tuy không bị truy tố nhưng phải chịu sự quản thúc 3 năm, nộp phạt khá nhiều tiền và phải lao động công ích. Các bên đã khai rõ tại tòa về một sự thỏa thuận những việc cần làm giữa cô với ông chồng cũ.
Gương mặt thất thần và phờ phạch của Tonya Harding khi phải đối diện với truyền thông và công chúng sau vụ triệt hạ đối thủ gây chấn động làng thể thao.
Tóm lại, người ta kết luận rằng Tonya biết trước về vụ tấn công. Sau khi vụ án khép lại, liên đoàn Trượt băng nghệ thuật Mỹ lập tức tước danh hiệu vô địch quốc gia 1994 của cô. Tuy nữ vận đông viên tai tiếng này đã tự mình xin rút lui khỏi đội tuyển, nhưng bấy nhiêu thôi là chưa đủ. Tonya bị treo giò vĩnh viễn trong bộ môn trượt băng nghệ thuật tại Mỹ.
Trong lịch sử những vụ bê bối lớn nhất nhì thế giới, tại Pháp, người ta người ta dù uất ức nhưng cũng chỉ dựng tượng về sự kiện Zinedine Zidane húc đầu vào ngực đối thủ trong trận chung kết World Cup 2006. Còn với vụ chồng cũ của Tonya thuê người hành hung đối thủ trên sàn trượt băng nhằm chiếm đoạt hào quang, dân chúng thậm chí đã xây hẳn một viện bảo tàng để kỉ niệm, đặt tên là Tonya Harding & Nancy Kerrigan 1994 Museum, tọa lạc Brooklyn (Hoa Kì).