Hà thân thiết với em trai hơn những người khác, thỉnh thoảng Hà có mâu thuẫn với mẹ vì cho rằng mẹ không hiểu, không quan tâm đến mình. Dù vậy, với bố mẹ, Hà luôn là người hiểu chuyện, biết quan tâm, chia sẻ, nhường nhịn em, suy nghĩ cho bố mẹ.
Nữ sinh ít chia sẻ chuyện ở lớp với gia đình, em cũng không dẫn bạn bè về nhà chơi bao giờ cũng như ít đi chơi với bạn bè ngoài giờ học. Từ cấp 1 đến cấp 2, Hà có lực học tốt, hiếm khi bị thầy cô khiển trách chuyện học tập. Tuy nhiên, em ít chơi và nói chuyện với các bạn ở lớp, trừ một vài bạn thân ngoài lớp.
Nhập viện tâm thần sau khi bị bạn bè bắt nạt
Khoảng một năm nay, Hà căng thẳng với nhóm bạn nữ trong lớp. Các bạn hay mỉa mai ngoại hình của nữ sinh, chê Hà kiêu chảnh và khinh người, thậm chí nói em hay nhìn đểu các bạn.
Nhóm này còn thường đe doạ, xúc phạm, cầm vở đánh vào mặt Hà trong lớp học và giờ ra chơi. Tan học nhóm bạn chặn bên ngoài trường gây căng thẳng, đánh Hà. Nữ sinh bị dọa nếu mách giáo viên hoặc bố mẹ càng bị đánh nhiều hơn.
Có lần Hà nói với mẹ về việc gặp một vài vấn đề với bạn trên lớp (không nói cụ thể bị bắt nạt) nhưng mẹ cho rằng đó là chuyện trẻ con của tuổi học trò nên nói con tự giải quyết.
Tình trạng bắt nạt kéo dài gần năm khiến Hà luôn trong tình trạng lo lắng, căng thẳng và sợ hãi, dễ cáu gắt, nổi nóng với người thân, học tập giảm sút. Em nghỉ học thường xuyên, trở lên lầm lì và ít nói, ăn uống kém, đêm ngủ chập chờn. Hà ít ra ngoài, mỗi khi đi học hoặc ra khỏi nhà em thường đeo khẩu trang kín, mặc áo dài màu đen kín mít.
Hai tuần gần đây, nữ sinh tự ý bỏ học, chỉ ở nhà ngồi trong phòng khóc lóc, suy nghĩ tiêu cực bi quan, không muốn sống, thậm chí em có ý nghĩ tự sát để giải thoát, và thực hiện hành vi rạch tay để đỡ căng thẳng.
Thấy con thay đổi so với trước đây, mẹ Hà gặng hỏi nhưng cô bé không chia sẻ, nếu có cũng là câu trả lời gắt gỏng. Gia đình lo lắng nên đưa em đi khám, bác sĩ chẩn đoán Hà bị trầm cảm nặng, có ý tưởng tự sát, hành vi tự hủy hoại bản thân.
Đừng bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bị bắt nạt này
BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến - Phòng Sức khoẻ tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên - Viện Sức khoẻ tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, tình trạng bắt nạt học đường ngày càng gia tăng ở lứa tuổi từ 13 đến 18 tuổi.
Bác sĩ nêu các hình thức bắt nạt như bắt nạt thể chất (làm tổn thương cơ thể của ai đó hoặc làm hỏng tài sản của họ); bắt nạt bằng lời nói; bắt nạt bằng quan hệ xã hội (sử dụng mối quan hệ để làm tổn thương người khác); bắt nạt qua mạng; bắt nạt tình dục (sử dụng ngôn ngữ xúc phạm về tình dục, đụng chạm vào phần cơ thể nhạy cảm về tình dục)...
Nhiều dấu hiệu nhận biết trẻ bị bắt nạt học đường như trẻ trở về nhà với những vết thương không rõ nguyên nhân, sách vở bị “mất” hay tài sản bị hư hỏng. Chúng khó ngủ và mất hứng thú với những hoạt động yêu thích. Nếu trẻ sợ phải vào căng tin trong giờ ăn trưa, khi trở về nhà chúng có thể thấy đói. Trẻ có thể giả ốm để trốn học, ảnh hưởng tới kết quả học tập. Một số có thể tránh các tương tác xã hội, trong khi một số khác có thể bắt đầu bắt nạt những người khác. Nạn nhân có thể cố gắng đối phó bằng cách tự làm hại bản thân hoặc bỏ chạy.
“Bắt nạt học đường có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần, thể chất và tình cảm trong những năm học và khi trưởng thành. Nó có thể dẫn đến chấn thương thể chất, các vấn đề xã hội hay cảm xúc, và trong một số trường hợp là tử vong”, bác sĩ Yến nói.
Những trẻ em và thanh thiếu niên bị bắt nạt nhiều khả năng trầm cảm, lo âu và đôi khi là tổn thương lâu dài tới lòng tự trọng. Các nạn nhân thường cảm thấy cô đơn. Một số nạn nhân có thể chống trả bằng bạo lực cực đoan. Nạn nhân bị bắt nạt nguy cơ mắc các vấn đề về tâm thần. Tỉ lệ trầm cảm, lo âu, ý tưởng và hành vi tự tử là cao nhất trong nhóm này.
Theo các chuyên gia tâm lý, tuy không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa hành động bắt nạt và tự tử, nhưng bắt nạt có thể góp phần vào cảm giác bất lực và tuyệt vọng mãnh liệt liên quan đến hành vi tự sát. Nạn nhân hoặc kẻ bắt nạt bị bắt nạt liên tục, thường xuyên có nguy cơ tự tử cao hơn.
Để phòng tránh bắt nạt học đường các chuyên gia khuyến cáo nên cần xây dựng môi trường nhà trường nói không với bắt nạt học đường. Giáo dục cho học sinh về việc tôn trọng quyền cá nhân, sức khoẻ, nhân phẩm của người khác. Đồng thời tăng cường vai trò của giáo viên, nhân viên tâm lý và gia đình trong đánh giá và giải quyết các vấn đề về bát nạt học đường; khuyến khích những phương thức ứng phó thích hợp và tìm kiếm sự hỗ trợ.
*Tên nhân vật đã được thay đổi