Mỗi ngày ngủ 4 tiếng vì mắt không thể nhắm

Đứng sau tủ kính với nhiều chiếc bánh kem hình thù lạ mắt, Ngô Quý Hải (SN 1994, xã Tân Cảnh, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) vui vẻ giao tiếp với khách hàng. Sau gần 30 năm với hơn 20 cuộc phẫu thuật khắc phục di chứng bỏng và mới đây nhất là lần ghép da mặt hồi tháng 8/2023, Hải giờ đây đã thay đổi rất nhiều, không còn tự ti, mặc cảm như trước. 

6 tháng tuổi, Hải không may ngã vào nồi cháo đang sôi trên bếp lửa. Khuôn mặt đứa trẻ sơ sinh năm đó bị biến dạng nặng nề, dính liền vào da cổ, không thể ngẩng đầu lên.

Bị bỏng biến dạng cơ thể, chàng trai hồi sinh sau 20 lần phẫu thuật - Ảnh 1.

Hải trong một lần tạm xa ba mẹ để ra nước ngoài phẫu thuật.

Dù hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ Hải cố gắng xoay sở, đưa con đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ tại TP.HCM để phẫu thuật. Trải qua 10 lần lên bàn mổ, khuôn mặt của Hải vẫn chịu nhiều di chứng, chằng chịt vết sẹo, cử động khó khăn.

Mỗi tối, mắt không thể nhắm, Hải chỉ ngủ được 4 tiếng, việc ăn uống, nói chuyện cũng bị hạn chế. Nhiều lúc, Hải nghĩ tới cái chết vì bản thân xấu xí hoặc trách bố mẹ chỉ vì phút giây sơ suất đã khiến cuộc đời gần như chỉ toàn bóng tối.

Năm 6 tuổi, bố mẹ đưa Hải đến trường. Sau 4 tháng, cậu bé đòi nghỉ học vì bị bạn bè kỳ thị, trêu chọc bởi vẻ ngoài khác lạ. Không có bạn, Hải chỉ quanh quẩn ở nhà chơi với chó, mèo.

Về sau, Hải quen một cậu bé câm, điếc gần nhà. Hai đứa trẻ khiếm khuyết trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhau, cùng thả diều, bắt dế suốt những năm tháng tuổi thơ.

Một ngày, hai đứa trẻ nghèo được lên thành phố chơi. Cả hai đi qua và trầm trồ trước tiệm bánh ngọt đầy những chiếc bánh kem - thứ quà xa lạ với 2 cậu bé quê ngày ấy.

Trở về nhà, cậu bạn câm điếc dành dụm tiền để đến ngày sinh nhật, rủ Hải ra tiệm mua chiếc bánh kem. Nhưng khi cả hai bước vào cửa hàng sang trọng kia, nhìn bộ dạng của 2 đứa trẻ, chủ tiệm đuổi đi ngay tức khắc. Họ nghĩ Hải và bạn là những đứa trẻ ăn xin. Trong khi cả hai đứa trẻ không ai kịp lên tiếng thanh minh.

Cũng từ đó, hình ảnh chiếc bánh kem mãi im sâu trong tâm trí Hải. Cậu bé ấy ước, một ngày nào đó cơ thể khoẻ mạnh, lành lặn lại sẽ tự mở tiệm bánh ngọt để mời người bạn của mình.

Năm 2016, lúc đó Hải 22 tuổi được một tổ chức từ thiện tài trợ sang Đức phẫu thuật tái tạo khuôn mặt và điều trị miễn phí trong 6 tháng. Sau phẫu thuật, Hải hôn mê suốt 21 ngày.

Tỉnh dậy, cậu nhận được sự quan tâm của y bác sĩ người Đức, những người Việt Nam trong hội đồng hương. Đặc biệt, có một người phụ nữ mà Hải xem như mẹ nuôi, bởi nếu không có bà thì sẽ không có cậu của ngày hôm nay. Dù nhà cách bệnh viện Hải điều trị hơn 100km, bà vẫn sắp xếp thời gian nấu cơm, mang đến cho Hải và trò chuyện, tâm sự với cậu.

Từ đứa trẻ năm 10 tuổi bị hắt hủi và kỳ thị, Hải bỗng chốc cảm nhận được tình thương của những người xung quanh - thứ tình cảm trước giờ cậu cho rằng rất xa xỉ. Hải nhận ra, cuộc đời vẫn còn nhiều điều tươi đẹp phía trước.

Cuộc phẫu thuật ở nước ngoài giúp khuôn mặt của Hải được tách ra khỏi phần da ngực, phần da ở mặt, cổ cằm càng ngày càng co lại.

Tháng 8/2023, Hải tiếp tục ra Hà Nội để ghép da toàn bộ khuôn mặt. Các chuyên gia khẳng định đây là ca bệnh khó và nhiều thách thức.

Trước khi ghép, các bác sĩ phải bóc tách vết sẹo của các cuộc phẫu thuật trước đó. Để có đủ da ghép toàn bộ khuôn mặt, bác sĩ buộc phải lấy vạt da lớn ở vùng lưng. Tuy nhiên, da lưng của Hải có vết sẹo rất lớn, sau hội chẩn, bác sĩ vẫn buộc phải lấy phần da này và đưa vào vị trí ít được nhìn thấy. Phần còn thiếu, các bác sĩ lấy một phần da mỏng ở đùi.

Ca mổ kết thúc sau 11 tiếng. Sau phẫu thuật Hải tỉnh táo, sức khỏe ổn định. Sau lần ghép da mặt, nếu đủ điều kiện về sức khoẻ, Hải sẽ tiếp tục phẫu thuật từ 4 đến 5 lần nữa để tạo hình các đường nét trên khuôn mặt.

Bị bỏng biến dạng cơ thể, chàng trai hồi sinh sau 20 lần phẫu thuật - Ảnh 3.

Hải thích thú với công việc pha chế và làm bánh kem của bản thân.

Chinh phục ước mơ

Năm 2017, người mẹ nuôi bên Đức giới thiệu Hải đến một doanh nghiệp xã hội tại Hà Nội cung cấp chương trình dạy nghề dài 2 năm cho người trẻ kém may mắn. Hải được dạy nghề bếp và kỹ năng sống. Đây cũng là nơi cậu bắt đầu được học viết chữ.

"Mình bỏ học từ bé nên không biết chữ. Hồi nhỏ, mình có mượn truyện tranh, về nghe anh trai đọc, nhìn mặt chữ rồi đọc theo. Những vần nào khó thì bỏ qua. 2 tuần sau, mình đọc được chữ nhưng không biết viết", Hải kể.

Sau tốt nghiệp, Hải không về quê ngay, mà vào Sài Gòn làm thêm 2 năm nữa tại các nhà hàng. Cậu làm song song hai địa điểm, một nơi 8 tiếng, chỗ còn lại thêm 4 tiếng, có đủ tiền để trang trải cuộc sống ở thành phố.

Đầu năm 2021, Hải về quê ở Kon Tum mở tiệm bánh của riêng mình, với mong muốn thoải mái làm những gì bản thân thích. Hải thuê lại căn nhà cũ rồi tự tay sửa chữa, biến nó thành không gian tràn ngập ánh sáng và màu sắc. Cuối tháng 4/2021, tiệm bánh chính thức khai trương.

“Tôi thực hiện được lời hứa với bản thân. Quán có thể không quá lớn nhưng tôi cảm thấy rất vui vì công sức và niềm đam mê cuối cùng được đền đáp”, Hải xúc động nói.

Năm 2022, một phần vì tiệm mở trong giai đoạn dịch COVID-19 nên gặp nhiều khó khăn, phần vì ở quê, khách ít chuộng những loại bánh tây cậu làm nên tiệm bánh tạm đóng cửa. Để nâng cao tay nghề, Hải quyết tâm trở lại TP.HCM cùng những người cộng sự mở tiệm bánh ngay giữa trung tâm thành phố.

Hải chọn tên quán "Tiệm bánh Hướng Dương", như một cách nhắc nhở bản thân dù khó khăn, thất bại cũng sẽ như đóa hoa hướng dương, vươn mình về phía mặt trời để đón nhận những điều tốt đẹp.