Người ta thường nói, người khuyết tật là những người bất hạnh nhưng đối với Nghiêm Vũ Thu Loan điều đó chưa hẳn đã đúng.

Thu Loan chia sẻ, chị gái chỉ có 10% thị lực nên khi sinh Loan mẹ lo nhất là em cũng vĩnh viễn sống trong bóng tối. Và đúng như những gì mà bố mẹ lo sợ, Loan bị khiếm thị bẩm sinh. Lúc sinh ra, đôi mắt em chỉ thấy rất lờ mờ nên ngay khi mới nửa tháng đã phải lên bàn mổ.

Trải qua hơn 10 ca phẫu thuật mắt, hiện tại cả hai mắt của em đều là mắt giả. Tuy nhiên, từ nhỏ tới lớn, chưa bao giờ Loan thôi ước mơ được đến trường, được học hành cùng các bạn, được chinh phục những tri thức mới dù em và gia đình đều biết hành trình đó là không hề dễ dàng.

Bị các trường từ chối, nữ sinh khiếm thị 'đi đường vòng' tới học bổng 1,5 tỷ - Ảnh 1.

Nữ sinh Nghiêm Vũ Thu Loan diễn thuyết trước mọi người.

“Khi lên 9 tuổi, mắt em chỉ đủ nhìn để phân biệt được trời sáng hay trời tối. Lúc này, em đi học ở Hội người mù TP. Hà Nội. Em bắt đầu học chữ nổi, thành thạo các trang thiết bị với học sinh khiếm thị. Sau đó, em đi học hòa nhập trường Tiểu học Lê Lợi từ năm lớp 3.

Em bỏ qua giai đoạn học lớp 1, lớp 2 vì thời điểm đó em đi chữa trị liên tục, trường ở quê cũng không biết dạy một người như em thế nào nên thi thoảng chị gái cũng có dạy em ở nhà.

Hơn nữa, em cũng muốn học nhảy như vậy để tuổi mình với các bạn không cách nhau quá xa. Sau đó em chuyển lên trường Nguyễn Đình Chiểu từ lớp 4 đến hết cấp 2.

Đau đớn hơn, hồi em 11 tuổi, em bị dây phơi quần áo đâm vào mắt khiến em chính thức không nhìn thấy gì cả, sáng tối cũng không thể phân biệt”, Loan kể lại.

Thời đi học ở quê, Loan cũng bị các bạn khác phân biệt, đối xử, nói lời miệt thị và gần như không ai muốn chơi cùng em.

Sau khi tốt nghiệp THCS, lên đến THPT thì Loan bị các trường từ chối vì đúng là họ không biết nên dạy người khuyết tật thế nào.

Bị các trường từ chối, nữ sinh khiếm thị 'đi đường vòng' tới học bổng 1,5 tỷ - Ảnh 2.

Cô gái khiếm thị có nghị lực phi thường, vượt lên số phận.

Đứng trước nguy cơ phải bỏ học giữa chừng, Loan cảm thấy bất lực vì em đã cố hết sức rồi. Học sinh khuyết tật không được tham gia kỳ thi chuyển cấp nên Loan cũng đã tìm cách đi đường vòng.

“Em ý thức được mình không trong danh sách thi chuyển cấp như các bạn nên chọn tham gia cuộc thi khác như thi tiếng Anh, và em đã trở thành học sinh giỏi quốc gia nhưng các trường vẫn không nhận vì họ không biết dạy em thế nào.

Em mang hồ sơ đi 7-8 trường họ không nhận và cho đến khi em gặp cô hiệu trường trường THPT Yên Hòa. Sau khi xem hồ sơ thì cô đã quyết định nhận em vào học.

Sau khi em học xong cấp 3 thì lại tiếp tục câu chuyện không có trường nào muốn nhận em. Vậy nên em nghĩ là sẽ trau dồi kiến thức để tìm đến trường quốc tế hoặc đi du học”, Loan chia sẻ.

Vậy là Loan quyết định nghỉ học 1 năm để chuẩn bị cho mình những kỹ năng mà một sinh viên quốc tế cần là tiếng Anh và tin học. Sau đó em thi tiếng Anh, nhận được học bổng 1,5 tỷ miễn phí hoàn toàn trong 4 năm tại trường ĐH quốc tế Rmit.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Loan cho biết uớc mơ của em là trở thành diễn giả và nhà văn.

Thời gian tới Loan dự định ra mắt thêm một cuốn sách nữa vào giữa năm sau chủ yếu nói về cách phát triển bản thân gồm 2 phần: Phần 1 là các kỹ năng thực hiện ước mơ như kiên trì, tự tin và hành động. Phần 2 là làm sao có cuộc sống hạnh phúc như lạc quan, chân thành,...

“Sau khi học xong ĐH em định đi làm hoặc sang nước ngoài học thạc sĩ chuyên ngành phát triển quốc tế và ngành học về nhân quyền.

Em may mắn vì bố mẹ luôn tôn trọng các quyết định của em và ủng hộ em. Em cũng chịu ảnh hưởng khá lớn từ chị gái ruột, chị cũng một cô gái khiếm thị nhưng may mắn hơn em là có thể nhìn 10%. Hiện chị em là giáo viên dạy tiếng Anh.

Đi qua một chặn đường tuy không quá dài nhưng nó đã mang đến cho em nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Nhờ đó mà em có thể thực hiện được ước mơ của mình. Với em, con đường này không hề dễ dàng nhưng em tin với sự cố gắng và kiên trì của bản thân em sẽ làm được.

Và giờ đây, em có thể tự tin nói rằng bị khiếm thị cũng là một sự trải nghiệm, vì khiếm thị nên thế giới quan của em trở nên sâu sắc hơn, em không còn nhìn nhận cuộc sống qua vẻ ngoài của nó nữa mà em cảm nhận chúng thông qua tất cả các giác quan còn lại, nhờ vậy mà em cảm nhận cuộc sống này đẹp hơn qua ánh sáng của tâm hồn”, Loan khẳng định.