Chúng ta vẫn thường biết tới "nghèo vượt khó" nhưng liệu bạn đã bao giờ nghe "giàu vượt sướng" hay chưa? Điều này là hoàn toàn có thật. Thực tế, có nhiều gia đình giàu có muốn huấn luyện con cái mình vượt lên trên cảnh nhung lụa để thực sự nên người.
Không phải là ngoại lệ, tỷ phú kim cương giàu nhất Ấn Độ Gujarati – ông chủ của đế chế kim cương có sự hiện diện tại 71 quốc gia trên toàn thế giới đã thuyết phục con trai mình đến Kochi - một tỉnh phía Tây nam Ấn Độ và tự tìm công việc để sinh tồn trong 1 tháng. Con trai ông là Dravya Dholakia, 21 tuổi khi ấy đang học MBA tại Mỹ và trở về quê nhà. Cậu được cho 3 bộ quần áo và 7.000 rupee (khoảng 2,3 triệu VNĐ) để bước vào hành trình đầy gian nan phía trước.
Ông chủ đế chế kim cương còn giao kèo thêm với con trai: "Tôi đã đưa ra 3 điều kiện cho con: Thứ nhất phải tự làm việc kiếm tiền và sau mỗi tuần phải thay đổi công việc. Thứ hai, con không được nói là con tỷ phú, và cuối cùng là không được sử dụng điện thoại di động. Tôi muốn con mình hiểu ý nghĩa cuộc sống, hiểu cách những người nghèo phải đấu tranh thế nào để có được một công việc và có tiền để tồn tại. Không trường đại học nào có thể dạy con những kỹ năng sống này, ngoại trừ những kinh nghiệm thực tế." - theo chia sẻ với tờ Timesofindia.
Dravya cũng chấp nhận lời yêu cầu của cha mình và khăn gói chuyển đến vùng đất mới, nơi thậm chí anh còn chẳng thạo tiếng địa phương. Mặc dù có sự nhiệt huyết và lòng quyết tâm, nhưng Dravya vẫn không khỏi shock trước những gì xảy đến với anh.
Cậu quý tử chia sẻ trong đắng cay "Suốt 5 ngày, tôi không tìm được việc hay 1 nơi để ở, tôi rất lo lắng vì đã bị 60 nơi từ chối, không ai biết tôi là ai ở đây cả. Tôi hiểu rằng thế nào là thất bại và giá trị của một công việc".
May mắn thay, cuối cùng con trai của tỷ phú kim cương cũng đã xin được việc làm trong tiệm bánh tại Charanelloor. Sau đó anh tiếp tục làm việc tại một tổng đài điện thoại, cửa hàng giầy, thậm chí là quán McDonald's với mức thu nhập trên 4.000 rupee (1,4 triệu VNĐ)/tháng.
Anh cho biết thêm "Tôi chưa bao giờ phải lo lắng về tiền và ở đây tôi thậm chí đã gặp khó khăn khi kiếm cho mình một bữa ăn trị giá 40 rupee (13.000đ). Chưa kể là 20 rupee (7.000đ) nữa để tìm chỗ trọ".
Qua câu chuyện dạy con của tỷ phú kim cương Ấn Độ, có lẽ chúng ta nên rút ra cho mình một bài học đắt giá về việc va chạm và cọ xát với thực tế. Cầm một tấm bằng chuyên môn xịn, nó chẳng có nghĩa bạn sẽ có một công việc tốt và một cuộc sống trong mơ. Hiện thực ngoài kia quá phũ phàng, mọi người luôn phải cạnh tranh và dùng mọi cách để sinh tồn.
Nếu không có va chạm thực tế, mọi thứ sẽ chỉ nằm trên giấy. Bạn sẽ không thể biết cách thức, đường đi nước bước phù hợp nhất cho sự phát triển của bản thân. Chẳng vậy mà ông cha ta có câu "Trăm hay không bằng tay quen". Hơn nữa, cuộc sống ngoài kia cho chúng ta thất bại để dạy ta bài học thực tế, chứ chẳng phải dăm ba câu chữ sáo rỗng.
Vậy nên hỡi những người trẻ còn đang mơ mộng, tỉnh ngộ đi. Ngày nay, chỉ có tấm bằng Đại học thôi là không đủ để phân biệt những người thành công và những kẻ lang thang vô định trong cuộc đời. Cuộc sống này không hề viển vông, nhưng cũng chẳng quá đáng sợ, nếu bạn thực sự không ngại va chạm!