1. Điều đáng sợ nhất là chẳng ai thèm chỉ trích bạn
Chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng đã từng bắt gặp tình huống thế này: Một người sau khi dùng bữa thì bị dính những mảnh thức ăn xấu xí trên răng. Nhưng vì không biết nên anh ta cứ đi khắp nơi, tự tin gặp gỡ mọi người với một hàm răng rất khó coi.
Thử nghĩ xem nếu chính bạn rơi vào trường hợp ấy, thì bạn sẽ mong có ai đó nhắc nhở mình càng sớm càng tốt, hay thích mọi người mặc kệ và cứ để cho bạn tiếp tục mang một bộ mặt kém duyên?
Đối với những sai lầm, thiếu sót của chúng ta cũng vậy, nó làm cho ta xấu xí hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây hại mà đôi khi chính bản thân ta không hề hay biết. Tuy nhiên, không ít người lại tỏ ra tức giận khi bị góp ý hay nhắc nhở về những thiếu sót của bản thân. Lý do họ đưa ra có thể vì họ chẳng thấy mình sai như thế, hoặc đôi khi, là do cách góp ý của người kia chưa được khéo léo.
Nhưng câu hỏi đáng lưu tâm ở đây là nếu giả sử, có một người chỉ ra những lỗi ấy cho ta, thì chúng ta nên cảm thấy biết ơn hay tức giận?
Cũng như vết bẩn trên hàm răng kia không phải do lời người khác nói mà xuất hiện khiến gương mặt ta thêm xấu, cũng không phải nếu mọi người không nói đến nó thì ta có thể đẹp đẽ gì hơn. Tương tự, những lời góp ý, phê bình của người khác nếu là sai thì hiển nhiên chúng đâu có thể mang thêm lỗi đến cho ta được. Còn nếu điều mà người kia chỉ ra là đúng thì họ lại là người thầy đang giúp cho chúng ta tiến bộ và trở nên tốt đẹp hơn.
Cho nên, bị nói lỗi không đáng sợ, điều thực sự đáng sợ là khi ta mắc sai lầm mà lại chẳng có ai chỉ ra giúp cho ta. Và thường thì những người hay phê bình, chỉ lỗi ấy không ai khác lại chính là những người thân thiết, những người yêu thương và quan tâm tới chúng ta hơn hết.
2. Mãi cố chấp, người thiệt thòi chính là bạn mà thôi
Có một bộ lạc ở châu Phi, nơi mà những người thổ dân đã sáng chế ra một phương pháp bắt khỉ rất nhanh gọn mà lại chẳng tốn nhiều công sức. Người ta khoét vào trong vách đá một lỗ nhỏ chỉ vừa khít cho một cánh tay của con khỉ đưa vào. Sau đó họ đặt trái chuối ở trong cái lỗ và đặt các mảnh vỏ chuối ở bên ngoài để dụ khỉ tới.
Khi một con khỉ tìm đến, nó sẽ cố gắng đưa tay vào để lấy trái chuối ở bên trong. Nhưng khi đã nắm được trái chuối rồi thì nó không thể nào rút tay ra được nữa, vì kích thước của cái lỗ chỉ vừa cho một bàn tay duỗi thẳng của con khỉ có thể rút ra được mà thôi. Do không có trí tuệ suy xét và ngoan cố giữ khư khư lấy trái chuối, nên con khỉ cứ mắc kẹt ở đó, rồi cuối cùng phải mất mạng khi người thợ săn đến và bắt được nó dễ dàng.
Tính cố chấp mà thiếu khôn ngoan thậm chí cũng có lúc hại chết người ta như thế!
Cố chấp và kiên định thì hoàn toàn khác nhau nhưng chúng ta vẫn thường hay bị hiểu nhầm. Kiên định là biết cách bảo vệ quan điểm của mình theo chiều hướng tích cực sau khi đã xem xét và đánh giá vấn đề theo nhiều chiều, nhiều khía cạnh khác nhau và biết cách tôn trọng những đánh giá, góp ý từ người khác. Còn ngược lại, cố chấp hay bảo thủ là cứ khăng khăng giữ chặt quan điểm của mình và từ chối tìm hiểu thêm thông tin, không chấp nhận những ý kiến từ người khác.
Robert Anson Heinlein - bậc thầy của các nhà văn khoa học viễn tưởng Mỹ, đã từng nói: "Tôi chẳng bao giờ học được điều gì từ những người luôn đồng ý với mình."
Và rõ ràng là chúng ta chỉ có thể trở nên khôn ngoan hơn nhờ vào việc không ngừng học hỏi, không ngừng sửa đổi và làm mới chính mình. Ấy vậy mà, khi có ai đó góp ý, chỉ ra những thiếu sót, sai lầm cho ta thì chúng ta luôn cảm thấy vô cùng khó chịu, cảm giác như họ đang "động chạm" đến sĩ diện, đến cái tôi của mình. Trong lòng chúng ta khởi lên sự bất mãn và cảm giác thù nghịch, dẫn đến những phản ứng gay gắt như cáu giận hoặc xúc động thái quá.
Khi để cho những cảm xúc tiêu cực đó lấn át đi lý trí thì chúng ta không còn đủ tỉnh táo để xem những lời mà người kia đang nói về mình có thực sự đúng hay không, mình cần phải ứng xử với việc đó như thế nào và cần thiết phải thay đổi ra sao. Trong đầu chúng ta cứ luẩn quẩn những suy nghĩ đầy thù hận nhắm vào cái người đang chỉ lỗi chứ không thể tập trung vào vấn đề chính cần xem xét: "Anh ta nghĩ mình là ai mà dám nói với tôi như thế? Hừ, anh nghĩ là anh khôn hơn tôi à? Anh thì cũng có hay ho tốt đẹp gì đâu cơ chứ…".
Đôi khi sự việc không mấy nghiêm trọng nhưng chúng ta lại quá nhạy cảm và có thói quen cường điệu hóa mọi vấn đề, do đó mà dễ dàng cảm thấy bị xúc phạm, dễ cảm thấy tổn thương hoặc nổi giận không kiềm chế được.
Cứ thế, thường thì chúng ta không làm chủ được dòng suy nghĩ tiêu cực của mình để rồi quay ra công kích cá nhân, moi móc khuyết điểm, thậm chí lăng mạ nhau một cách ác ý. Cho dù sự việc ban đầu có thể bắt nguồn từ thiện chí, nhưng không khéo thì lại kết thúc bằng những mối bất hòa và những hiềm hận về sau.
3. Thừa nhận sai lầm không có nghĩa là chúng ta kém cỏi hay tồi tệ
Thực ra, cảm giác bị công kích và sự thôi thúc trong lòng muốn phản ứng lại khi bị người khác nói lỗi chỉ là một loại bản năng tự vệ và nó khởi sinh một cách tự nhiên. Ai cũng có những cảm xúc như thế cả. Vì thế không cần phải dằn vặt khi nhận ra sự có mặt của những cảm xúc xấu ấy nơi mình. Vấn đề là chúng ta phải chủ động chuyển hóa chúng bằng trí tuệ.
Muốn thế thì chúng ta cần nhìn cho ra một sự thật: Ai cũng có những sai lầm, và việc thừa nhận mình sai lầm hay thiếu sót không có nghĩa là chúng ta kém cỏi hay tồi tệ. Chấp nhận rằng mình có thể có sai lầm và thiếu sót là bước đầu tiên khiến nội tâm của chúng ta được an định lại. Tâm an định sẽ giúp cho ta có tư duy đúng đắn và đưa ra những cách hành xử thích hợp. Khi đó chúng ta không còn bị điều khiển bởi những suy nghĩ vị kỷ và cũng không cần phải gồng mình để chứng tỏ "tôi đúng, mọi người sai".
Chúng ta nên thấy được những sai lầm hay điểm yếu của mỗi người lại chính là điều kiện cần thiết để gắn kết chúng ta với cộng đồng và với mọi người xung quanh. Bởi vì chưa hoàn hảo nên chúng ta mới cần có nhau. Và cũng nhờ hiểu được những điều chưa hoàn thiện ở mọi người cũng là điều bình thường, không khác gì mình cả, nên chúng ta mới có thể nhìn nhau bằng ánh mắt cảm thông, mới có thể chân thật yêu thương, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.
Bước tiếp theo, chúng ta cần phải thẳng thắn đối diện với những sai lầm của mình. Bởi việc che giấu, lấp liếm hay chỉ xem xét một cách hời hợt sẽ không mang lại chút lợi ích thiết thực nào. Thậm chí nó còn có thể đem đến cho chúng ta nhiều hậu quả trong tương lai.
Có một số người đưa ra lý lẽ rằng "tính tôi như thế rồi không sửa được" để bao biện cho những điểm chưa hay chưa tốt của mình. Nhưng kỳ thực, chúng ta chẳng có ai sinh ra đã mang sẵn những tính xấu, mang sẵn những lỗi lầm. Lỗi lầm cũng giống như những vết bẩn dính trên thân ta, chỉ cần chú ý làm sạch thì sẽ không còn nữa.
Tâm thái cởi mở lắng nghe và sửa đổi cũng chính là một loại dũng cảm. Sự dũng cảm này giúp cho chúng ta chiến thắng được những cảm xúc xấu ác nhắm vào người khác và ngày càng có nhiều cơ hội để hoàn thiện bản thân. Một người không ngừng tự hoàn thiện bản thân mới là người chân thực biết cách yêu thương mình.
Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể chuyển hóa một tình huống mà trước đây thường khiến cho ta bực dọc, khó chịu hoặc tổn thương chỉ bằng cách thấu hiểu lại cho đúng đắn và thay đổi cách hành xử của mình. Chúng ta sẽ nhận ra rằng những sự góp ý, phản hồi, chỉ lỗi này đều là cần thiết và luôn có những đóng góp ý nghĩa đối với cuộc đời ta.
Ngay cả khi người khác phê phán ta không đúng, hoặc ta không tán thành ý kiến nào đó của họ thì cũng không có nghĩa là ta phải ghét bỏ, hận thù người ấy. Ý kiến hay quan điểm không hề đồng nhất với con người. Ngay cả chính bản thân ta cũng thường thay đổi ý kiến và quan điểm theo thời gian. Cho nên, chúng ta luôn có thể trân trọng những gì người khác nói ra, cho dù đó là những điều đúng đắn hay vô nghĩa, vì điều ấy buộc ta phải suy xét và nhờ đó giúp chúng ta khôn ngoan hơn.
Sở dĩ đại dương mênh mông và sâu thẳm là do biết hạ mình đón nhận. Người trí không ngừng học hỏi, kẻ nông cạn thì luôn cho rằng mình đã biết hết mọi điều. Khi tâm ta rộng mở, không chỉ có trí tuệ phát sinh mà cả tình yêu thương và lòng quảng đại cũng nhờ đó mà tăng trưởng. Cuộc đời này có thể an lạc được hay không, là do chính chúng ta tự quyết định cho mình.