Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Bắc Kạn cho biết tại địa phương đã ghi nhận một trường hợp tử vong với kết quả dương tính virus gây bệnh dại.
Theo đại diện CDC Bắc Kạn, sau khi bị chó cắn cách đây 4 năm, người phụ nữ này không được tiêm phòng dại. Gần đây, bà bất ngờ xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường và tử vong với kết quả dương tính virus gây bệnh dại.
Nữ bệnh nhân nhập viện có nhiều biểu hiện suy nhược thần kinh. Ảnh: Thạch Quý
Ngày 12-11, bà bắt đầu có dấu hiệu mỏi 2 chân, đau từ đầu gối trở xuống. Bốn ngày sau, bà nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) với lý do không ăn, không ngủ, giật tay chân, hoảng hốt. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy nhược thần kinh, theo dõi rối loạn tâm thần.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện tăng tiết đờm dãi, buồn nôn, nôn khan liên tục, rùng mình từng cơn, đồng tử 2 bên đều phản xạ ánh sáng bất thường...
Sáng 18-11, tình trạng người bệnh diễn biến xấu nên được chuyển đến bệnh viện tỉnh rồi chuyển lên bệnh viện trung ương để điều trị. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân đã tử vong sau đó.
Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được CDC tỉnh Bắc Kạn gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với virus dại.
Theo giới chuyên môn khi virus dại xâm nhập vào cơ thể người, chúng di chuyển dọc theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ với tốc độ ước tính khoảng 12-24 mm mỗi ngày. Người bị nhiễm bệnh sẽ có những thay đổi hành vi và có những biểu hiện lâm sàng khi virus bắt đầu xâm nhập vào não bộ. Thời gian ủ bệnh có thể từ vài ngày đến vài tháng và có thể kéo dài tới 1 năm.
Thời gian từ lúc nhiễm virus dại đến khi có triệu chứng đầu tiên mất trung bình từ 35 tới 65 ngày. Triệu chứng đầu tiên có thể là sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo đó là chán ăn, buồn nôn, đau hoặc tê nơi vết cắn, các biểu hiện này có thể kéo dài từ 3 đến 4 ngày.
Sau đó, những triệu chứng ở hệ thần kinh dần xuất hiện gồm bị kích động, lú lẫn và lo lắng kèm theo sự hiếu động thái quá. Người bệnh sẽ có những hành vi bất thường và mất ngủ, chứng ảo giác, sợ nước, co giật cơ và tê liệt cũng có thể xảy ra.
Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển lây nhiễm bệnh dại bao gồm: Loại hình tiếp xúc, mức độ nghiêm trọng của vết cắn, số lượng virus dại xâm nhập vào, loại động vật cắn, tình trạng miễn dịch của người bện, vùng bị cắn. Thông thường vết thương ở đầu và cổ, cũng như những vết thương ở các khu vực đầu mút thần kinh như ngón tay thường có thời gian ủ bệnh ngắn hơn do khoảng cách gần hơn cho virus xâm nhập vào mô thần kinh...