Bé gái ở Ấn Độ bị chôn sống trong một chiếc nồi đất sét và bị vùi sâu dưới lớp đất 90 cm. May mắn, một người đàn ông cùng làng trong lúc đào hố an táng con mình đã đào trúng chiếc nồi, thấy bé gái vẫn khóc nên đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Theo BBC, bé gái được đưa đến bệnh viện giữa tháng 10 vừa qua trong tình trạng hết sức nguy kịch: Nhiễm trùng máu, số lượng tiểu cầu xuống ngưỡng nguy hiểm.

Sau 2 ngày chăm sóc tại bệnh viện địa phương, bé gái được chuyển đến BV Nhi của BS Khanna để tiếp tục điều trị.

Bị chôn sâu 90cm, bé gái 1kg vẫn sống sót kỳ diệu nhờ lớp mỡ nâu trong cơ thể - Ảnh 1.

Bé gái sinh non đã hồi phục diệu kỳ sau hơn 1,5 tháng điều trị tích cực trong bệnh viện

BS Khanna cho biết, bé gái sinh non ở tuần thứ 30 và chỉ nặng 1,1 kg, cơ thể ốm yếu, bị hạ thân nhiệt và hạ đường huyết rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên sau hơn 1,5 tháng điều trị tích cực, bé gái đã hồi phục rất tốt, cân nặng đạt 2,57 kg, bú bình tốt. Hiện cơ quan phúc lợi ở quận Bareully đang nuôi giữ cô bé và các thủ tục nhận con nuôi sẽ được xem xét sau thời gian chờ đợi nhất định, phòng trường hợp người thân bé muốn đến nhận lại.

Không ai biết bé gái đã bị chôn sống bao lâu trước đó và cũng chưa thể lý giải làm cách nào cô bé có thể sống sót dưới lớp đất dày gần 1 m.

Song theo lý giải của các BS Khanna, rất có thể cô bé đã sống sót nhờ mỡ nâu trong cơ thể. Đây là loại mỡ có nguồn gốc từ mô cơ, cổ và lưng, thường có ở trẻ sơ sinh, khi được kích hoạt, mỡ nâu sẽ đốt cháy mỡ trắng sinh ra năng lượng trong các trường hợp khẩn cấp.

Bị chôn sâu 90cm, bé gái 1kg vẫn sống sót kỳ diệu nhờ lớp mỡ nâu trong cơ thể - Ảnh 3.

Khi vào viện, bé gái trong tình trạng hết sức nguy kịch do sinh non, cơ thể suy kiệt, nhiễm trùng, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết.

Ngoài ra, may mắn lớp đất được vùi lấp không bị ấn chặt nên vẫn còn không khí lọt qua. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, bé gái chỉ có thể cầm cự 2-3 tiếng nữa nếu như không được giải cứu.

Cơ quan điều tra vẫn chưa tìm ra cha mẹ của cô bé, những người này bị nghi ngờ là thủ phạm chôn sống con mình. Động cơ có thể bắt nguồn từ việc phân biệt đối xử với phụ nữ trong xã hội Ấn Độ, đặc biệt ở các vùng quê nghèo.

Tại đây, các cô gái được coi là gánh nặng tài chính của gia đình nên rất nhiều trường hợp đã huỷ bỏ thai bất hợp pháp khi biết mang thai con gái, không ít trường hợp bé gái sơ sinh đã bị giết bởi chính cha mẹ mình.