Ocey Snead có rất nhiều lý do để chết: Chồng đột nhiên bỏ đi và được cho là đã chết, con gái vừa sinh ra đã qua đời, con trai út cũng cùng chung số phận với chị gái, nhất là bản thân cô bị bệnh đến nỗi không thể rời khỏi giường. Chính vì vậy nên vào ngày 29/11/1909, Ocey đã tự tử và qua đời khi chỉ mới 24 tuổi tại nhà riêng ở East Orange, New Jersey (Mỹ). Cô được tìm thấy trong tình trạng khỏa thân, nằm sấp trong bồn tắm.
Nụ cười cuối đời của Ocey trước khi bị chính mẹ ruột và 2 dì đầu độc đến chết.
Trước khi qua đời, Ocey còn để lại di thư, trong đó ghi: "Khi mọi người đọc được cái này thì tôi đã tự tử rồi. Đừng tiếc thương cho tôi. Hãy mừng cho tôi vì cái chết giúp tôi giải thoát khỏi những nỗi đau mà tôi có thể chịu đựng". Có vẻ như đây là một vụ tự sát, không có tác động bên ngoài, cho đến khi bác sĩ Herbert Simmons nhận thấy những điều kỳ lạ bên trong.
Đầu tiên, người gọi cấp cứu sau khi phát hiện Ocey tự tử là dì cô, Virginia Wardlaw. Người phụ nữ này đã đợi hơn 1 ngày mới cầu cứu sự giúp đỡ của chính quyền đối với cái chết của cháu gái. Thêm nữa, căn nhà nơi Ocey sinh sống lại không được bật lò sưởi dù khi đó là giữa mùa đông lạnh giá. Nội thất bên trong cũng hư hại và bám đầy bụi bẩn nên thật khó tin nơi đây có người ở.
Bản thân bà Virginia là một người kỳ lạ. Bà luôn mặc đồ đen, khoác áo choàng dài đến mắt cá và luôn dùng màn che mặt. Khi được hỏi vì sao lại báo án chậm trễ như vậy, bà bình thẩn trả lời: "Vì cháu gái tôi nói không muốn bị làm phiền".
Sau đó, Herbert gợi ý cho cảnh sát cần tìm hiểu kỹ hơn về vụ án này và nhờ đó mà mở ra một vụ án giết người kỳ lạ của 3 chị em gái trong một gia đình từng được mọi người tôn trọng ở khu vực miền Nam.
Virginia tỏ ra không chịu hợp tác với cơ quan điều tra khi họ tiến hành thẩm vấn bà. Cuối cùng, người phụ nữ này bị bắt bỏ tù vì được cho là nhân chứng chứng kiến cái chết của cháu gái.
Vào cuộc điều tra, cảnh sát phát hiện đã có số tiền bảo hiểm khoảng 32 nghìn USD được chuyển cho gia đình Ocey sau cái chết của cô. Và tất nhiên, người thân là những người trực tiếp sử dụng những khoản tiền đó. Thêm nữa, bút tích trên lá thư tuyệt mệnh mà Ocey để lại hoàn toàn khác với chữ viết trước đây của cô.
Điều khiến người ta sốc nhất chính là danh tính của những kẻ đã đẩy cô gái trẻ vào bước đường cùng phải tự kết liễu đời mình. Đầu tiên là người dì Virginia, tiếp đến mà Mary Snead, một người dì khác và cũng là mẹ của chồng cũ Ocey. Cô gái đã kết hôn với người anh họ hàng của mình là Fletcher Snead. Nghi phạm thứ 3 trong vụ án này và cũng là kẻ đầu sỏ, đứng đằng sau tất cả mọi chuyện không ai khác là bà Caroline Martin, mẹ ruột của Ocey.
Cả 3 người bọn họ đều có cùng một phong cách ăn mặc nên sau này được mọi người gọi là "chị em áo đen".
Cảnh sát đã lần theo dấu vết những dịp chuyển nhà của gia đình Ocey từ New Jersey cho đến căn hộ cho thuê ở Brooklyn. Họ sống ở đó từ năm 1907. Được biết, Fletcher cũng từng lưu trú tại đây một thời gian trước khi bỏ đi vào tháng 3/1909, bỏ lại người vợ đang mang thai. Người đàn ông này được tìm thấy ở Canada, sống dưới một cái tên giả và làm nghề đầu bếp. Sau một buổi phỏng vấn, ông đột ngột biến mất.
Con đầu lòng của Ocey là một bé gái vừa chào đời được 2 ngày đã chết. Đứa trẻ thứ 2 được sinh ra vào tháng 8/1909. Từ khi còn bé, em đã mắc bệnh và bị những người bà đưa đến bệnh viện rồi bỏ lại ở đó. Kết cục của cuộc đời đứa trẻ này cũng tương tự như chị gái của nó.
Khoảng đầu tháng 11 cùng năm, gia đình Ocey chuyển đến New Jersey. Tại những căn nhà mà gia đình họ từng thuê ở, cảnh sát tìm được khá nhiều tài liệu, hé lộ cuộc sống bên trong.
Theo đó, gia đình Ocey xuất thân đều là những người thành đạt, làm các công việc được xã hội kính trọng như bộ trưởng, luật sư, bác sĩ và thẩm phán. Chính vì vậy nên họ được người đời vô cùng nể phục. Dì Virginia từng là hiệu trưởng của một vài trường nữ ở Tennessee và Virginia. Qua thời gian, bà liên tục đổi việc, nhất là sau khi những chị em họ xuất hiện.
Những người phụ nữ này bị buộc tội giết người cấp độ 1 vì giúp đỡ Ocey trong vụ tự tử của cô. Trong lúc chờ xét xử, Virginia qua đời vào tháng 8/1910 và không rõ bà chết do bệnh tật hay tự tử.
Xét trên thái độ và hành vi, Caroline được cho là bị điên. Dù vậy, thẩm phán vẫn tin rằng bà hoàn đủ khả năng pháp lý và phải chịu trách nhiệm cho những gì mình đã làm. Tại các phiên điều trần, bà cho lời khai rằng nhìn thấy "con gái của mình đang trong tình trạng đáng thương" và trở một con nghiện, người thường mơ thấy việc tự tử.
Caroline thừa nhận đã vô tình đưa cho con gái liều morphine (thuốc giảm đau gây nghiện) nặng. Bà đã quăng Ocey vào bồn tắm nhằm giúp cô lấy lại ý thức nhưng không thành. Sau đó, bà bỏ trốn khỏi hiện trường.
Cuối cùng, Mary được tha bổng và Caroline bị kết án tội ngộ sát. Ngồi tù được 7 năm, Caroline bất ngờ nói rằng bản thân không xứng đáng với bản án của mình trước khi được chuyển đến bệnh viện tâm thần. Ngày 20/6/1913, bà qua đời sau thời gian dài nhịn ăn. Khám nghiệm tử thi cho thấy một số dấu hiệu động mạch bị tắc nghẽn nhưng không thể xác định liệu đây có phải là một vụ tự tử không.
(Nguồn: NY Daily News)