Bị cưỡng bức mà không kháng cự, người phụ nữ bị chỉ trích dữ dội và sự thật về trạng thái tâm lý kỳ lạ
Hành vi tấn công tình dục thường không bị trừng phạt khi nạn nhân không kháng cự. Nhưng các nhà điều tra, nhà tâm lý học và nhà sinh vật học đều mô tả việc "bất động" là một phản ứng không tự chủ trước chấn thương.
Nỗi giày vò sau cú sốc
“Tôi chết lặng”, nữ quân nhân người Mỹ (người yêu cầu được giấu danh tính) nhớ lại ngày cô bị tấn công tình dục trong một cuộc huấn luyện quân sự cách đây vài năm.
Đó là một ngày huấn luyện dài và nóng nực - cô hành quân vào rừng, mang theo những gói đồ nặng, thức ăn MRE (đồ ăn theo khẩu phần do Bộ Quốc phòng Mỹ phát cho quân nhân để phục vụ trong điều kiện chiến đấu hoặc trong thực địa). Nhóm của cô luyện tập kỹ năng điều hướng, tìm cách đi từ nơi này đến nơi khác nhanh nhất có thể chỉ với một chiếc la bàn, đồng thời tránh bị phục kích và rắn cắn.
Đêm đó, cô ngủ quên và tỉnh dậy thì thấy một người đàn ông nằm cạnh mình với ý đồ xấu. Cô nói: “Tôi cảm thấy như muốn hét lên, la hét giãy giụa hoặc đẩy hắn đi. Nhưng tôi không biết tại sao cơ thể tôi lại không phản ứng”.
Chỉ đến khi gã kia đứng dậy, cô mới có thể cử động lại. Cô nằm đó và thiếp đi từ lúc nào không hay. Buổi sáng, khi ăn xong, cô bị nôn ói.
Nữ quân nhân không thể nào lý giải được sự thất bại của mình trong việc phản ứng lại vụ tấn công tình dục ấy. Rõ ràng, nó trái ngược với những gì cô đã được đào tạo - đó là cách sống sót và chiến đấu chống lại mọi loại mối đe dọa.
Khi cô còn nhỏ, mẹ thường nói: "Con là con gái và con còn nhỏ, vì vậy con dễ trở thành mục tiêu". Cô lắng nghe lời cảnh báo của mẹ và tự hào về bản thân vì cá tính riêng và khả năng thể thao. Cô chơi bóng rổ, bóng chày, bóng bầu dục và bóng đá, và cả chạy việt dã. Thậm chí, có lúc, cô chơi trong đội nam.
Nữ quân nhân nói: “Không ai mong muốn trở thành nạn nhân của vụ tấn công tình dục. Nhưng mọi người đều tưởng tượng họ sẽ phản ứng thế nào, tôi đã luôn nghĩ nếu là mình, mình sẽ phản kháng và bỏ chạy".
Cô xấu hổ vì bản thân không làm được gì. Người phụ nữ kể lại cảm giác khi ấy: “Đó không thực sự là con người của tôi. Tôi thậm chí không biết tại sao, nhưng cơ thể tôi không phản ứng".
Những tuần sau vụ tấn công đêm ấy, người phụ nữ rơi vào mệt mỏi - áp lực tập luyện kèm sự căng thẳng sau vụ cưỡng bức. Cô bị cuốn vào vòng xoáy trầm cảm và sụt liền 20 kg. Đồng đội phải cho cô ăn thêm bánh mì để đảm bảo sức khỏe. Cô sợ hãi mỗi khi chìm vào giấc ngủ. Cô nói: “Tôi cảm thấy như không thể tin vào cơ thể của chính mình".
Gần như đêm nào cũng vậy, cô ngồi ôm đầu gối khóc nức nở. Người phụ nữ có thói quen ngủ nghiêng nhưng cô không còn cảm thấy an toàn ở tư thế đó nữa. Nếu ngủ thiếp đi, thì chỉ được 1-2 tiếng cô lại tỉnh và khóc. Tim cô đập thình thịch, ga trải giường ướt đẫm mồ hôi.
Khi đồng đội và đội trưởng biết được phản ứng của cô trong vụ cưỡng hiếp, họ vô cùng kinh hoàng. Họ chất vấn cô bằng loạt câu hỏi: "Bạn đã không làm gì cả? Bạn không nói gì cả? Bạn bất động?...".
Cô nhớ lại: “Tôi thậm chí còn không cảm thấy mình có thể làm được bất cứ điều gì. Tôi đã cố hét lên… Tôi muốn hét lên. Tôi đã cố gắng hét nhưng dường như không thể được. Thật khó để giải thích".
Trạng thái tâm lý kỳ lạ
Cô biết mình cần được giúp đỡ, nhưng cô ngại nói chuyện với nhà tâm lý học vì sự kỳ thị xung quanh vấn đề đó. Vì thế, vào ban đêm, khi không ngủ được, cô ra hành lang đọc các bài báo, sách về xâm hại tình dục để cố hiểu hoàn cảnh của mình.
Cô nhận ra mình cần nhiều thứ hơn là những cuốn sách, và nhiều tháng sau vụ hành hung, cô cuối cùng đã nói chuyện được với một chuyên gia, người đã giải thích với cô rằng “bất động” có thể là một phản ứng bình thường khi bị hành hung. Cô nghĩ về hình ảnh một con nai đứng sừng sững trước đèn pha ô tô. Cuối cùng, những người đồng đội và đội trưởng của cô cũng hiểu ra và lên tiếng xin lỗi.
Người ta nói rất nhiều về chiến đấu hoặc rút lui trên chiến trường, nhưng cô không nhớ họ đã từng nói về "bất động" chưa. Cô đã nghe nói về những người lính và các chỉ huy đã chết cóng trong trận chiến, cô biết sự xấu hổ gắn liền với điều đó. “Có lẽ đó là lý do tại sao nó không được nhắc đến hay thảo luận phổ biến”, cô nói.
Có lần, cô gặp ác mộng. “Tôi tỉnh giấc khi mơ thấy vụ tấn công tương tự xảy ra với mình, và môi tôi như bị khâu lại".
Lúc đầu, giấc mơ thật kỳ lạ và khó hiểu, nhưng sau đó cô nhận ra nó phản ánh chính xác cảm giác của mình. “Tôi thực sự muốn di chuyển. Trong đầu tôi đang gào thét. Nhưng cơ thể tôi không cử động được”, cô nói.
Không hề đơn độc
Nhưng có vẻ như, đó không phải là câu chuyện của riêng nữ quân nhân ấy. Đã có rất nhiều người nổi tiếng lên tiếng miêu tả cảm giác tương tự khi rơi vào tình huống bị tấn công.
Nữ diễn viên người Mỹ Brooke Shields từng nói trong bộ phim tài liệu “Pretty Baby”, mô tả cảm giác của cô khi bị cưỡng hiếp rằng: “Tôi hoàn toàn chết lặng. Và tôi chỉ nghĩ, hãy cố sống sót và ra ngoài".
Nói về vụ tấn công tình dục từng xảy ra với mình, nữ diễn viên kiêm người mẫu Na Uy Natassia Malthe nói với các phóng viên rằng: “Tôi giống như một người đã chết”.
Còn trong một bài báo đăng trên tờ Vice, nhà văn Jackie Hong đã viết: “Khi anh ta tấn công, cơ thể tôi dường như bị đông cứng lại”.
Trong một tập của loạt phim tài liệu “The Me You Can't See”, Lady Gaga mô tả việc bị cưỡng bức năm 19 tuổi: “Tôi như chết lặng”. Cô cho biết nhiều năm sau, cơ thể cô vẫn còn nhớ cảm giác đó và cô đã trải qua “sự suy sụp hoàn toàn về mặt tâm thần”.
Vào năm 2019, một phụ nữ 48 tuổi đã gửi đơn tố cáo lên tòa án Canada kể rằng cô dường như bị “đóng băng” hoàn toàn khi một gã đàn ông cưỡng bức cô ở phía sau xe của anh ta sau buổi hẹn hò đầu tiên. Người bào chữa đặt câu hỏi tại sao cô không chống cự. Cô đáp: “Tôi cảm thấy rất sợ hãi. Tôi không có thể lực tốt. Tôi không nghĩ mình có thể thoát được”.
Năm nay, một nhà trị liệu xoa bóp ở Úc đã nhận tội trong vụ tấn công tình dục do nhiều phụ nữ tố cáo. Tại tòa, một trong những nạn nhân cho biết cô sẽ không bao giờ quên cảnh tượng mình “bị bất động trên chiếc bàn massage”.
Khi nhà báo QuaJen Percy của tờ New York Times liên hệ với hàng chục phụ nữ để hỏi về phản ứng lúc bị tấn công tình dục, họ cũng nói về hiện tượng "đóng băng" kỳ lạ của bản thân. Trong đó có Andrea Royer. Cô kể rằng mình đã chiến đấu và la hét để ngăn chặn kẻ hiếp dâm mình ở Spearfish, SD, vào tháng 9 năm 2012, nhưng sau đó cô dường như “đóng băng” vì cô cho rằng đó là cách duy nhất để có thể giữ an toàn cho tính mạng của mình.
Jenna Sorensen kể rằng khi bị cưỡng hiếp, cô đã nói không với kẻ tấn công nhưng sau đó “đứng im” vì cô càng vùng vẫy thì hắn càng bóp mạnh vào cổ cô.
Bất động do căng thẳng - trạng thái tâm lý kỳ lạ mà có thật
Tất cả những phản ứng kể trên của những người phụ nữ thường khiến họ cảm thấy xấu hổ hoặc bất thường và không dám kể ra. Thực tế, hiện tượng này khá phổ biến nhưng lại bị hiểu sai.
Khi tòa án đang chuẩn bị tuyên án Harvey Weinstein vì phạm tội tình dục, một trong những nạn nhân của anh ta, Jessica Mann, đã cố gắng làm rõ lý do của chính mình về việc không kháng cự. Bởi vì, cô nói: “Rất nhiều phụ nữ, bao gồm cả tôi, chỉ có thể giải thích bằng những câu như 'Tôi đã bỏ cuộc' hay 'Tôi mất kiểm soát' và 'cứng đờ'".
Jessica đã trích dẫn một bài báo năm 2015 trên Tạp chí Tâm thần học Harvard về hành vi phòng vệ tự động của con người và động vật. Cô nói: “Phần lớn mọi người không hiểu rằng những phản ứng này không phải là điều chúng tôi được lựa chọn một cách có ý thức khi bị ép buộc”.
Cô cũng giải thích rằng khi Weinstein cưỡng bức mình, cô đã gặp phải triệu chứng phù hợp với hiện tượng được gọi là "bất động". Cô nói trước tòa: “Tôi yêu cầu quý tòa xem xét nỗi kinh hoàng khi bị bất động bởi phản ứng sinh học của cơ thể tôi”.
Hiện tượng chết cứng (tonic immobility) là gì? Đó là một phản ứng cực đoan trước mối đe dọa khiến nạn nhân bị tê liệt theo đúng nghĩa đen. Họ không thể di chuyển hoặc nói chuyện.
Trong hơn một thế kỷ, các nhà khoa học đã nghiên cứu các hiện tượng tương tự ở động vật, và qua nhiều năm, hiện tượng này đã được đặt tên và đổi tên liên tục - thôi miên động vật, giả chết, chết cứng, rõ ràng là chết và thanatosis (một từ Hy Lạp cổ có nghĩa là “xử tử").
Chết cứng là một chiến lược sinh tồn đã được xác định ở nhiều loài động vật - côn trùng, cá, bò sát, chim, động vật có vú. Thực tế là nhiều kẻ săn mồi dường như không còn hứng thú với con mồi đã chết. Nó thường được kích hoạt bởi nhận thức về việc không thể trốn thoát hoặc bị kiềm chế, giống như khoảnh khắc con mồi nằm trong hàm của kẻ săn mồi.
Con người đã được chứng minh là trải qua tình trạng bất động trong bối cảnh chiến tranh và tra tấn, thiên tai và tai nạn đe dọa tính mạng, và các nghiên cứu cho thấy điều này thường xảy ra trong lạm dụng tình dục.
Vào đầu những năm 1970, các nhà nghiên cứu người Mỹ Ann Burgess và Lynda Lytle Holmstrom đã quan sát hành vi này, cái mà sau này được gọi là “tê liệt do bị cưỡng bức” ở những bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Thành phố Boston.
Trong suốt 1 năm, họ đã ghi lại số liệu cho thấy 34 trong số 92 bệnh nhân được chẩn đoán mắc “chấn thương do bị cưỡng bức” đã trải qua tình trạng tê liệt - về thể chất hoặc tâm lý - trong các vụ tấn công, và một số người mô tả điều mà ngày nay có thể được coi là tình trạng bất động do căng thẳng.
Vài năm sau, các nhà tâm lý học Susan Suarez và Gordon Gallup lập luận trong một bài báo đăng trên tờ The Psychological Record vào năm 1979 rằng hiện tượng chết cứng đã tiến hóa ở con người, cũng như ở các loài động vật khác, như một biện pháp phòng vệ trước những kẻ săn mồi. Sau đó, họ lưu ý rằng các vụ tố cáo tội cưỡng bức thường thất bại vì nạn nhân... không kháng cự.