Vợ chồng tôi kết hôn được hai năm thì có bé gái đầu tiên. Cuộc sống gia đình tuy nghèo mà vui, gia đình hai bên nội ngoại đều hòa hảo không có vấn đề gì phải nghĩ. Lúc bấy giờ tôi đã nghĩ phận đàn bà của mình cũng chỉ mong ước có chừng đó mà thôi.
Năm năm sau kết hôn, con gái tôi lên ba tuổi, trong bụng tôi báo hiệu sự xuất hiện của một thiên thần nhỏ tiếp theo. Cả hai vợ chồng đều khấp khởi mừng, nhưng chưa vội thông báo ra bên ngoài vì muốn chờ cho bé phát triển thêm một khoảng thời gian nữa.
Một ngày, chồng tôi nhận lời ông bạn hàng xóm rủ đi mời đám cưới cùng. Trên đường đi, hai người gặp phải tai nạn giao thông, người hàng xóm mất tại chỗ, chồng tôi cũng trút hơi thở cuối cùng sau khi vào viện chưa đầy 15 phút.
Kể từ ngày chồng mất, cả cuộc đời tôi như bị bao phủ bởi một tấm rèm đen tối. Tôi một mình nuôi con nhỏ, lại tự chăm sóc bản thân khoảng thời gian bầu bí. Vì trước khi chồng mất tôi chỉ mới cấn bầu đứa thứ hai, nên nhiều người trong gia đình anh nghi ngờ về sự xuất hiện của đứa bé.
Những ngày tháng sau đó, bụng tôi lùm lùm, người ra kẻ vào đặt điều nói không hay về nhân phẩm của tôi. Gia đình chồng dường như cũng không muốn nhận đứa cháu này, họ e sợ rằng tôi đi gian díu với người khác để có con.
(Ảnh minh họa)
Sau khi đứa trẻ chào đời, tôi vẫn một thân một mình tự gượng dậy để chăm sóc cùng lúc hai đứa nhỏ. Bên ngoại vì ở xa nên cũng không ai vào thăm nom tôi được, bên nội thì ghét bỏ và hắt hủi mẹ con tôi ra mặt. Nhiều đêm tôi phải ôm mặt khóc vì tủi hổ số phận mình, kể từ khi chồng tôi mất, nhà bên ấy sớm đã coi tôi như người dưng nước lã.
Cố gắng làm lụng và chăm sóc các con một khoảng thời gian nữa, sau khi thấy nhà nội vẫn dửng dưng với ba mẹ con tôi, tôi quyết định đem các cháu về ngoại ở. Ít ra, trong vòng tay người thân ba mẹ con tôi cũng sẽ được yêu thương, các con tôi cũng có người nhìn nhận. Mặc dù đúng là nhà chồng tôi chỉ có con trai chúng tôi là cháu độc tôn duy nhất, nhưng vì họ đã phũ, tôi cũng không màng tới cái danh hão ấy làm gì.
Sau khi chuyển nhà, chuyển cả quê cho hai đứa nhỏ, ba mẹ con tôi có rau ăn rau có cháo ăn cháo qua ngày. Nhưng trộm vía, đứa nhỏ nhà tôi càng lớn càng có nét giống bố nó ngày xưa, hai chị em đều ngoan ngoãn nghe lời và học hành chăm chỉ. Bấy giờ tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Đến giờ hai đứa cũng đã lớn khôn, cuộc sống của ba mẹ con tôi cũng tạm gọi là đủ ăn. Đột nhiên, tôi liên tục nhận được các cuộc gọi của từ bên nhà nội hai đứa nhỏ.
(Ảnh minh họa)
"Chị cho cháu về nhận bà nội, bà nội yếu lắm rồi!"
"Dù sao nó cũng là giọt máu nhà này, chị không cho chúng nó về nhận họ hàng thì đừng trách sao bọn tôi ác!"
"Thằng D dù sao cũng là cháu đích tôn, chị không cho nó về thì tôi tới nói phải quấy với chị và cho nó về bằng được!"
Liên tục là các cuộc gọi từ nhỏ nhẹ đến dọa nạt, o ép tôi phải cho các con về bên nhà nội. Trước kia, khi họ nghi ngờ tôi đi tằn tịu bên ngoài, sao họ không nghĩ sẽ có ngày hôm nay? Trước kia, khi họ phủi tay với hai đứa cháu ruột của mình, sao họ không nghĩ sẽ có ngày hôm nay?
Tôi còn nhớ khi con bé con còn nhỏ, nó vẫn gò bút viết thư gửi cho bà nội và các chú. Nhưng những cánh thư gửi đi chưa bao giờ nhận lại hồi âm. Biền biệt bao nhiêu năm trôi qua cũng không một ai thăm hỏi. Bây giờ, dựa vào cái gì mà bắt tôi giao lại con lại cháu cho họ đây?
Nhiều lúc tôi nghĩ cũng thương chồng, nhưng nhớ lại những gì họ đối xử với ba mẹ con tôi, sự uất ức và tủi thân lại khiến tôi ngút ngàn lửa giận. Tôi nói với họ rằng khi nào hai đứa trẻ trên 18 tuổi, chúng đủ tuổi trưởng thành và có thể tự quyết định cuộc đời mình, thì tôi sẽ cho chúng lựa chọn. Việc về nhà nội nhận họ hàng hay không cũng là do chúng. Còn các chú ngày xưa đã xua đuổi hắt hủi mẹ con tôi, thì các chú không có quyền hành gì để lên tiếng.
Mặc dù thâm tâm tôi mách bảo như vậy, nhưng tôi cũng không biết mình làm đúng hay sai? Liệu có phải tôi là người cạn tàu ráo máng quá không?