Không sinh được con, giục chồng cưới vợ mới

Đó là câu chuyện của chị Trương Thị Xuyến, 49 tuổi ở thôn Hành Chính, xã Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa). Chị Xuyến lấy anh Trương Văn Lợi 4 năm mà không có con, vợ chồng đưa nhau đi khám mới biết chị không có khả năng sinh con. Chồng chị động viên vợ đi chạy chữa, nếu không đẻ được thì xin con nuôi, nhưng chị Xuyến cương quyết không đồng ý: “Con nuôi không bằng con đẻ, anh phải lấy vợ thôi”.

Nghe tin chị Xuyến tìm vợ cho chồng, làng trên xóm dưới ai cũng bảo chị gàn dở. Đó là lúc chị Xuyến phải đấu tranh nội tâm ghê gớm khiến chị gầy rộc chỉ còn 37kg. “Bao nhiêu năm về làm vợ anh ấy, tôi chưa phải nghe một câu mắng chửi. Trước yêu nhau bao nhiêu thì giờ vẫn như thế”, chị trải lòng.

Nghe lời người giới thiệu, chị Xuyến đi hỏi vợ cho chồng. Đó là một cô gái hiền lành bị chồng phụ bạc, đã có đứa con gái nhỏ, tên là Trịnh Thị Lĩnh. Khi chị Lĩnh (vợ hai của anh Lợi bây giờ) đồng ý, chị Xuyến mừng lắm, lên trình bày với chính quyền xã. Qua tìm hiểu, cán bộ xã cảm thông hoàn cảnh gia đình nên đồng ý. Chị Xuyên làm bữa cơm đón hai mẹ con chị Lĩnh về nhà, bắt đầu sống “kiếp chồng chung”.

Căn nhà năm gian được chia làm ba. Bố chồng ở gian nhà giữa. Chị nhường gian lớn cho vợ chồng mới cưới, còn mình chuyển qua gian nhỏ hơn ngủ cùng đứa con gái của vợ hai. Cuối năm 1989, cậu bé Trương Văn Luận ra đời. Bế bé trên tay mà chị Xuyến vui trào nước mắt. Đến khi cai sữa, Luân được chị chăm bẵm từ ăn mặc đến tắm rửa, yêu thương Luận như con ruột của mình. Cuộc sống cứ thế trôi đi, giờ đây chị Xuyến đã có ba đứa con xem mình như mẹ đẻ. 

Bi hài chuyện "bà cả" cưới "bà hai" cho chồng 1
Chị Xuyến và con gái út của chồng và vợ hai 

Dù cuộc sống “hai vợ một chồng” có lúc cơm không lành, canh không ngọt, nhưng biết ý, cả hai người vợ đều nhường nhịn nhau nên cửa nhà cũng êm ấm. Nhắc đến vợ bé của chồng, chị Xuyến mỉm cười bảo may mắn vì năm xưa chọn đúng người. “Cô ấy hiền lành, chỉ biết làm việc không lo tị nạnh nên tôi xem cô ấy như em gái”, chị Xuyến chia sẻ. Còn “bà hai” cũng gửi gắm Luận cho người vợ cả: “Tôi gửi chị thằng bé. Chị làm bên y tế biết cách chăm sóc trẻ tốt hơn. Ruộng nương ở nhà tôi lo, ta cùng nhau nuôi dạy con ăn học nên người”.

Trước thấy chị chăm sóc con của chồng, nhiều người bảo chị dại dột, giờ thấy những đứa con chồng thương yêu, hiếu thảo, họ lại nói chị may mắn. Chị cười hạnh phúc: “Con nào cũng là con, chẳng đẻ ra nhưng đã là con người thì phải thương nhau. Có lẽ ba đứa con yêu thương, tôn trọng mẹ chính là sự bù đắp lớn nhất mà cuộc đời ưu ái cho tôi”.

Sợ gia đình chồng tuyệt tự, vợ cả đi hỏi vợ hai cho chồng

Không hiểu lý do vì sao mà những đứa con của bà Trương Thị Bích ở xã Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Nội) và ông Nguyễn Văn Thư khi sinh ra đều bị tàn tật. Đứa con gái cả từ lúc lọt lòng mẹ đã ốm ngặt nghèo, nuôi mãi chẳng lớn, 5 tuổi chẳng biết đi, tay chân teo tóp. Đứa con thứ hai từ lúc mới sinh ra đã nhỏ như nắm cơm, được một năm thì qua đời. Được chồng động viên, bà Bích sinh tiếp đứa con thứ ba, thứ tư nhưng tất cả đều hẩm hiu như anh chị của chúng: tất cả đều không có trí khôn, sống đời thực vật, như quả bầu, quả bí đặt góc nhà, ngay cả việc tiểu tiện cũng phải nhờ mẹ.

Chấm chấm vạt áo lên khóe mắt, bà Bích tâm sự: “Ông nhà tôi đã mắc nhiều bệnh, lại là thương binh, nên từ ngày về chẳng đỡ đần tôi được việc gì. Bản thân tôi cũng nhiều bệnh, lại phải gánh thêm ba đứa con tật nguyền với một người mẹ già, tôi cứ cúi gằm mặt xuống mà làm để nuôi sống cả nhà. Ngày đó chưa ai biết đến thứ chất độc da cam, nên gia đình chồng hắt hủi, hàng xóm nói ra nói vào… Lúc cơ cực, tôi chỉ biết ôm mấy đứa con mà khóc”.

Đau khổ, thương chồng, bà Bích giận mình bởi con sinh ra từ bụng bà, thì tội lỗi là ở bà nên chẳng dám oán thán ai. Một ngày, bà Bích nén lòng thốt lên với chồng: “Em nghĩ kỹ rồi, em không biết đẻ, anh cứ bỏ em đi mà lấy một người đàn bà khác, em chẳng dám oán anh một lời!”. Nghe thế, ông Thư chết lặng và một mực từ chối. Chồng càng từ chối thì bà Bích càng quyết tâm. Bà phao tin khắp xã “tuyển” những bà, những chị góa chồng tốt tính, có sức khỏe để lãnh trọng trách, bản thân bà sẽ mang các con về nhà mẹ đẻ.

Nghe dòng họ giới thiệu về một người phụ nữ ở xã Tuyết Nghĩa, không có chồng, tuổi cũng đã lớn, gia đình nghèo khó nhưng có sức khỏe, chịu thương chịu khó, bà Bích liền hối hả đạp xe đến gặp và thổ lộ tâm tình. Bà Bích tâm sự hết với bà Dương Thị Duệ về cuộc đời mình, bà Duệ cũng thổ lộ chuyện đời con gái truân chuyên. Sau cả ngày tâm sự, bà Duệ quệt nước mắt nói: “Đời chị đã khổ như thế, em đâu đã sướng gì, vậy thì em sẽ về giúp chị trông nom các cháu”.

Bi hài chuyện "bà cả" cưới "bà hai" cho chồng 2
Từ trái sang: Bà Bích, ông Thư, bà Duệ 

Ngày cưới, ông Thư ốm nặng. Đám cưới không tiếng pháo, ít tiếng cười, chỉ toàn nước mắt. Hình ảnh bà cả đạp xe, đón bà hai về nhà chồng là độc nhất vô nhị. Nhà chật, mấy mẹ con bà Bích ngủ một giường, nhường một giường cho ông Thư và bà hai. Sau này để cho tiện, ông Thư dựng một căn nhà tạm ở góc vườn dành cho bà hai. Suốt bao nhiêu năm, họ ăn cùng mâm, phục tùng chồng và chăm sóc đại gia đình.

Sau này ông trời thương nên ba đứa con của bà Duệ với ông Thư đều khỏe mạnh. Về tình cảm và sự tận tâm của bà Duệ, bà Bích vô cùng biết ơn. “Nếu không có bà Duệ thì chắc gì tôi đã sống được đến ngày hôm nay. Mọi việc nặng nhọc đều do bà ấy gánh vác, kể cả các con của bà Duệ sau này đều rất thương yêu các anh chị tật nguyền. Hàng ngày, đôi khi chúng tôi cũng có lúc va chạm bực dọc, nhưng xong rồi thì thôi, không ai để bụng, không cãi nhau to tiếng bao giờ. Không hiểu bà Duệ đã lấy đâu ra dũng cảm để vực dậy một gia đình khốn khổ như gia đình tôi”, bà Bích thổ lộ.

Thương chồng, vợ làm đơn xin ủy ban xã... cưới vợ bé cho chồng

Vào tháng 4/2012, Phó chủ tịch UBND xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu bất ngờ nhận được một lá đơn “có một không hai”: một người phụ nữ tên Đ. xin phép xã cho bà được đứng ra... cưới vợ bé cho chồng.

Trong đơn nêu rõ, người mà bà xin cưới làm vợ nhỏ cho chồng là bà X. ở cùng ấp. Lá đơn của bà Đ. rất thống thiết: “Tôi sẵn sàng chấp nhận nỗi đau nhất trên đời của người phụ nữ là phải chia sẻ hạnh phúc với người khác. Nhưng mới đây, cô X. lại định kết hôn với người đàn ông khác... Kính mong cấp chính quyền cứu xét cho tôi, tôi chỉ yêu cầu cô X. phải lấy chồng tôi và hai người chung sống suốt đời mãi mãi mãi hạnh phúc bên nhau....”.

Bi hài chuyện "bà cả" cưới "bà hai" cho chồng 3
Ảnh minh họa 

Hỏi ra mới biết chuyện không phải bà Đ. và ông P, chồng bà sống không hạnh phúc mà bà phải cưới vợ nhỏ để “bù”. Ông P. và bà Đ. sống với nhau khá hạnh phúc, có 3 đứa con, vợ chồng luôn tỏ ra tâm đầu ý hợp. Vậy thì lý do gì mà bà Đ. muốn cưới vợ bé cho chồng?

Theo trình bày của bà Đ., trước khi ông P cưới bà về làm vợ cách đây 20 năm, ông đã có mối tình đầu với cô X. ở cùng xóm. Do hai bên gia đình không ủng hộ chuyện tình của họ nên cả hai ngậm ngùi chia tay nhau, ông P. vâng lời gia đình cưới bà Đ. về làm vợ.

Bất ngờ cuối năm 2011, ông P. nghe tin bà X sắp lập gia đình. Từ ngày nghe tin ấy, ông P. ăn không ngon, ngủ không yên, vì suốt mấy năm qua ông cứ đinh ninh bà X. vẫn còn tình cảm với ông. Ông còn đi tìm bà X. để hỏi về tình cảm xưa. Bà X. đã giải thích cho ông P. hiểu suốt mấy chục năm qua bà còn sống độc thân không phải nhớ đến ông mà vì còn lo cho bố mẹ, em út, giờ bà đã gặp được người tâm đầu ý hợp nên quyết định lập gia đình.

Thuyết phục người yêu cũ từ bỏ ý định lập gia đình không được, ông P quay qua gọi điện thoại quấy rối và đòi ngăn cản đám cưới. Dù rất mềm mỏng, kiềm chế, nhưng cứ bị ông P quấy rầy mãi, nên một lần bà X đã nói lẫy với ông P: “Nếu anh nói ngon vậy thì về thôi vợ đi rồi tôi lấy anh. Hoặc không thôi vợ thì anh nói vợ anh đi xin cưới tui đi”. Có thể vì quá “yêu” mà ông P. tưởng câu nói thách này là sự thật, nên ông về năn nỉ vợ nhà là bà Đ đi hỏi cưới bà X cho ông.

Ban đầu bà Đ. phản đối kịch liệt, bà không thể chấp nhận cái cảnh chồng chung. Nhưng rồi ông P cứ thuyết phục mãi vợ, ông tỏ ra buồn bã, không màng chuyện ăn uống, xao nhãng chuyện làm ăn, ông ngày càng đau khổ, tuyệt vọng... Bà Đ. vì không thể nhìn chồng khổ đau mãi, nên cuối cùng đồng ý hỏi cưới bà X. cho chồng.

Tất nhiên là lá đơn của bà Đ. không được ủy ban xã chấp nhận. Tổ hòa giải và chính quyền xã Ninh Quới đã mời cả ba người đến giải thích rõ, giúp ông P, bà Đ. nhận ra sai lầm của mình. Bà X. quả quyết bà không hề có tình cảm với ông P, và không thể cưới người đã có gia đình. Cuối cùng bà Đ. cũng vỡ lẽ ra mọi chuyện, bà hiểu chuyện xin trong đơn của bà là trái với pháp luật.

Nhờ sự can thiệp kịp thời của chính quyền xã, vợ chồng ông P, bà Đ đã không còn quấy rầy bà X. Ngày cưới của bà X, vợ chồng ông P không được mời, nhưng khi có người hỏi chuyện bà X “lên xe hoa”, ông P buồn buồn nói: “Thôi thì cũng mừng cho cô ấy, hổng có duyên nợ thì đành chịu chứ biết làm sao”.

Có thể phạt hành chính hoặc hình sự

Điều 147 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng: người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm… 

Điểm a, điểm b, khoản 1 và khoản 2 Điều 8 và Điều 3 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình quy định mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng; Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.