Theo Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA), từ vụ trộm cắp đầu tiên trên máy bay được phát hiện vào năm 2010, đến nay, tệ nạn này diễn biến ngày càng phức tạp, chủ yếu trên các đường bay châu Á.
Cuối năm 2012, nạn trộm cắp trên máy bay rộ lên. Trong năm này, VNA có đến 28 vụ hành khách khai báo bị mất cắp. Để đối phó, VNA đã đưa vào danh sách lưu ý 8 đối tượng cấm nhập cảnh và 35 đối tượng cần theo dõi, nhập cảnh hạn chế.
Nhờ vậy, năm 2013, chỉ còn 15 vụ khai báo mất cắp trên các chuyến bay của VNA. Tuy nhiên, sang năm 2014, nạn trộm cắp lại tăng lên với 8 vụ được nhân viên VNA phát hiện trong quý I.
Trong đó, ngày 16/1, một nữ tiếp viên của VNA bắt quả tang hành khách Tân Vĩ - 41 tuổi, quốc tịch Trung Quốc - lấy cắp 700 USD của một hành khách người Indonesia trên chuyến bay VN 630 từ Indonesia đến TP.HCM.
Ba ngày sau, trên chuyến bay VN 600 hành trình Bangkok (Thái Lan) - TP.HCM, chính tiếp viên này lại quay được clip hành khách Trung Quốc tên Zhang Giang (41 tuổi) giở trò trộm cắp. Zhang Giang đi với Ren Guanghan, cùng quốc tịch.
Hai đối tượng này đã bị nhân viên VNA áp dụng đúng quy trình phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối tượng trộm cắp tài sản để “khoanh vùng” từ khâu đặt chỗ. Với chứng cứ rõ ràng, Zhang Giang phải thừa nhận hành vi trộm cắp. Kẻ trộm này đã bị lực lượng chức năng tạm giữ khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Lê Trường Giang, người phát ngôn VNA, cho biết các vụ trộm cắp trên máy bay được phát hiện nhờ các bộ phận phối hợp thực hiện tốt quy trình phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối tượng trộm cắp trên máy bay mà hãng triển khai từ năm 2012.
Các đối tượng trộm cắp bị phát hiện hầu hết là người Trung Quốc. Lúc đầu, các đường bay rộ lên tệ nạn này thường đến và đi từ Trung Quốc nhưng hiện đã mở rộng sang nhiều đường bay khác của VNA, như đi/đến Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore... Thậm chí, trên đường bay nội địa cũng có kẻ trộm.
Đại diện VNA cho rằng hình thức xử lý như hiện nay là chưa đủ mức răn đe, cơ bản vẫn là trục xuất và cấm nhập cảnh nếu đối tượng đã lấy được tài sản và có đủ tang chứng, vật chứng.
Với những trường hợp bị phát hiện nhưng đối tượng chưa lấy được tài sản thì coi như hành vi phạm pháp chưa hoàn thành nên mức độ xử lý rất hạn chế. “Các hãng hàng không, trong đó có VNA, đã làm hết sức mình để ngăn chặn và giảm thiểu nạn trộm cắp nhưng hiệu quả không như mong muốn”, đại diện VNA cho biết.
Các hãng hàng không cho rằng cần có cơ chế phối hợp giữa hãng, cảng vụ hàng không, công an cửa khẩu và Bộ Ngoại giao thì mới ngăn chặn được tệ nạn này. Theo đó, khi phát hiện vụ trộm, phía Việt Nam mời lãnh sự quán quốc gia có kẻ cắp đến nhận thì mới có tính răn đe.
Đồng thời, khi thụ lý vụ trộm, các cơ quan chức năng cần đơn giản thủ tục hành chính cho hãng hàng không và hành khách. Nhiều hành khách bị mất cắp tỏ ra bức xúc vì trễ chuyến bay do bị đề nghị ở lại cung cấp thông tin, chứng cứ cho cơ quan chức năng để vạch tội kẻ trộm.
Nhận diện kẻ trộm Để xử lý kẻ trộm trên máy bay, nhiều bộ phận của VNA phải phối hợp để thực hiện quy trình riêng của hãng. Quy trình này có 2 công đoạn: nhận biết đối tượng trộm cắp từ mặt đất và phát hiện trên máy bay. Các đối tượng nghi ngờ thường là người gốc châu Á, bay một mình, tự check in trực tuyến xếp chỗ ngồi trước hoặc có cùng một hồ sơ đặt chỗ cho 3 - 5 khách du lịch. Những đối tượng này thường đặt chuyến bay khứ hồi ngay trong ngày hoặc hôm sau, không có hành lý ký gửi, xuất nhập cảnh Việt Nam hàng chục lần trong khoảng 1-2 tháng… Kẻ trộm thường ra tay khi hành khách ngủ, đi vệ sinh hoặc máy bay chuẩn bị giảm độ cao. Sau khi lấy được tài sản, chúng chuyển cho nhau cất giấu nhanh hoặc vào nhà vệ sinh phi tang nếu bị phát hiện. |