Nhiều người rất cầu kỳ trong chuyện chọn người xông đất, và luôn muốn chọn người có gia đình hạnh phúc, đang ăn nên làm ra, có danh vọng, địa vị trong xã hội và tính tình phải cởi mở, đức độ. Có vậy, khi người đó đến xông đất, họ sẽ mang theo may mắn, sung túc và những điều tốt lành trong năm mới cho gia chủ. Ngược lại, những ai tính tình khắt khe, có tang sự hay là người “làng nhàng” mà xông đất thì có thể gia chủ sẽ gặp những điều xui rủi trong năm mới.
Chính vì niềm tin này, nhiều chủ nhà phải “dấm” trước vài tháng, thậm chí xem trước cả năm để chọn người vừa hợp tuổi, vừa tốt tính để xông đất cho nhà mình trong năm mới. Sự cầu kỳ này đem lại không ít chuyện bi hài.
Từ hồi đầu tháng Chạp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (Trương Định, Hoàng Mai) đã nhất quyết dặn dò con trai trưởng phải xông đất năm Bính Thân bằng được, chứ không để nhỡ nhàng như năm ngoái. Chuyện là, bà tuổi Tí, mạng Hỏa, con trai trưởng thì tuổi Sửu, mạng Mộc, vừa hợp tuổi vừa hợp mệnh, anh này lại là người làm ăn phát đạt nên hơn chục năm nay, đều như vắt chanh, anh đều là người xông đất cho gia đình.
Bà Thoa kể, cả chục năm anh cả xông đất, dù là năm cầm tinh con gì, mạng gì, bà làm ăn “mát mẻ”, mọi sự hanh thông, làm gì cũng xuôi thuận. Vậy mà năm ngoái, gần đến Tết, con trai bà nằng nặc không chịu về xông đất ở nhà và yêu cầu mẹ chọn người khác với lý do: anh mạng Mộc, nếu xông đất vào năm Kim, bản thân anh sẽ bị “mất lộc”.
Thuyết phục con mãi chẳng được, bà đành nhờ người xem giúp, chọn một tuổi khác phù hợp để thay thế. Được mách nước nên chọn người tuổi Rồng, mạng Hỏa, với ý đồ sẽ “tiếp sức” cho mệnh của bà trong năm mới, bà Thoa nhờ con rể, cũng là một người có chức vị, con cái đủ đầy nếp tẻ xông đất. Qua giao thừa, anh con rể đến, như lời hẹn. Tưởng con rể sẽ mang theo cành hoa quả, cành lộc đến xông đất như anh con trưởng mọi năm, nhưng khi thấy anh này đến tay không, lại đi một mình chứ không đi cùng vợ con, bà đã không bằng lòng.
Rồi chẳng biết trùng hợp hay do “cái vía” của người xông đất, mà cả năm vừa rồi nhà bà Thoa gặp hết chuyện xui này đến chuyện rủi kia. Vừa xong 3 ngày Tết thì cả nhà bà, từ lớn đến nhỏ lăn ra… ốm, thương nhất là bé cháu nội đầu lòng mới gần 1 tuổi, bị viêm đường hô hấp, sốt và mệt đến gần hết tháng Giêng. Trong năm, chuyện việc làm của bà và gia đình người con trai thứ cũng không mấy xuôi thuận, lúc thì bị lừa, khi thì gặp rắc rối, tranh chấp, bị chơi xấu… Mới nhất, đến giữa tháng Chạp thì bà Thoa đánh rơi đâu mất chiếc nhẫn vàng.
Đủ chuyện bực bội ập đến gia đình bà trong năm Giáp Ngọ, còn người con rể thì làm ăn xuôi thuận, thăng chức, tăng lương, khiến bà quả quyết tin rằng, gia đình mình đã bị “cướp lộc”, và người xông đất, thay vì mang may mắn đến, thì đã kéo may mắn của bà đi và “đổ” xui xẻo vào nhà mình.
Vì thế, năm nay, từ sớm bà đã đánh tiếng cho anh con trai trưởng, yêu cầu anh phải về nhà xông đất bằng mọi giá. Vì thế, Tết Bính Thân này, anh định đặt vé đi du lịch, “hâm nóng tình yêu” với vợ suốt kỳ nghỉ, cuối cùng phải rút lại chỉ còn 1 tuần, vì mẹ nằng nặc bắt phải xông đất xong rồi thích đi đâu thì đi.
Cũng là một chuyện bi hài khác về xông đất, đó là chuyện của Nguyễn Thu Huệ (Kim Giang, Thanh Xuân). Huệ kể, bạn trai Huệ đón cô đi chơi từ chiều tối 30. Hai người lượn lờ ngắm hoa, ngắm phố, chơi cùng đám bạn đến khoảng 11 giờ hơn thì phải về để người yêu cô kịp về nhà xông đất. Thế nhưng, khi bạn trai đưa Huệ về đến nhà thì đúng lúc giao thừa. Bạn trai Huệ ngại sẽ trở thành người xông đất bất đắc dĩ của gia đình cô, nên không đưa Huệ vào nhà mà để cô đứng ngoài ngõ rồi về nhà mình.
Huệ định “hồn nhiên” xông vào nhà, nhưng vừa thò tay vào mở cửa đã nghe mẹ nói vọng ra rằng, đã quá 1 phút sau giao thừa, mẹ đang làm lễ, mà ông anh trai Huệ, người có nhiệm vụ xông đất năm nay, vẫn chưa về. Bà mẹ dỗ: “Con chịu khó đi loanh quanh đâu đó chơi thêm lát nữa đi, muộn hẳn rồi về cũng được. Năm nay thằng Hoàng hợp tuổi, nó xông đất cho cả nhà may mắn, con nhé!”.
Người yêu đã đi về nhà, bạn bè hoặc kéo nhau đi chơi cả đám, hoặc đã về nhà cúng giao thừa với gia đình, chẳng còn ai để tụ tập, lại không thể sang nhà hàng xóm hóng chuyện hay “buôn dưa” như ngày thường, Huệ đành ngồi trước cửa nhà, giữa cái rét căm căm để đợi anh về.
Đợi đến gần 1 giờ, ông anh quý hóa vẫn chưa thấy mặt mũi đâu, bố mẹ vẫn “cố thủ” không mở cửa cho vào nhà, Huệ sốt ruột gọi anh thì được trả lời: “Anh về ngay đây, 15 – 20 phút nữa nhé. Xem pháo hoa xong là anh về luôn đấy, nhưng mà tắc đường quá, lại còn cầm cành táo đầy gai nữa, không đi nhanh được”. Cũng như mẹ, anh gợi ý Huệ đi loanh quanh đâu đó cho đỡ rốt ruột.
Sau dăm bảy cuộc gọi, cả bực mình hơi nặng giọng đến nài nỉ, cuối cùng, đến gần 3 giờ sáng Huệ cũng được vào nhà, sau khi ông anh về xông đất và nhận lì xì của bố mẹ. “Chẳng biết năm nay với cả nhà có tốt lành gì không, riêng mình, việc bị cả nhà “hắt hủi” bắt ngồi 3 tiếng ngoài trời lạnh chỉ để đợi ông kia về là đã thấy bực mình rồi đó. Năm mới khởi đầu đáng nhớ như thế, những ngày còn lại trong năm không biết có khá hơn không” – Huệ kể.