Thị phi là thứ khó tránh khỏi trong đời sống của mỗi con người, có khi chúng ta vì một hành vi nào đó mà vướng vào thị phi và cũng có khi sống tử tế cả một đời nhưng vẫn bị thị phi từ trên trời rơi xuống trúng. Tuy nhiên, ở trường hợp bị hàm oan, chúng ta nên giải quyết thế nào đây? Đáp án của câu hỏi này xin mượn lại câu chuyện của một đại Thiền sư Nhật Bản có tên là Hakuin Ekaku (1686 - 1769), ngoài ra Ngài còn được gọi với cái tên Bạch Ẩn Thiền sư.
Chân vẽ Bạch Ẩn Thiền sư (1686 - 1769).
Trước khi đi vào câu chuyện, xin nói đôi điều về Bạch Ẩn Thiền sư. Ngài là một trong những vị Thiền sư vĩ đại có công khôi phục Thiền phái Lâm Tế vốn đã lụi tàn ở Nhật từ thế kỷ 14. Ngay từ khi sinh ra, Ngài đã được thân mẫu của mình đánh giá là một đứa trẻ đặc biệt vì sinh vào năm sửu, tháng sửu, ngày sửu, giờ sửu. Trong khi đó sửu tức là trâu, là con vật linh thiêng của Tenjin (vị thần bảo hộ cho văn chương và học thuật theo quan niệm dân gian Nhật Bản).
Năm ba tuổi, Ngài đã thuộc lòng tất cả các chữ trong tất cả các bài ru con và bài dân ca đã nghe. Năm bốn tuổi, khi thăm bờ biển và thấy sóng xô đi vô tận, và mây trôi dạt trên bầu trời, Ngài đột nhiên khóc - trực giác của Ngài đã bắt đầu ngộ được tánh vô thường của thế giới từ đây. Cho đến năm 13 tuổi (1699), Ngài chính thức thọ giới trở thành một tu sĩ Thiền môn. Suốt quãng đời còn lại, Ngài sống thanh sạch, giác ngộ Phật pháp và có rất nhiều đồ đệ nổi tiếng góp phần để lại rất nhiều giá trị cho Thiền tông Nhật Bản nói chung và Thiền phái Lâm Tế nói riêng.
Công án "Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?" là công án nổi tiếng nhất của Bạch Ẩn Thiền sư. Ngoài là một Thiền sư, Ngài còn là một hoạ, văn và nghệ sĩ tạc tượng xuất chúng. Các tranh mực Tàu của Bạch Ẩn Thiền sư đều là những kiệt tác của thiền họa Nhật Bản. Các mặc tích của Ngài vẫn còn lưu giữ mãi cho đến ngày nay.
Quay trở lại câu chuyện muốn kể. Như vài thông tin sơ bộ ở trên, Bạch Ẩn Thiên sư có thể xem như là một trong những đại trí giả của Nhật Bản ở thế kỷ 16, 17. Tuy nhiên, thuở sinh thời còn là một người tu đạo, Ngài đã vướng phải một thị phi cực lớn: Làm một thiếu nữ nhà lành có thai!
Câu chuyện bắt đầu khi một thiếu nữ sống trong ngôi làng gần chùa nơi Bạch Ẩn Thiền sư đang tu tập bỗng chửa hoang. Sự thật tác giả của bào thai chính là anh chàng bán cá ngoài chợ. Tuy nhiên, vì không môn đăng hộ đối, cô gái sợ khi tiết lộ danh tính bạn trai thì cha mình sẽ đánh chết chàng. Cứ thế, cô không hé nửa lời.
Ấy vậy mà sau những trận đòn của cha, cô gái chịu hết nổi nên đã buột miệng vu oan, bảo với cha rằng chính Bạch Ẩn Thiền sư là người làm cho mình có thai. Quá sốc trước lời thú nhận này, gia đình cô gái kéo nhau đến chùa và ra sức chỉ trích Bạch Ẩn Thiền sư. Họ gọi Ngài là “sư hổ mang”, “ác tăng”, “kẻ làm ô danh chốn Phật môn”, “nhà sư phá giới”,...
Tin tức từ đó lan đi làm chấn động cả một vùng quê Nhật Bản khi ấy. Chưa kể, vì quá thất vọng trước người mà mình tin tưởng sùng bái bao lâu nay, cư dân trong vùng chẳng thèm đến chùa của Bạch Ẩn Thiền sư cúng dường lạy Phật nữa.
Biết là thầy bị oan, không ít đệ tử của Bạch Ẩn Thiền sư khi ấy thắc mắc hỏi tại sao thầy không đứng ra thanh minh, giải thích cho gia đình cô gái kia hiểu là thầy không bao giờ làm chuyện xằng bậy vô đạo ô nhục như thế. Trước loạt câu hỏi của đệ tử, Bạch Ẩn Thiền sư thản nhiên đáp: “Thế à?”. Xong rồi Ngài im và tiếp tục tu tập.
Bị chỉ trích cỡ nào mắng chửi cỡ nào, Bạch Ẩn Thiền sư vẫn điềm tĩnh giữ nguyên câu trả lời “Thế à?” của mình cho tất cả. Ngài tĩnh tại như mặt hồ mùa thu và điềm nhiên sống như không có gì xảy ra. Mấy tháng sau, khi cô gái hạ sinh một bé trai, cha của cô ấy đã đem đứa trẻ đến chùa, đặt trước mặt Bạch Ẩn Thiền sư và nói: “Đây là con của ông, nghiệt chủng của ông, ông tự mà nuôi lấy”, Bạch Ẩn Thiền sư lại đáp: “Thế à?”, rồi sau đó nhận đứa trẻ.
Từ đó, ngày ngày Bạch Ẩn Thiền sư đều bồng đứa bé đi khắp vùng xin sữa bất chấp việc đi tới đâu, người ta mắng chửi Ngài tới đó. Tuy nhiên, vài người phụ nữ đang có con nhỏ vì quá tội nghiệp đứa trẻ cũng đành cho bú nhờ. Mọi chuyện cứ thế trôi đi…
Vài năm sau, cảm thấy lương tâm cắn rứt, cô gái năm nào vu oan cho Bạch Ẩn Thiền sư mới bắt đầu hối lỗi và kể hết sự thật cho cha mình. Gia đình cô vô cùng thảng thốt, liền chạy đến chùa nhận tội với Bạch Ẩn Thiền sư, họ dập đầu sám hối và xin nhận lại cháu về. Thiền sư nhìn họ một hồi rồi mỉm cười trao trả đứa trẻ và khẽ đáp: “Thế à?”.
Quả thật, qua cách hành xử của Bạch Ẩn Thiền sư, chúng ta có thể học được một bài học rằng, trong đời sống không hiếm khi chúng ta bị hàm oan bởi một tin đồn thất thiệt nào đó và thậm chí còn trở thành một “kẻ không ra gì” trong mắt nhiều người xung quanh. Tuy nhiên, nếu chúng ta ra sức thanh minh, tranh biện, giải thích thì sẽ có mấy người tin?
Lòng tin của con người ở một khía cạnh nào đó là thứ u mê, đã chọn tin thì sai cũng thành đúng, đồn đoán cũng thành thật. Cố gắng giải thích cũng không giải quyết được gì, và trong khoảnh khắc mình cố gắng giải thích thì trong tâm chúng ta cảm thấy khó chịu vô cùng, ăn không ngon, ngủ không yên, chẳng có phút giây nào cảm thấy an lành, nỗi uất ức đã lấp đầy thân thể.
Vậy nên, tốt nhất là chúng ta cứ mặc kệ mà sống, sống điềm nhiên giữa đất trời, an lành giữa vạn vật, vô nhiễm trước những biến động thị phi. Sự thật sẽ có thời gian minh giám, ông trời vốn không phụ lòng người, người tốt bị oan lại càng không. Ai gieo gió thì sẽ gặt bão, người làm ác thì sẽ gặp báo ứng, dẫu điêu ngoa gian xảo cỡ nào cũng không tài nào thoát khỏi lưới trời lồng lộng...