Một ngày tháng 4 năm 2018, Samira Ahmad hôn tạm biệt con gái nhỏ của mình và bước lên xe buýt rời ngôi nhà thân yêu ở Morocco để đến với một "miền đất hứa" là những cánh đồng dâu tây sai trĩu đỏ rực ở miền nam Tây Ban Nha. Khi đi, Samira chẳng mang theo gì nhiều nhặn ngoài ít tư trang cá nhân và đặc biệt là tấm thẻ visa Tây Ban Nha cùng tờ hợp đồng hứa hẹn cho cô một công việc với mức thu nhập 40 euro (hơn 1 triệu đồng) một ngày và chỗ ăn, ở đầy đủ. Ai cũng vậy thôi, xa là nhớ, nhưng Samira chỉ hy vọng rằng số tiền mà cô gửi về cho gia đình sẽ giúp xoa dịu đi nỗi nhớ nhà, nhớ con trong suốt 3 tháng lam lũ ở nơi đất khách quê người. Bởi số tiền lương đó thực sự lớn gấp nhiều lần số tiền Samira có thể kiếm được ở quê nhà.

1 năm sau, miền đất hứa ấy chưa đem lại cho Samira niềm vui có tiền gửi về thì đã hủy hoại cuộc sống của cô. Suốt 10 tháng qua, người phụ nữ nghèo khổ ấy đã phải sống chui nhủi, dựa dẫm vào 9 người phụ nữ Morocco khác có hoàn cảnh tương tự như cô. Họ trở thành món hàng mua đi bán lại, bị tấn công tình dục và bóc lột ngay tại trang trại dâu tây.

Bị hiếp dâm, lạm dụng tình dục - Cái giá để được đi hái dâu thuê ở Tây Ban Nha? - Ảnh 1.

Một trong số những người phụ nữ Morocco lên tiếng về việc bị tấn công tình dục khi làm việc trang trại dâu tây của Tây Ban Nha - Ảnh: Ofelia de Pablo và Javier Zurita.

Samira nói rằng sai lầm lớn nhất trong cuộc đời của cô - ngoài việc đến Tây Ban Nha - là việc tìm đến sự giúp đỡ của các nhà chức trách bởi họ phớt lờ tất cả những gì cô nói. 

Samira tâm sự: "Trước khi rời khỏi quê nhà, tôi được xem như một nữ anh hùng trong mắt mọi người. Bởi trong làng, không ai có cơ hội được làm việc ở một đất nước giàu có như Tây Ban Nha. Nhưng ai ngờ, nó trở thành quyết định tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi".

Theo số liệu tờ The Guardian có được, trong những tháng tới đây, ước tính có khoảng 20.000 phụ nữ Morocco sẽ đến Tây Ban Nha để thu hoạch dâu tây. Phụ nữ chiếm một tỷ lệ lớn lực lượng lao động theo thời vụ ở Andalucía. Họ đến làm việc theo chương trình thị thực lao động thời vụ do chính phủ Tây Ban Nha và Morocco ký kết từ năm 2001. 

Họ giúp trồng và thu hoạch sản lượng lớn khoảng 400.000 tấn dâu tây để xuất khẩu đến các siêu thị ở Anh, Pháp và Đức. Cho đến nay, Tây Ban Nha vẫn là nước xuất khẩu dâu tây lớn nhất châu Âu. Ngành công nghiệp xuất khẩu có giá trị khoảng 580 triệu euro đang bùng nổ này rất quan trọng đối với nền kinh tế Tây Ban Nha. Đến nỗi mà nó được mệnh danh là "vàng đỏ" của vương quốc này.

Bị hiếp dâm, lạm dụng tình dục - Cái giá để được đi hái dâu thuê ở Tây Ban Nha? - Ảnh 2.

Những người hái dâu trong trang trại ở Tây Ban Nha.

Trong vài năm qua, các báo cáo về lạm dụng thể chất và tình dục đối với lao động thời vụ người Morocco xuất hiện trên các phương tiện truyền thông địa phương và thậm chí là cả quốc tế. Thế mà, cả hai chính phủ, Tây Ban Nha và Morocco đều ra sức phủ nhận. Năm ngoái, Bộ Lao động Morocco, cơ quan chịu trách nhiệm tuyển dụng và cấp thị thực cho người lao động nhập cư, đã phủ nhận mọi khiếu nại chính thức đã được đưa ra.

Bà Alicia Navascues, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Mujeres, nói rằng phụ nữ Morocco đang bị người ta cố tình biến thành "con mồi" vì sự yếu đuối của họ. Bà nói: "Những người phụ nữ Morocco làm lao động thời vụ đã kể cho chúng tôi nghe về điều kiện làm việc khắc nghiệt mà họ phải chịu đựng. Họ phải cúi người hái dâu cả ngày trong nhà kính với nhiệt độ lên tới 40 độ C, chỉ được nghỉ đúng 30 phút. Còn tại Morocco, họ chỉ tìm kiếm những người phụ nữ nghèo, yếu đuối để cho đi làm công việc này. Đặc biệt, những phụ nữ nông thôn có con nhỏ, chỉ hiểu tiếng Ả Rập, không thể đọc được các hợp đồng được viết bằng tiếng Tây Ban Nha và cũng không biết đòi hỏi các quyền lời cho bản thân. Đó chẳng khác nào lừa đảo có tổ chức".

Samira cho biết thực ra trước khi rời quê nhà đi kiếm sống, cô cũng từng nghe tin đồn về số phận của những phụ nữ Morocco sang Tây Ban Nha hái dâu thuê. Nhưng cô đã bỏ ngoài tai tất cả bởi cô không thể tin rằng những thứ xấu xa, tệ bạc ấy làm sao có thể xảy ra ở một đất nước giàu có, phát triển như vậy.

Samira và 9 người phụ nữ Morocco, đến Tây Ban Nha từ năm ngoái, tâm sự với tờ The Observer rằng họ đã bị bạo lực tình dục nghiêm trọng và kéo dài ngay tại trang trại dâu tây. Họ bị buộc phải sống trong những container chật chội, bẩn thỉu. Cả trăm người phải dùng chung một nhà tắm, toilet thì hỏng. Họ phải làm việc theo ca kéo dài 12 tiếng đồng hồ mà không được trả lương, không được chu cấp thực phẩm và nước uống đầy đủ, thậm chí còn bị phạt nếu dám tự ý nghỉ đi vệ sinh hoặc giải lao.

Bị hiếp dâm, lạm dụng tình dục - Cái giá để được đi hái dâu thuê ở Tây Ban Nha? - Ảnh 3.

Samira kể: "Trang trại cách xa thị trấn nên chúng tôi hoàn toàn bị cô lập. Chúng tôi không nói được tiếng Tây Ban Nha và rất muốn gửi tiền về nhà cho con nhưng chẳng có chút quyền nào cả. Các chị đã đến đây trước nói rằng sẽ khó khăn cho những người mới đến như chúng tôi nhưng rồi ai cũng sẽ thích nghi được. Họ cũng cho biết họ cũng bị tấn công và quấy rối tình dục, người thì bị cưỡng hiếp, người thì bị ép phải quan hệ tình dục để đổi lấy thức ăn và nước uống, có người còn làm gái mại dâm phục vụ cho những gã đàn ông địa phương".

Aicha Jaber, người làm việc trong cùng một trang trại với Samira, đang mang thai khi đến Tây Ban Nha vào tháng 4 năm ngoái. Aicha kể: "Tôi thấy một quảng cáo việc làm cho phụ nữ từ 20 đến 45 tuổi, làm việc trong một vài tháng trong lĩnh vực này. Tôi đã hỏi xem liệu chồng tôi có thể đi làm không nhưng tôi được biết họ chỉ tuyển phụ nữ. Bây giờ tôi mới nhận ra là vì họ có thể bóc lột chúng tôi dễ dàng hơn".

Khi vừa mới đến trang trại, Aicha đã bị quấy rối và tấn công tình dục. Cô may mắn thoát khỏi bị hãm hiếp nhờ sự giúp đỡ của một vài chị em khác làm việc trong trang trại. 

Sau khoảng 6 tuần ở trang trại dâu tây, Aicha, Samira và 8 người phụ nữ khác quyết định đến gặp cảnh sát dân sự Guardia để báo cáo về việc họ bị lợi dụng, hãm hiếp và tấn công tình dục. Samira kể: "Chúng tôi nghĩ rằng khi đến cảnh sát, chúng tôi sẽ có được công lý, được trả lương đầy đủ và chẳng còn ai bị quấy rối nữa. Thế nhưng, thay vào đó, chúng tôi bị bỏ rơi và bỏ đói".

Thực tế, Samira và những người bạn của cô không phải là những người lao động nhập cư Morocco đầu tiên lên tiếng tố cáo về bạo lực tình dục trong các trang trại dâu tây của Tây Ban Nha. Năm ngoái, một cuộc điều tra của BuzzFeed đã "mở đường" cho một vài phụ nữ lên tiếng tố cáo và ít nhất một trường hợp bóc lột sức lao động khác được gửi đến tòa án ở Andalucía.

10 tháng sau khi tìm đến sự giúp đỡ của cảnh sát địa phương, Aicha và Samira và những người phụ nữ Morocco khác vẫn bị ngó lơ. 

Belén Luján Sáez, một luật sư người Tây Ban Nha đại diện cho nhóm của Samira, tuyên bố rằng tòa án tỉnh ở Andalucía đã không hành động, không mở cuộc điều tra đến nơi đến chốn, thậm chí còn không cho những người phụ nữ có cơ hội đến phòng xử án ở Huelva để đưa ra bằng chứng trước mặt thẩm phán vào tháng 6 năm ngoái và sau đó là để họ phải đợi chờ mòn mỏi thêm 8 tháng nữa.

Các cáo buộc hãm hiếp và tấn công tình dục cũng bị "hạ xuống" thành quấy rối tình dục với những chứng cơ mập mờ, thiếu minh bạch. 

Tòa án tại Huelva đã tranh luận về những tuyên bố này của ông Sáez. Họ đổ lỗi cho những người phụ nữ không tham dự 2 phiên tòa diễn ra hồi tháng 6 năm ngoái và tháng 2 năm nay đồng thời đổ lỗi cho luật sư của họ về sự thiếu chuyên nghiệp trong vụ kiện. Còn cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha thì nói rằng họ sẽ không phỏng vấn phụ nữ là nạn nhân buôn người ấy vì các cô đã nộp đơn lên tòa án tỉnh.

Luján Sáez, người đại diện bảo vệ cho phụ nữ thông qua công ty luật Luján và Lerma Abogados, nói: "Họ lẽ ra phải được bảo vệ và hỗ trợ với tư cách là nạn nhân của nạn buôn người ngay khi họ báo cáo việc bị lạm dụng. Họ đã bị hệ thống tư pháp của chúng ta "đối xử" bằng sự coi thường và cẩu thả".

Kể từ khi nhóm của Samira đến đồn cảnh sát địa phương để cầu xin giúp đỡ, họ đã trở thành những con người vô gia cư, nghèo khổ. Thị thực 3 tháng thì hết hạn, họ không thể làm việc. Tất cả 10 phụ nữ, bao gồm cả đứa trẻ con của Aicha, phải ngủ nhờ trên sàn căn hộ nhỏ của luật sư Saez và sống sót nhờ vào thức ăn đi ăn xin.

Điều đáng buồn nữa là, ở nơi quê nhà, chồng và cha mẹ của họ cũng đã nghe tin về những cáo buộc cưỡng hiếp, tấn công tình dục và thậm chí còn nhận được tin nhắn với nội dung rằng vợ - con của họ đang làm gái mại dâm ở Tây Ban Nha. Vậy là, người thì bị chồng ly dị, kẻ bị bố mẹ từ mặt, ở cũng không được mà về cũng không xong.

Những người phụ nữ khốn khổ ấy không thể trở về nhà và cũng không muốn rời khỏi Tây Ban Nha trước khi vụ việc được giải quyết thỏa đáng. Họ nói rằng xóa tên là cách duy nhất để được gặp lại con mình. 

Aicha lên tiếng: "Chúng tôi không thể về nhà vì chúng tôi vẫn chưa được trả tiền lương và chúng tôi phải chứng minh rằng những điều đã nói với cảnh sát hoàn toàn là sự thật. Kể từ khi chúng tôi đến đồn cảnh sát, cuộc sống của chúng tôi thật khủng khiếp. Con tôi chưa từng được gặp bố nó một lần. Đôi khi tôi nghĩ rằng thà cứ cam chịu bị lạm dụng, có khi giờ tôi đã được trở về với gia đình".

Đến nay, phía tòa án nói vẫn nói rằng trường hợp của nhóm Samira và Aicha vẫn đang được xem xét. Tuần trước chính phủ Tây Ban Nha đã cấp cho họ thị thực làm việc tạm thời với lý do nhân đạo, điều này sẽ giúp họ tìm việc làm tạm thời. Tuy nhiên, luật sự Saez cho biết cô vẫn bị cản trở trong các nỗ lực khiến chính phủ có hành động nhanh chóng giải quyết vụ việc. Luật sư Saez nói rằng những người phụ nữ ấy được cấp giấy phép vì lý do nhân đạo chứ không phải vì họ đang bị coi là nạn nhân của nạn buôn người và hiếp dâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vụ này thông qua các tòa án, kể cả việc phải đến tận tòa án châu Âu. 

Samira và Aicha đang dần mất hy vọng đòi được công lý ở nơi mà người ta tưởng là phát triển và đầy văn minh ấy. 

Sau cùng, Samira khuyên những người phụ nữ Morocco rằng: "Tôi muốn nhắn nhủ với những người phụ nữ đang có ý định đến Tây Ban Nha là 'xin đừng đi'. Nếu những điều tồi tệ xảy ra, sẽ không có ai giúp bạn đâu. Hãy quay lại và trở về nhà với gia đình của mình"...

(Nguồn: The Guardian)