Tôi sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khá đặc biệt, bố mất sớm, mẹ làm công nhân. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng mẹ tôi vẫn quyết tâm ở vậy nuôi tôi và em gái khôn lớn, trưởng thành. Thương mẹ vất vả nên chị em tôi chỉ biết cố gắng học hành chăm chỉ để có một công việc tử tế, kiếm được nhiều tiền, bù đắp cho những vất vả và thiệt thòi của mẹ.
Chưa kể, việc gia đình tôi nghèo khó cũng khiến gia đình bên nội coi thường, thậm chí ghét bỏ. Cả họ nội đều có điều kiện nhưng chưa bao giờ giúp đỡ mẹ con tôi dù chỉ là một chút ít, ngay cả sự giúp đỡ về mặt tinh thần cũng hoàn toàn không có. Chính vì điều đó mà tôi càng quyết tâm phải thay đổi cuộc đời mình, để không ai có thể coi thường mình nữa.
Chuyện tôi lấy chồng khá giả khiến nhiều họ hàng cảm thấy đố kỵ. (Ảnh minh họa)
Nhờ sự chăm chỉ học tập, tôi tốt nghiệp thủ khoa một ngôi trường có tiếng và nhanh chóng có được một công việc với thu nhập khá cao. Không phải tự phụ nhưng tôi khá may mắn được thừa hưởng nhiều nét đẹp của bố mẹ nên trông khá xinh xắn, dễ nhìn. Thú thực, đã có rất nhiều người đàn ông có điều kiện theo đuổi tôi, doanh nhân có, kỹ sư, bác sĩ… đều có cả nhưng cuối cùng, tôi chọn ở bên cạnh một người đàn ông chân thành nhất. Thời điểm tôi nhận lời yêu anh, tôi cũng không biết là gia đình anh có điều kiện. Đến tận khi về ra mắt, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra sự chênh lệch gia cảnh của tôi và anh.
Bố mẹ anh làm kinh doanh nhiều năm, gia đình thuộc hàng khá giả, có nhà, có đất, có xe. Tuy vậy, bố mẹ anh rất mến tôi, khoảng cách giàu nghèo cũng sớm được xóa bỏ, chúng tôi làm đám cưới sau khi hẹn hò được gần 2 năm.
Tuy nhiên, việc tôi lấy chồng Hà Nội, lại là một gia đình khá giả khiến chính những người họ hàng của tôi cảm thấy khó chịu. Tôi đã nghe được phong phanh một vài câu nói từ những người chị họ của mình rằng: "Con bé Nga trông thế mà cũng ghê gớm nhỉ. Biết ngay thể nào nó cũng tìm một anh ở Hà Nội để cưới mà, lại còn nhà giàu nữa chứ. Dân tỉnh lẻ mà không lấy chồng Hà Nội thì bao giờ mới có được cái nhà mà ở" hay "Chả biết yêu người hay yêu của".
Biết vậy, tôi vẫn không có ý đôi co với những điều không đáng. Mẹ cũng dạy tôi, cuộc sống này, một điều nhịn, chín điều lành, cái gì cho qua được thì hãy cho qua. Thế nhưng, mình nhường nhịn, thì họ càng lấn tới.
Hôm đó là ngày giỗ của ông nội tôi, chồng tôi đánh xe đưa cả nhà tôi về quê ăn giỗ. Điều này có vẻ làm họ hàng nhà tôi không vừa mắt cho lắm. Bằng chứng là khi vợ chồng tôi chào mọi người thì chẳng ai thưa, hoặc có thì cũng gật đầu cười nhạt nhẽo vô cùng.
Không nín nhịn nữa, tôi quyết phải đáp trả để không phải nghe thêm những lời tổn thương. (Ảnh minh họa)
Xong bữa cơm, mọi người ngồi uống nước nói chuyện, một người chị họ của tôi mượn con gái chị để mỉa mai tôi: "Tép bảo dì Nga dạy cho mấy chiêu để sau này lừa được anh chồng giàu có cho mẹ được nhờ nhỉ! Dì Nga giỏi quá", mấy người chị em khác cũng hùa vào: "Đúng đấy".
Không còn muốn những chuyện tương tự xảy ra thêm một lần nào nữa, tôi cũng cảm thấy rằng, nếu mình không nói, họ sẽ tưởng mình hiền mà tiếp tục làm tổn thương mình. Rất nhẹ nhàng, tôi đáp lại: "Việc gì mà phải lừa hả con, cứ ngoan ngoãn, xinh xắn, có công ăn việc làm ổn định, sống tốt bụng, lương thiện thì muốn lấy chồng như thế nào mà chẳng được. Cư xử như công chúa thì ắt sẽ gặp hoàng tử thôi mà".
Tôi nói dứt câu, không khí trở nên im ắng hẳn, mọi người tự nhìn nhau ái ngại rồi lảng sang câu chuyện khác. Từ đó trở đi, tôi không còn nghe thấy bất cứ một câu nói bóng gió, mỉa mai nào khác từ những người họ hàng về chuyện hôn nhân của mình.