Đó là chia sẻ của chị Mộng Ngọc (33 tuổi, ngụ TP.HCM). Ôm con trai 1.4kg nằm ngủ ngon lành trong phòng Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện (BV) Quốc tế Hạnh Phúc, người mẹ mỉm cười. Quyết định giữ lại đứa con trong bụng dù trước đó đã có chỉ định ngừng thai kỳ của sản phụ cuối cùng đã thu được thành quả ngọt ngào.

Bị khuyên bỏ thai gấp vì nhiễm trùng nước ối, mẹ “trốn viện” đi tìm đường cứu đứa con trong bụng - Ảnh 1.

Hai mẹ con chị Mộng Ngọc.

Mộng Ngọc kể, 3 năm trước hai vợ chồng chị có con gái đầu lòng. Nhưng đến khi muốn sinh đứa tiếp theo lại gặp khá nhiều khó khăn. Ngày mang bầu con trai, cả hai vô cùng vui mừng, nghĩ rằng hạnh phúc gia đình đã đủ đầy viên mãn. Tuy nhiên khi thai được hơn 23 tuần tuổi, khó khăn bắt đầu xuất hiện khi chị bị xuất huyết.

"Lúc mới nhập viện bác sĩ bảo rằng tình trạng của em bình thường, chỉ cần nằm 1 ngày là xuất viện thôi. Nhưng đến 3 ngày sau, bác sĩ bất ngờ thông báo mình bị rỉ ối, bạch cầu trong máu cao, khả năng nước ối đã nhiễm trùng, cần chấm dứt thai kỳ gấp để bảo đảm an toàn" – bà mẹ hai con kể.

Bị khuyên bỏ thai gấp vì nhiễm trùng nước ối, mẹ “trốn viện” đi tìm đường cứu đứa con trong bụng - Ảnh 2.

Giữa lúc đang suy sụp vì sắp mất con, chị Ngọc được giới thiệu đến bác sĩ Lê Văn Đức.

Tin dữ dội về như sét đánh ngang tai, chị Ngọc suy sụp tinh thần. Khó khăn lắm chị mới có thai lại, hơn nửa chặng đường đã qua, lý nào giờ lại bỏ con oan uổng như vậy.

Biết chuyện này, một người bạn từng lâm vào hoàn cảnh này khuyên vợ chồng chị Ngọc nên cầu cứu bác sĩ Lê Văn Đức, cố vấn cao cấp Sản – phụ khoa ở BV Hạnh Phúc. Trước đây, bạn cô cũng mang thai 32 tuần cũng bị khuyên bỏ vì thai bất thường. Đến nay, con họ đã 16 tháng tuổi và khỏe mạnh hoàn toàn nhờ sự can thiệp của BS Đức.

Bị khuyên bỏ thai gấp vì nhiễm trùng nước ối, mẹ “trốn viện” đi tìm đường cứu đứa con trong bụng - Ảnh 3.

Bác sĩ Đức là người đã động viên và nói với chị Ngọc việc có thể giữ lại đứa con trong bụng.

"Lúc gặp bác sĩ Đức bạch cầu trong máu của em vẫn còn rất cao, nước ối gần như đã cạn. Vợ chồng em rất hoang mang, bởi mình đã đi BV tuyến cuối rồi, họ nói bỏ thì làm sao còn hi vọng. Nhưng bác sĩ động viên, làm lại các xét nghiệm và nói rằng mức nhiễm trùng của em vẫn kiểm soát được, vẫn còn khả năng giữ được đứa bé. Lúc đó em chỉ nghĩ làm sao để cứu được con, mặc kệ nguy hiểm thế nào nên quyết định tự "trốn viện" để theo BS Đức điều trị" – Mộng Ngọc nhớ lại.

Bị khuyên bỏ thai gấp vì nhiễm trùng nước ối, mẹ “trốn viện” đi tìm đường cứu đứa con trong bụng - Ảnh 4.

Hai vợ chồng chị Ngọc kể lại quá trình cam go để con có thể chào đời.

Những ngày sau đó, chị Ngọc được dùng thuốc chống nhiễm trùng và theo dõi kỹ càng. Đến khi thai cầm cự được 28 tuần, cơ hội giữ đứa trẻ đã khá cao, cuộc phẫu thuật bắt con được tiến hành. Đứa bé sinh ra nặng 1.085 gram được chuyển thẳng lên khoa Hồi sức sơ sinh.

Bị khuyên bỏ thai gấp vì nhiễm trùng nước ối, mẹ “trốn viện” đi tìm đường cứu đứa con trong bụng - Ảnh 5.

Bác sĩ Cam Ngọc Phượng cho biết, từ lúc chào đời đến nay bé không cần dùng kháng sinh.

Bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, BV Hạnh Phúc chia sẻ, đối với thai kỳ có nguy cơ như trường hợp của chị Ngọc, sự phối hợp rất quan trọng. Bác sĩ cần thông báo kỹ càng việc bé sinh non giúp bà mẹ có sự chuẩn bị, làm đúng các động tác ngay tại phòng sinh để việc điều trị sau đó dễ dàng hơn. Với bé cân nặng chỉ 1.000 gram, ngay cả việc để bé không bị lạnh trên đường đi cũng là một thử thách.

Bị khuyên bỏ thai gấp vì nhiễm trùng nước ối, mẹ “trốn viện” đi tìm đường cứu đứa con trong bụng - Ảnh 6.

Chị Ngọc tiến hành da kề da cho con trai bé bỏng.

Các bác sĩ tiến hành đặt Catheter trung ương vào tim cho con chị Ngọc. Nhờ điều trị ngay từ giai đoạn nằm trong bụng mẹ hiệu quả, từ lúc ra đời đến nay bệnh nhi không dùng kháng sinh, cũng không nhiễm trùng BV.

Hiện bé tăng cân tốt (1.4kg), đã rút Catheter, ngưng hoàn toàn oxy, không bị tím, thở và bú tốt. Dự kiến bệnh nhi sẽ được xuất viện trong hai tuần nữa.

Bị khuyên bỏ thai gấp vì nhiễm trùng nước ối, mẹ “trốn viện” đi tìm đường cứu đứa con trong bụng - Ảnh 7.

Hạnh phúc cuối cùng cũng đến với gia đình nhỏ này.

Theo các bác sĩ, để cứu sống con trai chị Ngọc là thành quả của sự tính toán chiến thuật kỹ lưỡng và sự phối hợp rất tốt của hai bên sản – nhi trong việc xử lý thai kỳ nguy cơ cao. Ekip điều trị đã sử dụng phương tiện siêu âm, Doppler để đánh giá và kiểm soát tình trạng em bé mỗi ngày. Ngay khi đứa trẻ được sinh ra, vấn đề hỗ trợ hô hấp và đảm bảo vô trùng cũng tạo áp lực rất lớn cho đội ngũ bác sĩ sơ sinh.

Nhờ sự tiến bộ của y học, ngày nay nhiều trường hợp thai nhi chỉ 25-26 tuần tuổi có thể được cứu sống. Tuy vậy, trẻ sinh non cần có phác đồ tái khám định kỳ để tầm soát bệnh tật lâu dài.