Chấn thương cũng như tai nạn là những rủi ro mà các vận động viên (VĐV) phải đối mặt, dù là môn thể thao nào đi chăng nữa. Nhưng các VĐV chạy việt dã (marathon), họ có một tai nạn hết sức đặc thù, liên quan đến một trong những nhu cầu căn bản nhất của đời người - đó là đi cầu.

Để hiểu hơn về câu chuyện này, hãy đến với Olympic Rio 2016, nơi môn thi marathon cự ly 50km đã sản sinh ra một người anh hùng: Yohann Diniz - VĐV người Pháp. Giữa cuộc đua, Diniz đang dẫn đầu thì đột nhiên bị tiêu chảy, khiến chất thải "đùn" hết ra ngoài quần. Nhưng bằng nghị lực phi thường, anh vẫn cố gắng hoàn thành phần thi ở vị trí thứ 8, bất chấp việc nhiều lần bất tỉnh giữa đường vì đường tiêu hóa biểu tình.

Yohann Diniz và vụ tai nạn để đời

Trước đó nữa là trường hợp của nữ VĐV Paula Radcliffe tại giải London Marathon năm 2005. Radcliffe vì quá đau bụng mà buộc phải dừng lại giữa đường để giải quyết, trong khi camera vẫn đang ghi hình trọn vẹn.

Bi kịch của rất nhiều vận động viên marathon: Đang chạy thì... đùn ra quần, nhưng tại sao? - Ảnh 2.

Paula Radcliffe

Hay Julie Moss - nhà nghiên cứu tham gia giải 3 môn phối hợp Hawaii Ironman Triathlon để phục vụ đề án của mình. Nhưng thật không may, ruột của cô đột nhiên gặp rắc rối, và nó tạo ra một khung cảnh hết sức đáng sợ ngay giữa cuộc đua. Nếu chưa tưởng tượng được thì bạn có thể nghe lời mô tả của Moss ngay sau khi kết thúc vòng đấu là "một đống chocolate nhầy nhụa khổng lồ".

Nhưng tại sao VĐV marathon phải chịu rủi ro... đùn ra quần?

Đầu tiên, cần biết rằng tiêu chảy là một rủi ro có thật với các vận động viên môn chạy. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí National Library of Medicine vào năm 1992 đã khảo sát 109 VĐV chạy việt dã về tình trạng ruột của họ khi đang thi đấu. Trong đó, 62% thừa nhận rằng họ buộc phải ngưng chạy để giải quyết trong lúc tập luyện, 43% bị tiêu chảy do căng thẳng ngay trước cuộc đua, 51% cho biết họ "Tào Tháo đuổi" trong lúc đang thi đấu, và 12% thậm chí thừa nhận họ không thể kìm được và khiến những thứ bên trong "són" hết ra ngoài khi đang chạy.

Đa số những câu chuyện như vậy thường đi kèm những cơn đau bất thường và chảy máu trực tràng. Nghiên cứu trên chỉ ra rằng "hiện tượng tiêu chảy khi chạy không liên quan đến tuổi tác, nhiễm trùng hay ngộ độc, dị ứng thực phẩm".

Một nghiên cứu khác còn cho thấy 90% các VĐV chạy bền có các triệu chứng tiêu chảy khi đang chạy. Và có một vài nguyên nhân đứng sau chuyện này.

"Trong quá trình tập luyện, việc gia tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm đã khiến lưu lượng máu bị phân phối lại từ nội tạng đến cơ bắp," - một nhà nghiên cứu cho hay. "Việc lưu lượng máu giảm đột ngột (tại các cơ quan tiêu hóa) có thể gây hiện tượng thiếu máu cục bộ cho đường tiêu hóa (viết tắt là GI - một tình trạng gây tiêu chảy hoặc đau bụng bất thường".

Hơn thế nữa khi chạy bộ, cơ thể người rất khó kiểm soát được cơ vòng hậu môn, vì họ bận xử lý các nhóm cơ khác.

"Khi đang vận động vất vả, thật khó để giữ cho nhóm cơ vòng ấy đóng lại khi đang bận xử lý các nhóm cơ khác xung quanh chân và xương chậu" - trích lời bác sĩ phẫu thuật ruột kết và trực tràng Michael Dobson tại North Carolina. "Bạn không thể kiểm soát một bó cơ khi đang bận dùng nhóm cơ khác".

Việc ruột phải liên tục nhảy nhót khi bạn đang chạy, đồng nghĩa với việc thức ăn cũng sẽ như vậy. Nó sẽ tạo ra một áp lực khá lớn, và góp phần gây ra "thảm kịch" nói trên.

Nguồn: IFl Science