Cuộc sống sẽ thực sự tuyệt vời khi yêu và lấy được người mình yêu. Nhưng không phải tình yêu nào cũng đều được đáp lại. Sẽ thật bình thường nếu chúng ta chấp nhận nó và chờ đợi một người khác thực sự thuộc về mình. Nhưng có nhiều người bất chấp tất cả, quyết có được người mình yêu bằng mọi giá cho dù phải dùng đến những thủ đoạn xấu xa. Cái mà họ hi vọng có được là hạnh phúc bên người mình yêu nhưng sự thật đó chỉ là những ảo ảnh của hạnh phúc vì nó không được hình thành bởi tình yêu từ hai phía.
Đưa vào tròng để trói buộc
Tận mắt nhìn thấy chồng đưa nhân tình vào khách sạn, chị Thơm (Định Công- Hà Nội) cảm thấy vô cùng đau khổ. Nhưng cay đắng hơn nữa, khi chị tra khảo, anh Thái – chồng chị còn “khẳng khái, khí thế” thừa nhận như một sự khiêu khích, thách thức chứ tuyệt nhiên không hề tỏ ra hối lỗi hay lo sợ. Tới lúc đó chị Thơm mới chịu thừa nhận rằng, hôn nhân không có tình yêu mà dùng thủ đoạn để bắt ép sẽ mãi mãi không bao giờ mang lại hạnh phúc.
Về nhà chồng, chị Thơm phải hứng chịu sự coi thường, khinh rẻ từ các thành viên nhà chồng. Nhưng chua xót hơn, thái độ vô cảm, coi như chị không tồn tại của anh Thái mới là nỗi đau lớn nhất mà chị Thơm phải hứng chịu. Khi đứa con chào đời, chị nghĩ đó sẽ là sợi dây gắn kết để mọi người gần gũi với chị hơn. Nhưng thực tế oan nghiệt hơn chị tưởng: “Mọi người và nhất là chồng chỉ biết đến cu Nam thôi. Mình như một người thừa, một kẻ không đáng được bận tâm trong gia đình đó. Càng sống lâu mình càng hiểu đó là cái giá mình phải trả cho sự tính toán sai lầm đó của mình”.
“Phong tỏa” ảo ảnh hạnh phúc
Cũng sử dụng chiêu thức thấp hèn để có được người mình yêu nhưng giờ đây chính anh Khánh là người phải hứng chịu sự đau đớn, ê chề do vợ anh mang lại. Theo những lời mà anh Khánh tâm sự: Anh và chị Oanh từng yêu nhau, từng có quan hệ mặn nồng nhưng sau một thời gian dài không hòa hợp, chị Oanh đã đề nghị chia tay. Không chịu chấp nhận sự thật đó, để níu giữ chị Oanh, anh Khánh không ngần ngại “loan báo” việc “ái ân mặn nồng” của anh chị cho tất cả những người thân quen của chị Oanh biết. Quá tủi hổ trước việc tế nhị bị phơi bày, không còn cách nào khác chị Oanh đành chấp nhận làm vợ anh Khánh trong nỗi oán hận dâng đầy mà không hề có chút tình cảm yêu thương nào nữa.
Hạnh phúc vụt tan như bong bóng xà phòng
Trở lại với câu chuyện của chị Thơm. Mặc dù muốn tha thứ cho chồng để níu giữ tổ ấm nhưng lần này chị Thơm hiểu cái mà chỉ đang cố gắng giữ chỉ là một hạnh phúc không có thật. Khi anh Thái không có tình cảm với chị thì tha thứ cho việc ngoại tình của chồng chỉ là sự ràng buộc làm khổ hai bên mà thôi. Chị Thơm dũng cảm, chủ động đưa đơn ly hôn để giải thoát cho hai bên: “Ngày trước mình đã quá sai lầm khi bằng mọi giá buộc anh ấy cưới mình. Mình đã không chịu hiểu sẽ không thể nào có được hạnh phúc nếu không xuất phát bởi tình yêu tự nguyện từ hai phía. Giờ đây mình nên giải thoát cho anh ấy và cho chính mình để cả hai đi tìm hạnh phúc đích”.
Còn anh Khánh, vợ anh bỏ nhà theo nhân tình sau khi để lại tờ đơn ly hôn và một lá thư toàn những lời lẽ trách móc, oán hận vì anh đã buộc chị phải bước vào cuộc hôn nhân địa ngục khi tình yêu không còn. Anh Khánh không trách vợ vì anh hiểu đó là hậu quả tất yếu sau một thời gian dài chị Oanh phải sống chung với một người mình không yêu. Trước sự chê cười của người đời vì là một người chồng bị cắm sừng, là một người bị vợ bỏ, anh Khánh cố gắng đứng dậy và chờ đợi một người thực sự thuộc về mình.
Một cuộc hôn nhân không có tình yêu sẽ chỉ là địa ngục giam hãm hai con người. Ở đó, ngay cả người đã đạt được ước muốn níu giữ người kia cũng sẽ gặp bất hạnh, một bất hạnh được báo trước. Theo các nhà tâm lý, khi tình yêu không đến một cách tự nguyện từ hai phía, việc nên làm là tôn trọng và để nó ra đi một cách nhẹ nhàng nhất, đừng mù quáng níu giữ, ràng buộc người kia bằng mọi giá. Hạnh phúc sẽ đến khi giữa hai người thực sự có tình yêu.