Đó là kinh nghiệm chi tiêu của chị Nguyễn Thị Yến, 32 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội.
Theo chị Yến cho biết nhờ có kinh nghiệm mua sắm thực phẩm này mà Tết năm nào của nhà chị cũng đề huề món ăn ngon lạ miệng lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lấy chồng đã chục năm nay, vợ chồng chị Yến có 2 con trai nhỏ.
Chị Yến làm nghề cắt may công nghiệp, còn chồng chị lái tàu sông. Hiện vợ chồng chị sống cùng bố mẹ chồng.
Mỗi tháng, thu nhập của vợ chồng chị tổng cộng khoảng 25 triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy, chị Yến cũng đủ trang trải cho gia đình và để dành 1 khoản nhỏ để tích lũy.
Vào mỗi dịp Tết, bà nội trợ trẻ này luôn để dành khoảng 5 triệu tiền mua sắm thực phẩm tươi sống cho gia đình mình. Tuy để dành số tiền ít ỏi như vậy nhưng nhờ kinh nghiệm mua sắm thực phẩm cũng như bàn tay làm lụng khéo léo mà gia đình chị Tết đến luôn có nhiều món ăn ngon đảm bảo chất lượng cho các thành viên.
"Tết đến, nhu cầu thực phẩm luôn tăng cao. Vì thế các chị em nội trợ cần tỉnh táo và lên kế hoạch kỹ càng nhằm đảm bảo thực phẩm mua sắm tươi ngon, chất lượng nhất và vệ sinh an toàn cho các thành viên", chị Yến chia sẻ.
Theo người phụ nữ này cho biết, Tết năm nào chị cũng dành khoảng 5 triệu tiền mua sắm thực phẩm tươi sống:
- Tiền mua thịt bò: 2 triệu đồng
Năm nào, ngoài gà ta nhà đã có sẵn không phải mua, chị Yến lại chi 1 khoản tiền mua thịt bò nhiều nhất. Bởi chị thường hay chế biến thịt bò xào ăn nóng ngày Tết, giò bò cho vừa nhanh lại không ngấy ngán.
Ngoài ra, chị Yến hay làm món thịt bò bắp ngâm mắm để ăn nhâm nhi mấy ngày Tết. Ông xã hoặc khách của ông xã đến nhà cũng thích lai rai món này.
- Tiền mua thịt lợn: 1,5 triệu đồng
Tết đến, chị cũng thường mua thịt heo hết khoảng 1,5 triệu đồng. Với lượng thịt heo nhiều như vậy, một phần chị để gói bánh chưng, một phần chị Yến dùng để làm món giò thủ tuyệt chiêu, bảo đảm ăn vào mê mẩn.
"Năm nào nhà mình cũng làm món giò thủ, bánh chưng tự gói này. Món này làm hơi mất công chút nhưng được cái ăn đảm bảo vệ sinh/ngon và mua ở hàng không thể so sánh được", chị Yến khẳng định.
Ngoài ra ngày Tết nhà chị Yến còn có các món truyền thống như thịt kho tàu, thịt ram mặn, tai heo ngâm dấm, nem rán.... Mấy ngày Tết cứ ăn những món này thay đổi là ngon tuyệt.
- Tiền mua trái cây: 500 ngàn đồng
Là một người vợ, chị Yến thường rất chăm chỉ ngâm rượu trái cây các loại cho anh xã uống và có thể đãi bạn bè. Thường thì rượu nếp năm nào nhà chị cũng có. Nhưng chị còn làm thêm rượu nho, táo, hồng, dâu… Uống các loại rượu hoa quả ngày Tết vừa giúp thanh nhiệt giải độc, kích thích tiêu hóa, chống mệt mỏi và có màu sắc đẹp, bắt mắt.
- Tiền mua gia vị, củ kiệu, dưa: 200 ngàn đồng
Tết đến, bà nội trợ này cũng để dành tiền mua gia vị trong nhà như muối, hạt tiêu. Ngoài ra, chị cũng mua kiệu, cải về nhà để tự làm kiệu và muối dưa chua ăn Tết.
"Củ kiệu hay dưa muối mua bên ngoài cũng nhiều nhưng không đảm bảo. Mình toàn tự làm vừa thơm ngon, lại là món ăn chống ngấy ngán ngày Tết", bà nội trợ này nói.
- Tiền mua măng, nấm, mọc nhĩ, đa nem: 400 ngàn đồng
Ngày Tết không thể thiếu bát canh măng nứa khô hoặc đĩa đa nem rán giòn. Vì thế trước Tết chị Yến mua 1kg măng nứa khô cũng như ít mộc nhĩ, nấm hương để làm đa nem.
- Tiền mua dừa, me là mứt Tết: 400 ngàn đồng
Là người vợ khéo léo, Tết đến chị Yến cũng hay mua dừa tươi và quả me để tự làm mứt Tết cho 2 con trai nhỏ ăn và đãi khách.
Thông thường Tết đến nhà chị Yến chỉ mua sắm tiền thực phẩm hết chừng đó. Ngoài ra, bố mẹ chị có sẵn gà và các loại rau trong vườn nhà như rau cải, rau muốn, bắp cải. Vì thế riêng 2 khoản này chị cũng tiết kiệm được 1 số tiền kha khá.