Bí kíp "trị" trẻ vòi vĩnh - Ảnh 1.

Không phải mọi đòi hỏi của bé là xấu. Ảnh minh họa

“Vũ khí” của trẻ

Việc từ chối để trẻ hiểu và dừng làm một hành động hoặc không đòi mua một món đồ chơi là một việc khó khăn với nhiều cha mẹ. Tại sao trẻ lại vòi vĩnh?

Việc vòi vĩnh ở trẻ là dạng tâm lý do học được, không phải là tâm lý phát triển tự nhiên. Khi quá dễ dàng được nhận thì trẻ học được cách đòi để được nhận, hơn là hiểu vì sao trẻ được nhận. Thông thường, trẻ chỉ vòi vĩnh với những ai đã từng hoặc đang “nuông chiều” chúng.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Trường Mẫu giáo số 9 (Hà Nội) cho biết, trẻ từ 3 đến 8 tuổi đều biết cách sử dụng các “vũ khí” như khóc, gào to. Đa số trẻ đều biết cha mẹ thường sợ “chiêu” này của chúng. Một khi bé gào to, bố mẹ không những đáp ứng nhu cầu vô điều kiện mà còn hơn thế cho xong chuyện.

Lớn hơn, trẻ có thể năn nỉ, khẩn khoản bằng chiêu “đáng thương”. Khi đó cha mẹ rất khó bỏ qua sự đáng yêu của chúng mà dễ dàng thoả hiệp.

Ngược lại, nhiều trẻ tỏ thái độ không hợp tác. Khi đòi hỏi không được đáp ứng, bé tỏ thái độ giận dỗi, bĩu môi, không nói, vứt đồ, bỏ ăn uống. Và thời gian trẻ giận dỗi thường tương đối dài. Vì trẻ đã nắm được bí quyết “chiến tranh” tâm lý này nên cha mẹ nào không nhẫn nại thì chỉ có nước giơ tay đầu hàng.

Cô Hằng cho rằng, bố mẹ cần có trạng thái tâm lý tốt và kiên định. Không nên nghĩ nếu mình cự tuyệt sẽ gây tổn thương cho trẻ. Ngược lại, đây là cơ hội để cha mẹ giảng giải, bồi dưỡng cho con sự kiên nhẫn, biết cảm thông với hoàn cảnh của gia đình. Khi đối mặt với những nhu cầu không hợp lý của trẻ, bạn phải nói không một cách kiên quyết và không được mềm lòng.

“Người lớn phải luôn thống nhất quan điểm, không nên lúc này thì ngăn cấm, sau lại chấp thuận. Nếu làm vậy, trẻ sẽ cho rằng, bố mẹ thật dễ thay đổi và chúng ngày càng đòi hỏi vô lý. Sự vòi vĩnh sẽ theo cấp bậc ngày càng cao và khi bố mẹ không thể thoả mãn nhu cầu, trẻ sẽ nảy sinh tâm lý quá khích, cực đoan, dẫn đến hậu quả khó lường”, cô Hằng nhấn mạnh.

Giúp trẻ hiểu về sự cho phép

Chuyên gia tại Tổng đài Chăm sóc sức khoẻ và bảo vệ trẻ em gợi ý những cách để từ chối những vòi vĩnh ở trẻ.

Hãy cân bằng giữa từ chối và cho phép. Đừng luôn từ chối tất cả yêu cầu của trẻ, mà hãy lắng nghe và cho phép trẻ nếu điều đó thực sự trẻ có thể làm hoặc bạn có thể kiểm soát. Nhiều cha mẹ thường mắc sai lầm vô ý hay cố ý luôn luôn từ chối không cho phép trẻ làm bất cứ điều gì.

Trẻ sẽ nhận ra rằng, cha mẹ luôn từ chối mọi thứ, chỉ khi phản kháng mới thực sự giải phóng. Nếu bạn giải thích vì sao từ chối hoặc đồng ý đòi hỏi của trẻ nhưng dưới 1 điều kiện nào đó chắc chắn trẻ sẽ luôn tôn trọng sự từ chối của bạn.

Sau đó, trẻ sẽ đưa ra những đòi hỏi sau khi trẻ đã suy nghĩ kỹ. Làm tốt điều này, cha mẹ cũng đã dạy trẻ một phần bài học “Tại sao cần được cho phép”, trẻ sẽ học cách suy nghĩ điều gì cần được cho phép khi đòi hỏi.

Tìm cách nói từ chối bằng 1 lời đề nghị hay lời giải thích ngắn gọn. Đây được cho là cách hiệu quả hơn là chỉ nói “Không được”. Cha mẹ cần cung cấp thông tin truyền đến trẻ một cách rõ ràng và có lí do tại sao mà mẹ từ chối. Hãy cho trẻ thông tin, hơn là những lời từ chối suông. Làm tốt điều này sẽ giúp trẻ hiểu bài học “làm sao để được cho phép”.

Nếu bé đủ tuổi để hiểu biết, người lớn nên gợi nhớ lại việc trẻ từng đòi mua siêu nhân nhưng không được cha mẹ đáp ứng. Lần này, yêu cầu của con cũng rơi vào trường hợp như vậy.

Hãy dừng các hành động mắng chửi hoặc đe dọa. Thực tế, điều này không mang một thông điệp nào giúp trẻ ngừng vòi vĩnh. Thậm chí, nó còn là 1 “ngòi nổ” giúp trẻ nhận ra cần làm dữ hơn, càng quyết tâm hơn để có được điều trẻ mong muốn.

Đừng quá dễ dãi cho trẻ quá nhiều. Có trường hợp, bất luận bố mẹ dỗ thế nào, cậu bé cũng không chịu đi, kiên quyết đòi bằng được. Cuối cùng, bà mẹ đành phải mua robot cho con. Trên đường về nhà, vẻ mặt của cậu bé lộ vẻ hân hoan vui sướng và những lần sau tiếp tục tái diễn thói quen vòi vĩnh cho bằng được.

Bài học cần thiết mà mọi đứa trẻ ngày nay cần học không phải là “chỉ nhận”, mà chính là sự hiểu “tại sao được nhận”. Khi hiểu bài học này, trẻ sẽ học được bài học quan trọng thứ 2 là “cho đi như thế nào?”. Nếu “chỉ nhận” thì trẻ rất khó để học bài học thứ 2.

Tâm thái của cha mẹ khi trẻ vòi vĩnh cũng quyết định sự thành công. Cha mẹ được khuyên là giữ đúng quyết định của mình đến phút cuối cùng. Việc bạn đồng ý cho trẻ mua món đồ ngay từ đầu vẫn tốt hơn là sau 1 thời gian giằng co và la mắng, cuối cùng bạn vẫn chấp nhận mua món đồ đó.

Vì thế, chính cha mẹ luôn đánh giá cần hay không cần để đưa ra quyết định cho phép hoặc từ chối và giữ đúng quyết định này. Người lớn sẽ truyền sự cương quyết cho trẻ và trẻ sẽ sớm nhận ra rằng, vòi vĩnh không phải là cách hữu hiệu để đạt được điều mình muốn.

Trao quyền cho trẻ. Người lớn có thể thương thuyết với con trong khả năng có thể. Chẳng hạn, bé sẽ được mua đồ chơi mới nếu như bé đi ngủ đúng giờ… Không phải mọi đòi hỏi của bé là xấu, quan trọng là bạn biết rõ giới hạn giữa cái đáp ứng được và cái không thể đáp ứng được với bé.

Nếu trẻ khóc đòi, thay vì dỗ dành, bạn thử phớt lờ. Khi phát tín hiệu mà không nhận được sự quan tâm từ cha mẹ, các bé sẽ chán và biết cách chấm dứt tình trạng đòi hỏi trong hòa bình.