Trong suốt cuộc đời đi làm của mình, chắc hẳn chị em có cơ hội làm việc cùng những người sếp, những người lãnh đạo khác nhau. Sẽ thật may mắn cho những ai gặp được sếp "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu" để rồi thông cảm và đưa ra những định hướng đúng đắn cho cấp dưới trong công việc. Nhưng cũng có không ít chị em phải đối mặt với những kiểu sếp khó ưa, đáng ghét, luôn khiến cấp dưới phiền lòng và cảm thấy không an toàn.

"Bí kíp vàng" cho các nàng công sở, gặp 4 dạng sếp "khó ở" cỡ này cũng dễ dàng đối phó - Ảnh 1.

Trong trường hợp này, có rất nhiều giải pháp để có thể giải quyết vấn đề. Chị em có thể sử dụng một lý do nào đó thật sự thỏa đáng để ngay lập tức nộp đơn nghỉ việc mà chẳng ai có thể chê trách. Nhưng đặt trường hợp, môi trường công ty nhìn chung vẫn rất tốt và đồng nghiệp trong nhóm đoàn kết, hỗ trợ nhau hết mình khiến chị em chẳng thể rời đi thì đâu sẽ làm giải pháp? Hãy cùng điểm mặt 4 kiểu sếp khó ưa cùng cách thức để chị em có thể đối phó tương ứng.

1. Kiểu sếp tự phụ

Đặc điểm chung của kiểu sếp tự phụ chính là thích được nghe những lời khen tặng cũng như tâng bốc. Họ thích đứng ra nhận lấy thành tích và hào quang khi công việc được thực hiện tốt và mang lại kết quả. Còn khi có vấn đề phát sinh, họ sẽ chẳng dành thời gian để phân tích và nhìn nhận một cách khách quan để giải quyết mà luôn khăng khăng bản thân mình đúng và lỗi nằm ở các thành viên khác.

"Bí kíp vàng" cho các nàng công sở, gặp 4 dạng sếp "khó ở" cỡ này cũng dễ dàng đối phó - Ảnh 2.

Cách tốt nhất để có thể đối phó với kiểu sếp này chính là "sống chung với lũ" rồi hoàn thành tốt công việc được giao. Trong trường hợp bị sếp giành công, chị em cũng đừng bất ngờ thảng thốt hoặc cảm thấy bức bối mà hãy cứ bình tĩnh, âm thầm làm việc. Bởi lẽ, sớm muộn gì, mọi người trong công ty cũng sẽ sớm nhìn ra cái vỏ "hữu danh vô thực" của sếp và ghi nhận những đóng góp của chị em.

Bên cạnh đó, chị em đừng quên tỏ ra tử tế và luôn cảm ơn những lời khuyên bảo mà mình nhận được từ những người sếp tự phụ. Mọi hạng mục công việc bao gồm trao đổi với cấp trên và khách hàng, chị em đừng quên thông qua họ. Khi năng lực đã được bảo chứng, dám chắc trên lộ trình thăng tiến của họ sẽ không thể thiếu dấu chân của chị em.

2. Kiểu sếp thiếu quan tâm

Kiểu sếp này thường xuyên vẽ ra những viễn cảnh vô cùng thơ mộng và hấp dẫn nhưng về thực chất, họ ít quan tâm cũng như đào tạo, hỗ trợ nhân viên. Họ không thường đưa ra nhận xét, phản hồi cũng như giải đáp thắc mắc để chị em có thể cải thiện công việc. Bên cạnh đó, tần suất trả lời mail cũng rất được chăng hay chớ hoặc có chăng cũng rất qua loa.

"Bí kíp vàng" cho các nàng công sở, gặp 4 dạng sếp "khó ở" cỡ này cũng dễ dàng đối phó - Ảnh 3.

Nếu sếp liên tục duy trì tình trạng "ngoài vùng phủ sóng" thì cách duy nhất chị em có thể áp dụng chính là tập trung làm tốt công việc của mình. Bên cạnh đó, cần năng tương tác với các thành viên khác trong nhóm để đảm bảo công việc được diễn tiến một cách trơn tru và mạch lạc nhất.

Thiếu định hướng từ sếp chưa hẳn là một bất lợi bởi trong trường hợp này, bản thân chị em có thể tự mình chứng minh năng lực cá nhân bằng việc hoàn thành tốt công việc mà chẳng cần đến cấp trên. Trong những trường hợp cấp thiết, chị em có thể hỏi xin ý kiến của những lãnh đạo khác để có thể giải quyết công việc.

3. Kiểu sếp xuề xòa

Đây chính là kiểu sếp "bạn của mọi nhà", thích tham gia vào mọi hội nhóm và những buổi chia sẻ, gắn kết. Tuy nhiên, về khía cạnh công việc, sếp xuề xòa thường không nhận xét và đánh giá một cách thẳng thắn. Vì lẽ đó, chị em rất khó nhận ra được điểm mạnh cũng như điểm yếu của bản thân để có đường hướng cải thiện và phát triển.

"Bí kíp vàng" cho các nàng công sở, gặp 4 dạng sếp "khó ở" cỡ này cũng dễ dàng đối phó - Ảnh 4.

Đối với kiểu sếp này, tốt nhất chị em đừng tỏ ra quá thân thiết mà hãy giữ cho mình một khoảng cách vừa phải, đúng mực. Bên cạnh đó, hãy cứ mạnh dạn và chủ động trao đổi với sếp một cách thẳng thắn để có thể nhận ra được bản chất của vấn đề cũng như chất lượng công việc mà bản thân mình thể hiện. Tuy nhiên, kiểu sếp dễ tính có nhiều khả năng sẽ rất bênh vực nhân viên và thường cho cấp dưới tham dự các phiên họp điều hành cũng như đi gặp khách hàng. Đây là cơ hội tuyệt vời để chị em có thể học hỏi và phát triển.

4. Kiểu sếp hấp tấp

Kiểu sếp này thường là "nạn nhân" của những hạng mục công việc có deadline gấp gáp. Họ luôn chân, luôn tay, tỏ ra bận rộn và luống cuống. Bên cạnh đó, vì quá tất bật nên sếp rất hay quên đi những điều đã nói dẫn đến công việc thường bị hỗn loạn.

Để đối phó với kiểu sếp hấp tấp, chị em cần quản lý công việc một cách rất chi tiết và rõ ràng về mặt thời gian để tránh tình trạng bị sếp hỏi đi hỏi lại trong suốt quá trình thực thi công việc. Có một người sếp thích giao tiếp ngắn gọn cũng có thể có lợi bởi vì chị em sẽ có thêm thời gian để hoàn thành mọi việc. Trong một môi trường làm việc cần tương tác ngắn, điều quan trọng là phải trao đổi một cách tự tin và chính xác.

"Bí kíp vàng" cho các nàng công sở, gặp 4 dạng sếp "khó ở" cỡ này cũng dễ dàng đối phó - Ảnh 5.

Gặp phải những kiểu sếp "khó ưa" là điều không ai mong muốn. Nhưng đừng vì những điều đó mà từ bỏ công việc chị em thật sự yêu thích và muốn làm. Hãy biến những bất lợi thành động lực để bản thân có thể phấn đấu và chứng minh được năng lực. Một người sếp tốt chắc chắn từng là một nhân viên giỏi và biết thấu hiểu. Ngày hôm nay là một nhân viên xuất sắc, tin chắc rằng chị em có thể trở thành một người sếp tốt trong tương lai.