Saffron là một loại gia vị được sản xuất từ nhuỵ hoa của cây nghệ tây – một loại cây lâu năm thuộc họ diên vĩ, cho ra hoa vào mùa thu và phát triển mạnh mẽ trong vùng khí hậu khắc nghiệt. Nghệ tây chịu đựng được mùa đông lạnh lẽo, vượt qua được mùa hè nóng bức, tuy nhiên điều kiện cần vẫn phải là có mưa. Riêng mưa thế nào để phù hợp cho nghệ tây sinh trưởng và phát triển thì còn tùy thuộc vào khí hậu và thổ nhưỡng của từng vùng.
Các quốc gia như Iran, Hy Lạp, Maroc và Kashmir là những nơi thích hợp nhất trên thế giới trong việc trồng và sản xuất saffron. Đặc biệt nhất là Iran - nơi được xem là kinh đô của saffron.
Quá trình trồng trọt và thu hoạch vất vả
Để trồng trọt cây nghệ tây và sản xuất saffron, người ta phải đảm bảo những yếu tố thiết yếu nhất định như đất trồng, tưới tiêu, nhiệt độ... và phòng tránh những tác nhân đe dọa gây hại như thỏ, chuột, chim, đồng thời ngăn chặn một số loại bệnh ở lá và củ cây nghệ tây trong suốt quá trình trồng.
Thông thường, mỗi cây nghệ tây chỉ vỏn vẹn cho ra 4 hoa, mỗi bông hoa có 3 nhuỵ. Người dân phải thủ công hái bằng tay từng sợi nhuỵ cực kỳ công phu để thu hoạch cho sản phẩm đạt chất lượng tuyệt đối. Ước tính khoảng 90.000 bông hoa mới thu được 500g saffron khô và cần 40 giờ làm việc mới hái được 150.000 bông.
Một số người dân địa phương tại Iran chia sẻ: "Để thu hoạch đạt hiệu quả tốt nhất, phải đảm bảo điều kiện ánh nắng mặt trời để không mất đi mùi thơm của nhuỵ. Sau đó, nhuỵ được đem đi phơi khô lập tức để không bị mất đi hương vị đặc trưng. Trung bình cần khoảng 40 giờ trong điều kiện bình thường mới hoàn thành xong việc thu hoạch".
Phân loại saffron
Quá trình phân loại chất lượng và công dụng của từng loại nhuỵ cũng không kém phần phức tạp. Sau khi thu hoạch, saffron thường được phân thành 4 loại chính:
Negin: Đây là loại tốt nhất và có giá thị trường cao nhất, được chọn từ những sợi nhuỵ chất lượng cao, dài có màu sắc đồng đều và đã cắt bỏ phần chân nhuỵ
Sargol: Có chất lượng cao nhưng thua Negin một chút vì những sợi nhuỵ mảnh và nhỏ hơn
Pushali: Chất lượng có phần kém hơn hai loại trên vì phần chân nhuỵ màu vàng và phần thân trên màu đỏ không được cắt bỏ.
Bunch: Loại nhuỵ này là loại thấp nhất, bởi nhuỵ hoa khi thu hoạch về thường để thô nguyên sợi, bó lại thành bó dày nên khó kiểm tra chất lượng kĩ càng được.
Dược liệu dưỡng nhan của Nữ hoàng Ai Cập và các công dụng thần kỳ của saffron
Từ hơn 3.000 năm trước, saffron được biết đến là một loại gia vị kì diệu cho các món ăn. Một số có thể dùng để nhuộm vải vóc, chữa bệnh, nước hoa hay thậm chí là làm đẹp, trẻ hóa nhan sắc.
Một số ghi chép để lại, Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra cũng thường xuyên sử dụng saffron để gìn giữ sắc đẹp và tăng sự quyến rũ của mình. Bà thường bỏ một ít nhuỵ hoa nghệ tây này vào nước tắm của mình để làn da mình luôn trẻ đẹp và đặc biệt, đây cũng là phương thức giúp bà trở nên quyến rũ hơn trong chuyện chăn gối.
Ngay cả vua Alexander Đại Đế, ngài cũng thường xuyên sử dụng saffron để hồi phục sức khoẻ và lành hóa vết thương sau mỗi trận chiến.
Riêng đối với khoa học ngày nay, các công dụng của saffron đã được kiểm chứng. Các nhà dược học ví saffron như một loại dược liệu đa dụng tích cực cho sức khoẻ, giúp ngăn ngừa và phòng chống được một số căn bệnh nguy hiểm, trong đó có cả ung thư.
Những công dụng tuyệt diệu ấy cũng là nguyên nhân khiến saffron trở nên "đắt xắt ra miếng" trên thị trường hiện tại: 500.000 – 700.000 đồng/1gram tuỳ loại. Thậm chí, do giá bán quá cao nên saffron được người ta gọi là "vàng đỏ".
Mẹo phân biệt saffron thật và giả
Hiện nay, việc mua bán tràn lan saffron trên thị trường ngày càng nhiều và hot hơn bao giờ hết. Chỉ cần một vài cú click tìm kiếm trên mạng xã hội, ta có thể bắt gặp hàng trăm địa điểm, thông tin bày bán saffron giá rẻ với nhiều công dụng ghi chú đi kèm nhưng hầu như đa số đều không có nhãn mác xuất xứ rõ ràng.
Thậm chí một số nơi rao bán với giá cao ngất ngưỡng nhưng người tiêu dùng cũng không tránh khỏi hàng nhái, hàng kém chất lượng pha trộn tạp chất. Được biết saffron dạng bột rất dể làm giả, thậm chí nó còn dể làm giả hơn cả bột nghệ, bột ớt...
Để tránh khỏi tình trạng tiền mất tật mang, người tiêu dùng cần nên cân nhắc thận trọng và kiểm tra kĩ càng trước khi mua. Theo một số chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm: "Saffron khi mua nên có màu đỏ thẫm tươi sáng, khi cọ xát giữa các ngón tay thường phát ra một mùi hương rất dễ chịu và có vết vàng để lại".
(Nguồn: National Geographic, Sativus)