Với nhiều ông bố, bà mẹ có con nhỏ thì cảnh tượng trẻ khóc lóc, ăn vạ không còn quá xa lạ, và nhiều khi bố mẹ phải bất lực vì hết cách để dỗ dành trẻ. Nhiều bà mẹ còn tự ví von rằng mình bị điếc có chọn lọc sau sinh chỉ vì tiếng khóc của đứa trẻ có khả năng xuyên thấu, và lực sát thương quá mạnh chứ không phải nguyên nhân gì khác. Nghe tiếng trẻ khóc thật sự khó chịu.
Xiao Ling, một bà mẹ Trung Quốc tâm sự em bé nhà cô là một đứa trẻ thích khóc nhè, ban đầu, bà mẹ có thể kiên nhẫn dỗ dành con, nhưng càng về sau, mỗi khi có việc gì dù rất nhỏ là con lại khóc lóc, khóc lâu và ngày càng khó dỗ hơn đến nỗi bà mẹ phải ám ảnh với việc dỗ dành con mỗi khi con khóc.
Mới đây Xiao Ling bận nấu ăn, con cô tự chơi bị ngã và bắt đầu khóc. Nhìn xung quanh không có đồ gì vướng chân, người mẹ nghĩ rằng con chỉ bị chùn chân và vấp xuống nền nhà rất nhẹ nên chỉ nói lời an ủi và bảo con đừng khóc nữa, rồi tiếp tục công việc của mình. Kết quả là con cô không thấy mẹ đến dỗ nên càng khóc lóc tăng giọng.
Lúc này, bà nội mới bước đến gần chỗ con của Xiao Ling, ngồi xổm xuống và nói: "Xin lỗi sàn nhà nhé, cháu bà đã giẫm và ngã lên cháu. Cháu có đau không? Thương cháu ghê, cháu không thể khóc dù rất đau, và chỉ có thể giữ im lặng vậy thôi... ".
Sau khi đứa trẻ nghe bà nội nói lời như vậy rất buồn cười, vô cùng bất ngờ vì "sàn nhà biết đau" nên nín khóc, nhìn bà rồi lại nhìn xuống sàn nhà và nghiêm túc nói lời xin lỗi.
Để dỗ con, các bậc cha mẹ đã nghĩ ra nhiều chiêu trò cho con ngừng khóc. Làm sao để trẻ không khóc lóc ăn vạ là một vấn đề chung "đau đầu" của các bà mẹ trên khắp thế giới.
Làm sao để xử trí trẻ hay khóc lóc ăn vạ hiệu quả?
Ngày nay, đa phần các gia đình chỉ sinh từ 1-2 con nên cũng có tâm lý chiều chuộng, dỗ dành con hơn. Do đó, hầu hết các bậc cha mẹ chỉ cần nghe thấy tiếng con khóc là đã vội vã đi dỗ dành trẻ. Thực tế nếu cha mẹ quá nhanh chóng dỗ dành trẻ, trẻ sẽ nảy sinh tâm lý được nuông chiều và kiêu ngạo, sinh ra quấy khóc hơn để được gia đình quan tâm và yêu thương hơn.
Có thể nhiều bậc cha mẹ bắt gặp cảnh quen thuộc này, khi trẻ vừa ngã thì không hề khóc lóc, nhưng khi người nhà chạy đến dỗ dành thì con lại quấy khóc. Lúc này nhiều ông bố, bà mẹ sẽ đổ lỗi cho thứ gì, hoặc điều gì đó khi dỗ dành con, chẳng hạn như mắng mỏ những thứ vô tri vô giác như sàn nhà, bàn ghế, ngưỡng cửa và nói: "Tất cả tại mày, cái ghế/sàn nhà/ngưỡng cửa hư, đâm vào con bố/mẹ, đánh mày, đánh mày!...". Lúc này những đứa trẻ sẽ cảm thấy muốn "đánh" khi nghe những lời như vậy, và dần dần nín khóc.
Nhưng ngày càng có nhiều người thừa nhận rằng cách dỗ con như vậy là sai, vì làm như vậy thực chất là dạy trẻ đổ trách nhiệm sang người khác và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Trẻ sẽ có xu hướng phát triển tính cách không có trách nhiệm và thích đổ lỗi cho người khác.
Một số bố mẹ lại lựa chọn cách phân tích lỗi, chỉ thẳng lỗi thuộc về đứa trẻ, phương pháp này quả thực tốt hơn nhiều so với đánh đập, mắng mỏ… nhưng còn phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Trẻ nếu còn quá nhỏ, khả năng lĩnh hội còn kém thì sẽ chỉ cảm thấy ồn ào, không nghe bất cứ lý do gì và còn có thể nghĩ rằng đây là bố mẹ đang buộc tội mình, khóc to hơn.
Tuy rằng trẻ em rất hay khóc nhè, nhưng không phải chúng khóc lóc vô cớ, do đó, khi trẻ bắt đầu khóc, bố mẹ trước tiên phải tìm hiểu xem lý do tại sao trẻ khóc, đó là do bị đau về thể chất hay do uất ức từ trong lòng.
Ví dụ, đôi khi có trẻ khóc vì mẹ vô tình va vào người mình, thực tế có thể do trong lòng trẻ nghĩ mẹ có lỗi hơn nên mới dễ khóc như vậy. Chỉ sau khi hiểu tại sao trẻ quấy khóc, cha mẹ mới có thể tìm ra giải pháp phù hợp và dỗ dành trẻ hiệu quả.
Nguyên nhân chính khiến việc dỗ trẻ trở nên khó khăn là do giao tiếp giữa người lớn và trẻ không đơn giản và hiệu quả như giao tiếp giữa hai người lớn. Bố mẹ có thể thấy mình đã rất cố gắng và chân thành để dỗ dành trẻ, nhưng con cứ quấy khóc nên bố mẹ lại càng thêm tức giận.
Thay vì ám ảnh với việc dỗ dành con, thì bố mẹ có thể thay đổi góc nhìn của mình, sử dụng các cách thu hút sự chú ý của con để con quên khóc. Ví dụ như đột nhiên làm mặt hề, lấy đồ chơi ra trêu trẻ, cho trẻ ăn vặt… Trẻ rất dễ bị thu hút sự chú ý, khi con bị thu hút thì sẽ tự nhiên ngừng khóc.
Khóc là một phần bình thường của sự trưởng thành của trẻ nên sẽ không còn cách nào khác ngoài việc bố mẹ phải dỗ dành trẻ. Nhiều bậc cha mẹ thực sự sai lầm khi để con mình khóc lóc quá lâu hoặc xử lý bằng cách đánh đập, mắng mỏ… những điều này có thể khiến trẻ dễ bị tổn thương, dễ mắc các bệnh về nhân cách.
Và yên tâm, đến khi trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo và có khả năng hiểu biết cũng như kỹ năng giao tiếp tốt hơn, thì việc dỗ dành con với các bậc cha mẹ cũng trở nên dễ dàng hơn.