Payton Williams, 25 tuổi, đến từ thành phố Ponca, Oklahoma, Mỹ, đã không thể nhận ra mình và đau đớn tột cùng trong suốt 1 tháng trời bởi khuôn mặt bị phồng lên và đôi mắt sưng húp sau khi trải qua 2 giờ dưới ánh mặt trời. Hình dạng của cô được ví như "Quasimodo" (ám chỉ những người có hình hài quái dị) do bị sưng phù lên và nguyên nhân là do ngộ độc ánh nắng. Sau tai nạn của mình, cô đã rút kinh nghiệm và khuyên mọi người luôn phải dùng kem chống nắng mỗi khi ra ngoài.
Chỉ sau 2 giờ "dầm mình" dưới cái nóng 27 độ vào ngày 20/4 mà quên không bôi kem chống nắng. Trong khi thời tiết ấm áp, trời nhiều mây và gió nhẹ nên Payton không thể cảm thấy mình bị bỏng khi ngồi ngoài nắng. Tuy nhiên, sau đó cô cảm thấy da mình hơi khô và bắt đầu cảm thấy mất nước, buồn nôn và đau đầu.
Trong những ngày tiếp theo, Payton tiếp tục cảm thấy vô cùng khó chịu và đau đớn tột cùng trong khi trán bắt đầu sưng lên. Đi khám ngày 24/4, bác sĩ chẩn đoán Payton bị ngộ độc ánh nắng mặt trời - một dạng cháy nắng nghiêm trọng - từ đó dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng vi khuẩn dưới da trên mặt. Vết loét chảy dịch, rộng khoảng 3,7cm ở giữa trán đã khiến cô vô cùng khó chịu. Mặc dù đã được kê đơn dùng 2 loại kháng sinh khác nhau nhưng chứng sưng của Payton vẫn không giảm, thậm chí tồi tệ hơn trước. Cô phải cố gắng lắm mới có thể mở mắt để nhìn.
Nhờ có sự hài hước mà Payton đã vượt qua được những đau đớn và lo sợ về những gì đang xảy ra với khuôn mặt mình. Payton bắt đầu đăng những bức ảnh của mình lên các phương tiện truyền thông xã hội một cách thường xuyên với sự so sánh hài hước. Cô đã ví khuôn mặt biến dạng của mình với nhiều nhân vật trong phim khác nhau, bao gồm thằng gù Quasimodo ở nhà thờ Đức Bà và Sloth trong phim The Goonies... Điều này khiến cô cảm thấy dễ dàng đối phó với những gì đang diễn ra.
Payton cho biết: "Bị ngộ độc ánh nắng, lúc mắt tôi bị sưng là tồi tệ nhất. Tôi hầu như không thể nhìn, tôi phải cố mở mắt ra để nhìn. Tôi không có khả năng chịu đau cao nên lắm lúc rơi nước mắt. Điều tôi cảm thấy tồi tệ nhất là đau dây thần kinh. Tôi sẽ không bao giờ đi ra nắng nữa".
Phải sau 1 tháng, Payton mọi thứ mới trở lại bình thường, vết thương mới lành lặn. Qua câu chuyện của mình cô muốn gửi lời cảnh báo tới mọi người rằng "bất kì ai có kế hoạch phải ở dưới ánh mặt trời vào mùa hè thì nên bôi kem chống nắng đầy đủ, bôi lại sau vài tiếng và đừng quên đội mũ, uống nước. Nếu gặp bất kì triệu chứng nào thì nên đến gặp bác sĩ sớm".
John Zampella, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ da liễu tại Trung tâm NYU Langone giải thích, thuật ngữ ngộ độc nắng thường được dùng để chỉ trường hợp một ai đó tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, cơ thể phản ứng rất mạnh với tia cực tím và gặp phải các triệu chứng giống như cúm.
Nhiều người không biết bản thân đang phải đối mặt với ngộ độc ánh nắng vì các triệu chứng có thể xuất hiện sau 72 giờ kể từ khi bị cháy nắng. Bác sĩ Zampella cho biết, mọi người cần nhận biết những dấu hiệu cơ bản để có thể phân biệt rõ hai vấn đề sức khỏe này. Trên thực tế, ngộ độc nắng chỉ xảy ra khi bạn bị cháy nắng.
Triệu chứng cháy nắng và ngộ độc ánh nắng là gì?
Cháy nắng bình thường khiến da chuyển sang màu đỏ, ngứa, viêm và nhạy cảm từ 30 phút đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trong trường hợp nặng hơn, da sẽ phồng rộp và thậm chí nổi mụn nước.
Trong khi đó, ngoài các dấu hiệu cháy nắng này, ngộ độc nắng còn dẫn tới một loạt những triệu chứng, phản ứng toàn thân bao gồm: Sốt, ớn lạnh, buồn nôn, đau khớp, đau cơ, nhức đầu, khó chịu, mất nước và chóng mặt.
Cách xử lý ngộ độc ánh nắng
Hầu hết các triệu chứng ngộ độc nắng có thể được điều trị bằng những biện pháp khắc phục tại nhà dưới đây:
- Ngâm mình trong nước mát hoặc đắp khăn lạnh.
- Dùng nha đam hoặc các loại kem dưỡng ẩm để làm dịu da và duy trì độ ẩm.
- Uống nhiều nước, tránh mất nước.
- Dùng thuốc chống viêm như ibuprofen nhằm giảm đau và khó chịu.
Nếu các triệu chứng ngộ độc nắng ngày càng leo thang, dẫn tới những phản ứng rất nghiêm trọng như tụt huyết áp, tim đập nhanh, chóng mặt hay ngất xỉu, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.