Cách đây không lâu, một người phụ nữ 54 tuổi đến từ Trung Quốc đã kể lại toàn bộ quá trình thương thảo, chuẩn bị đám cưới cho con trai. Chia sẻ trên Douyin, bà mẹ này cho biết: "Vốn dĩ, tiền cưới hỏi của nó tôi đã chuẩn bị xong hết rồi nhưng cuối cùng, tôi không cho nó 1 đồng nào".
Tiếp sau đó, người phụ nữ này mới giải thích lý do khiến bà không cho con trai "1 đồng" nào, dù đó là người con duy nhất của bà.
Sính lễ "trên trời" cùng những yêu cầu vô lý của nhà gái
Bà mẹ này cho biết trong khoảng thời gian đi du học ở nước ngoài, con trai bà đã "bén duyên" với một cô gái cũng là du học sinh, đến từ Thượng Hải. Sau khi về nước, cả hai cùng sinh sống và làm việc tại thành phố này. "Nàng dâu tương lai" của bà cũng là con một.
Mọi chuyện sẽ không có gì đáng bàn cho đến khi con trai gọi cho bà và kể rằng nhà vợ muốn vợ chồng họ vẫn ở Thượng Hải sau khi kết hôn, với lý do công ty hiện tại có đãi ngộ tốt, cơ hội thăng tiến cũng rộng mở.
"Quan trọng là bố mẹ cô gái nói nhà họ có mỗi một đứa con gái, không nỡ gả đi xa, kết hôn xong muốn gặp cũng khó. Sau này họ già, muốn con gái chăm sóc cũng không tiện. Thậm chí, họ còn nói với con trai tôi rằng hai đứa cưới xong, hãy mua 1 căn chung cư 2 ngủ 1 khách ở Thượng Hải và dành cho họ 1 phòng. Chưa hết, họ còn đòi 20 vạn tệ (gần 670 triệu đồng) tiền sính lễ" - Nguyên văn lời bà mẹ chia sẻ.
Nghe đến đây, chắc hẳn chẳng cần nói cũng biết, bà mẹ này sẽ không dễ dàng chấp nhận việc để con trai đi ở rể sau khi kết hôn. Đó là còn chưa bàn tới khoản tiền thách cưới có phần hơi "quá đà" cùng yêu cầu phải mua nhà mà bên nhà gái đã đề cập.
Tuy nhiên, cách bà mẹ này giải thích với con trai của chính mình mới là điều đáng nể!
Cách xử lý "3 không" của bà mẹ có tư duy sắc bén
Sau khi nghe con trai "chuyển lời" của nhà thông gia tương lai, bà mẹ chỉ nhẹ nhàng nói: "Theo như ý của nhà thông gia thì họ vừa muốn mẹ chuẩn bị sính lễ, vừa muốn mua nhà cho họ rồi con đến đó ở rể. Kết hôn xong, con có gia đình của riêng con, cũng không mấy khi về nhà. Mẹ cũng chẳng được gặp con nhiều. Đến khi con có con, mẹ muốn đến thăm cháu, con muốn mẹ trải chiếu nằm ở phòng khách hay phải ra khách sạn ngủ?
Đến lúc đó, con với bố mẹ vợ sum vầy thì bố mẹ lại thành người ngoài? Con nói với bố mẹ vợ tương lai bố mẹ không phải dư tiền đến mức coi tiền là cỏ rác. 'Gả con trai' vô ích, lại còn gả xa, hơn nữa mua nhà ở Thượng Hải tốn kém bao nhiêu, rồi còn tiền nuôi con ăn học, đi du học nước ngoài, chẳng lẽ con không biết?" - Lời bà mẹ nói với cậu con trai.
Sau khi nghe những lời mẹ nói, người con trai có vẻ không mấy vui. Anh cho rằng giờ là thời nào rồi mà mẹ còn dùng từ "ở rể" và giải thích rằng "Sau này, cháu bà cũng mang họ anh, có đi đâu mà thiệt".
Nghe được lời này từ con trai, bà mẹ "chốt" một câu đanh thép: "Đến con trai mình đây, nuôi nó ăn học, lớn khôn mà còn chẳng được nhờ gì, thì tính làm gì tới chuyện trông chờ vào cháu trai cơ chứ".
Đồng thời, bà mẹ cũng đưa ra quyết định: "Con muốn kết hôn rồi ở lại Thượng Hải cùng nhà vợ, mẹ không cấm. Con muốn mua nhà mới hay tới nhà bố mẹ vợ ở, mẹ cũng không tranh luận nhưng đó là quyết định của con, mong muốn của con nên hãy tự làm, đừng xin tiền bố mẹ. Còn nếu hai đứa kết hôn xong, về đây ở với bố mẹ thì tiền sính lễ, tiền đám cưới, bố mẹ sẽ lo".
Cuối cùng, người phụ nữ này không tiết lộ anh con trai đã quyết định thế nào. Thay vào đó, bà đặt ra câu hỏi: "Mọi người thấy tôi làm như thế có đúng không, hay là quá đáng quá?".
Phần lớn bình luận của mọi người đều cho rằng người mẹ này có tư duy rất sáng suốt, đồng thời bày tỏ rằng nhà gái đòi hỏi như vậy là có phần "khôn lỏi".
Tạm kết
Chuyện mẹ chồng - nàng dâu nói riêng hay mối quan hệ thông gia nói chung vẫn luôn là những chủ đề được quan tâm, chưa bao giờ hết hot.
Thời nay, định kiến "dâu là con, rể là khách" không còn khắc nghiệt, chuyện cưới xong phải sống chung với bố mẹ chồng cũng không còn là "điều bắt buộc" như xưa, nhưng từ câu chuyện của bà mẹ này, có thể thấy rằng: Trước khi vào vai con dâu hay con rể, những người con cũng nên có tư duy độc lập, trưởng thành để dung hòa mối quan hệ với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ.
Suy cho cùng, sinh con ra, nuôi con khôn lớn, thành đạt, chẳng bậc phụ huynh nào lại muốn "mất con" vào gia đình khác - mà ở đây là nhà thông gia, dù con của họ có là con trai hay con gái đi chăng nữa.