Những câu chuyện, bí quyết chi tiêu làm thế nào để tiết kiệm được nhiều tiền nhưng vẫn có nhiều trải nghiệm và được đi khắp nơi luôn là đề tài được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Mới đây, những chia sẻ của một cô gái có tên Trang Nguyễn trên trang Cafebiz về chuyện chi tiêu của bản thân cũng đang được cộng đồng mạng bàn luận khá xôn xao.
Bài viết đặt tiêu đề là "Lương 5 triệu/tháng: Tôi vẫn tiết kiệm được tiền để đi du học tự túc, mua nhà chung cư 1,5 tỷ và đi du lịch nhiều nơi". Ngay lập tức, rất đông cư dân mạng đã đưa ra bình luận trái chiều về những thông tin được Trang cung cấp trong bài viết.
Bài viết chi tiêu hiện đang thu hút khá nhiều sự chú ý của độc giả.
Cụ thể, bài toán chi tiêu của Trang Nguyễn được tóm tắt như sau:
Trang bắt đầu đi làm từ khoảng những năm 2012 - 2013 với mức lương cơ bản là 5 triệu/tháng. Trang thuê nhà hết 1,5 triệu cả điện nước và nấu ăn tại nhà bằng thức ăn gia đình gửi lên. Trang dành 1 triệu cho mua sắm, làm đẹp và 500k để gặp gỡ bạn bè. Những khoản còn lại như xăng xe, tiền điện thoại, tiền đi ma chay hiếu hỉ, các khoản phát sinh khác thì Trang khoanh vùng lại 1 triệu. Nói chung tổng tiền chi 1 tháng luôn gói gọn trong số 5 triệu và Trang không bị vượt định mức. Còn lại số tiền thưởng của công ty thì Trang để dành tiết kiệm.
Sau 2 năm đi làm thì Trang quyết định đi du học Thạc sĩ tự túc mà không nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ. Trang tiết kiệm bằng cách cắt hết các khoản chi tiêu không cần thiết như mua sắm quần áo, đi chơi với bạn bè và tập bán hàng online với thu nhập thêm khoảng 3 - 5 triệu/tháng. Lúc này thâm niên làm việc nhiều hơn nên Trang cũng được thưởng nhiều hơn. Một năm rưỡi sau, Trang bỏ ra được tổng cộng số tiền 150 triệu để đi du học.
Tiền học phí năm 2015 của trường Trang đăng ký là 220 triệu cộng thêm tiền ăn ở mỗi tháng không quá 15 triệu. Như vậy, nếu đi 1 năm thì Trang sẽ phải chi hết khoảng 400 triệu; và thêm 50 triệu nữa cho tiền vé máy bay 2 chiều và các chi phí phát sinh làm visa, bảo hiểm, trang bị trước khi đi.
Trong thời gian đi học, Trang còn tranh thủ đi du lịch một vài nước châu Âu: Ý, Hy Lạp, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển với chi phí gần 30 triệu. Trang cho biết sở dĩ đi nhiều nước mà hết ít tiền như vậy là do vé máy bay trong khối EU khá rẻ cộng thêm với việc cả nhóm đi cùng và mua đồ về nấu ăn chứ không đi ăn hàng nên mới hết ít chi phí như thế.
Và để trang trải cho tất cả những chi phí du học này, Trang đã làm thêm cật lực bằng việc bán hàng online cho nên ngoài chi trả tiền học, tiền ăn ở Trang khi về nước còn biếu bố mẹ được một khoản và "dắt túi" một số vốn.
Đầu năm 2017, Trang trở về Việt Nam để làm việc ở công ty cũ vẫn với mức lương 5 triệu/tháng cộng với việc tiếp tục bán hàng online thu nhập ngoài 20 triệu/tháng nữa. Về được ít lâu Trang có trong tay số vốn 300 triệu nên quyết định mua nhà chung cư 1,5 tỷ, đi vay ngân hàng 1,2 tỷ. Lúc này, bảng chi tiêu của Trang như sau:
Tiền lãi ngân hàng: 8 triệu/tháng (vay gói ưu đãi);
Hóa đơn điện nước, internet: 1,2 triệu;
Điện thoại: 500 ngàn đồng;
Ăn sáng ở nhà, buổi trưa mang cơm theo: 1 triệu;
Chi phí vui chơi cá nhân: 1 triệu;
Hạn chế ăn hàng, đi chơi với bạn bè, không đi mua sắm khi không cần thiết, tiết kiệm quần áo mặc lại đồ khách order nhưng bùng hàng...
Cộng các nguồn thu ngoài nhờ công việc bán hàng và thưởng do hoàn thành công việc xuất sắc, Trang vẫn giữ đúng quy định chi tiêu nghiêm ngặt như vậy cho bản thân. Mỗi tháng Trang để dành được khoảng 15 triệu để trả nợ.
Số tiền dư dả, Trang dành để đi du lịch nghỉ dưỡng. Hiện tại, Trang đã nghỉ ở công ty cũ và có một công việc mới thu nhập tốt hơn, thời gian cũng không ràng buộc nhiều nên tháng nào cũng đi du lịch kể cả trong nước và nước ngoài, ít là 3 - 4 ngày, nhiều là 2 - 3 tuần. Thỉnh thoảng, Trang vẫn gửi tiền biếu bố mẹ.
Trang Nguyễn đã chia sẻ những bí quyết chi tiêu của mình để có thể đi du học tự túc và mua nhà chung cư.
Một vấn đề được đưa ra bao giờ cũng gây ra những tranh cãi, và với bài toán chi tiêu của Trang Nguyễn thì cư dân mạng đã "vạch" ra khá nhiều điểm mà họ cho là chưa đủ thuyết phục.
Đầu tiên là khoản tiền tiết kiệm 150 triệu để đi du học tự túc của Trang. Có thể thấy, với mức lương 5 triệu và tiền mua bán online thì trong vòng 1 năm rưỡi để ra được 150 triệu sẽ là chuyện hơi khó khăn. Bạn Phùng Văn Quyết bình luận: "Nếu chia ra khoảng thời gian đó mỗi tháng bạn phải dư để dư được 8,3 triệu thì mới đủ trong khi khoản thu của bạn thì tối đa mới là 10 triệu thì mình thấy nó hơi vô lý. Chẳng lẽ chi tiêu hằng ngày của bạn ít dùng đến tiền như vậy sao?".
Thêm một điểm khó hiểu nữa khiến cộng đồng mạng phải đau đầu đi tìm câu trả lời đó là trong suốt khoảng thời gian đi du học, cô ấy đã bán hàng online và làm thêm thì thu nhập cụ thể là bao nhiêu để có thể trang trải được tất cả và khi về lại còn có chút vốn dư? "Có thể bạn không muốn công khai con số nhưng mình phải khuyên bạn một câu là nếu bạn đã chia sẻ thì mọi thông tin của bạn phải được minh bạch để người đọc không bị thắc mắc. Mình không hiểu thu nhập của bạn ra sao mà lại chỉ có mức chi ở đây cho nên cũng thấy chuyện vô lý lắm bạn ạ", bạn Trang Mai bình luận. "Theo mình biết thì khi đi du học việc làm thêm của du học sinh cũng không phải dễ dàng gì, vậy bạn lấy đâu thời gian để làm việc nhiều như vậy trong khi vẫn phải đảm bảo giờ giấc ở trường chứ?", Ngô Huy thắc mắc thêm.
Và thêm một điểm thứ 3 mà những người đọc bài viết này phải tự hỏi đó là khi về lại Việt Nam tại sao Trang vẫn chọn làm ở công ty cũ với mức lương 5 triệu trong khi đã có bằng thạc sĩ. Và vẫn biết lúc này tiền lãi từ việc bán hàng online của cô nàng khá ổn nhưng nếu trừ đi mức chi tiêu và trả tiền nợ cho ngân hàng thì vẫn thấy có sự bất hợp lý. "Mình thắc mắc chuyện bảng lương của bạn chỉ có 5 triệu thì sao ngân hàng lại cho bạn vay những 1,2 tỷ. Mỗi tháng bạn trả tiền lãi là 8 triệu, cộng với tiền bạn nói trả nợ 15 triệu thì chắc là tiền gốc cho ngân hàng đã là 23 triệu rồi. Bạn chi tiêu thêm mỗi tháng cũng phải 4-5 triệu nữa thì cũng vào xấp xỉ gần 30 triệu. Như vậy mà bận vẫn đi du lịch nghỉ dưỡng đều đặn, tháng nào cũng đi thì quả thật là quá giỏi luôn", tài khoản Facebook Ngân Minh cho hay.
Những dòng comment thắc mắc của cộng đồng mạng về những chia sẻ của Trang Nguyễn.
Trên đây là một vài những ý kiến thắc mắc của cư dân mạng về bài toán chi tiêu của Trang Nguyễn. Ở điểm vô lý đầu tiên là tiền tiết kiệm du lịch thì có lẽ Trang đã không muốn công khai số tiền thưởng ở công ty của cô cho nên mọi người mới không hiểu vì sao cô lại để ra được những 150 triệu trong vòng 1 năm rưỡi. Điểm vô lý thứ hai thì như đã nói, Trang không công khai số thu nhập đi làm thêm khi đi du học nên mới càng khiến người đọc phải "bấn loạn" đi tìm kiếm thông tin. Và cũng vẫn vấn đề đó ở điểm cuối cùng, Trang cũng lại không cho người ta một con số cụ thể, thành ra dân mạng 9 người 10 ý, mỗi người một phỏng đoán khác nhau để làm cho bài toán chi tiêu này hợp lý. Trên trang cá nhân của mình, Trang Nguyễn cũng không nói sâu hơn về vấn đề này, không giải thích với dân mạng, chỉ chia sẻ bài phỏng vấn mình kèm status: "Khi đi du học dĩ nhiên phải đánh đổi chi phí cơ hội rồi. Trong thời gian ấy các bạn lấy chồng, sinh con, vẫn kiếm tiền đều đều thì mình phải ở giảng đường, rồi lo làm thêm vì chỉ sợ không đủ tiền học phí. Khoảng thời gian trước khi đi vẫn là bóp mồm bóp miệng để giản tiện. Còn ai không tin mình làm được những điều này thì kệ nhé. Mình còn chả tin nữa là các bạn.
Tuy nhiên chốt lại vẫn là khoảng thời gian đẹp nhất, làm mình thấy đổi nhận thức. Gặp nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, gặp cả người tốt lẫn người ít tốt, nên kể cả trắng tay sau khi học về mình vẫn lựa chọn. Giờ trở thành con người cởi mở, chấp nhận sự khác biệt của tôn giáo, sắc tộc, thấy đời khác hẳn".