Chị Ngọc Hạnh từng là nhân viên của một ngân hàng lớn. Tuy nhiên, vì mong muốn có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, con cái nên chị đã quyết định nghỉ việc. Hàng ngày, chị bận rộn với việc chăm 3 bé: 8 tuổi, 5 tuổi và 2 tuổi.
Sau những giờ phút dành cho việc nấu nướng, chăm con, đưa đón con đi học, chị Hạnh lại tranh thủ chăm sóc khu vườn nhỏ trên sân thượng của gia đình.
Chị Hạnh cho biết: "Thời gian giãn cách xã hội do covid, mình cũng khá rảnh nên đã quyết định tận dụng khoảng sân thượng để trồng cây, các loại rau sạch, vừa có thêm thực phẩm cho gia đình do chính tay mình làm ra vừa thỏa mãn sở thích "sống ảo" lúc làm vườn".
Việc trồng rau trên sân thượng của chị Hạnh cũng gặp khá nhiều bất tiện. Diện tích khoảng sân quy hoạch để làm vườn rộng khoảng 40m2. Tuy nhiên do lúc đầu chưa có ý định trồng cây nên thiết kế không có hệ thống thoát nước. Khi mưa lớn hay tưới cây, đất trong các thùng xốp rớt ra ngoài nên chị phải thường xuyên làm vệ sinh cống để đất không bám làm tắc cống.
Một phần vì cầu thang dẫn lên sân thượng là loại dốc đứng, rất khó khiêng chậu, thùng, bao phân lên. Việc chăm sóc để cây lớn cũng là cả một quá trình, từ cây khổ qua, cà chua… đến các loại rau ăn lá như xà lách, các loại cải thìa, cải ngọt, cầu vồng…
Chị trồng đa dạng rau quả sạch.
Do vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm nên đối với bà mẹ 3 con, việc trồng rau trên sân thượng không có quá nhiều bỡ ngỡ. Rau quả trồng trên vườn thường ít xuất hiện sâu bệnh. Khi gặp vấn đề về cách chăm sóc, chị Hạnh lại lên mạng tìm kiếm thông tin và áp dụng cách chăm sóc phù hợp.
Ví dụ như cây đậu đũa đang trồng đã ra trái được 3, 4 đợt bị rầy đen bám vào thân leo. Chị đã học hỏi cách trị rệp không dùng đến thuốc hóa học. Chị pha nước rửa chén với nước tỉ lệ 1:1 để qua đêm rồi xịt vào rệp, ngày xịt 2 – 3 lần, vì là cách hữu cơ nên không nhanh, qua vài ngày mới thấy hiệu quả tích cực.
Chủ nhân của khu vườn cho biết thêm: "Chi phí bỏ ra để cải tạo sân thượng làm vườn rau bao gồm thùng xốp, đất, phân dê, phân gà cũng không nhiều. Mình chỉ mua hơn chục cái thùng, còn lại là đi xin thùng xốp của hàng xóm để trồng rau, lưới che nắng giàn leo cũng được hàng xóm tốt bụng cho. Mục đích là trồng rau sạch cho gia đình nên mình tận dụng những gì hữu cơ nhất để làm phân bón chăm sóc cây, nước vo gạo dùng để tưới cây, 1 ngày mình để dành được 3L, mình bỏ vào chai nhựa ủ chua qua đêm rồi sáng đem tưới cây.
Vỏ trứng gà và rác nhà bếp như rau củ còn thừa, mình không ủ rác với men vi sinh mà cắt nhỏ trộn trực tiếp với đất để tự phân hủy. Bầu bí mướp là các loại cây cần thụ phấn để đậu trái, cây cao hơn 1 mét là mình cho leo giàn, canh cây nở đủ hoa đực hoa cái rồi thụ phấn để đậu trái. Trường hợp có hoa đực không có hoa cái thì mình cắt hoa đực đã nở cho vào tủ lạnh chờ hoa cái nở rồi thụ phấn".
Chị yêu thích những giờ phút thăm vườn, chăm cây.
Với đất sau khi trồng một đợt, chị Hạnh sẽ phơi 1 ngày dưới nắng rồi bổ sung dinh dưỡng bằng phân dê, phân gà để bắt đầu trồng đợt mới. Chị không sử dụng phân trùn quế vì qua kinh nghiệm bón lót cho cây thì nhận thấy bón loại phân này cây dễ bị nóng.
Các loại cây trong giai đoạn ra hoa, ra trái, chị trộn sữa tươi với trứng gà tưới trực tiếp vào gốc cây 1 tuần 1 lần để thêm dinh dưỡng cho cây. Trồng thùng xốp trái vẫn to và ngọt, đặc biệt là khổ qua chị trồng rất ít đắng, cà chua ngọt lịm, đậu bắp lớn gấp 3 ngoài chợ.
Khi trái chín, chị cũng ưu tiên hái không để già quá trên cây vì làm vậy cây sẽ mất sức trong quá trình tạo hạt cho trái.
Đối với phân hữu cơ, chị trộn trong đất cùng với xơ dừa, giá thể tỉ lệ 1 phân 3 đất 2 giá thể. Hai tuần 1 lần trộn thêm vỏ trứng gà nghiền nhỏ với phân. Vỏ trứng ngoài việc bổ sung canxi cho đất còn có tác dụng ngăn các loại thân mềm cắn phá cây bởi cạnh sắc của vỏ trứng.
Vừa trồng cây vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, chị Ngọc Hạnh tìm kiếm, đúc rút được thêm những kiến thức hữu ích giúp khu vườn trên sân thượng luôn xanh tươi, đảm bảo đủ nguồn thực phẩm sạch cho gia đình hàng ngày.
Nguồn ảnh: NVCC