Mình làm dâu được 4 năm và đã trải qua 3 cái Tết ở nhà chồng. Ban đầu mình rất sợ vì Tết là dịp mà con dâu phải thể hiện nghĩa vụ nhiều nhất, bị mẹ chồng vòi tiền nhất. Và nếu gặp phải mẹ chồng "khủng long" thì thôi xong.
Mẹ chồng mình không thuộc diện hiền và thương dâu lắm. Nhưng mình đã vượt qua bài test ngày Tết một cách ngon lành. Trong mắt nhà chồng, mình là con dâu hiền thảo, Tết họ hàng đến chơi toàn được mẹ chồng mang ra khoe. Nhưng nói thật, được nhiều lần "phổng mũi" khen ngợi như hôm nay, mình luôn bỏ túi 7 bí kíp để ghi điểm với nhà chồng ngày Tết.
Chỉ còn gần 2 tuần nữa là Tết Nguyên Đán 2014 lại về, nhân buổi ngồi tổng kết cuối năm của chính mình năm qua, mình xin chia sẻ 7 bí quyết này. Nếu những chị em nào đã và sắp làm dâu như mình có thể tham khảo.
Một là, là con dâu, bạn đừng bao giờ khai thật về lương và các khoản thu nhập cũng như thưởng Tết. Người ngoài thường có tâm lý “nó có 10 mà chẳng lẽ không cho mình được 3, 4?”. Nhưng thật sự thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu được có hàng trăm khoản phải chi tiêu.
Một là, bạn đừng bao giờ khai thật về lương và các khoản thu nhập cũng như thưởng Tết (Ảnh minh họa)
Đặc biệt là Tết, cầm tiền như cầm cát tuột lúc nào không hay. Thế nên không việc gì phải nói thật về tiền thưởng mà hãy khai một con số vừa phải, để nhỡ mẹ chồng có đòi hỏi quá mức thì vẫn còn tiền để dành. Bật mí luôn là nếu đã giấu mẹ chồng thì bạn cũng giấu luôn cả chồng vì đúng là chỉ nên tin vào bản thân mình nhất.
Hai là, bạn chỉ nên chi Tết theo công thức 4-3-2-1. Với mình tiền thưởng Tết không chỉ để lo Tết mà còn dành cho tiết kiệm nữa. Lương tháng nào xào tháng đó rồi, vì vậy cuối năm có mấy chục triệu tiền thưởng Tết thì không nên lãng phí.
Tiền thưởng chia làm 10 phần, cất “thủ thân” 4 phần, mua sắm mứt món đồ đạc và biếu xén nhà chồng 3 phần. Công khai với mẹ chồng là lo cho nhà ngoại 2 phần. Nhưng thật ra 1 phần còn lại cũng nên để dành cho nhà ngoại nốt (Nhưng chỉ đưa bí mật đừng để chồng và mẹ chồng hay).
Phụ nữ vốn ích kỷ, mẹ chồng nào cũng sẽ không vui nếu biết con dâu “ăn cơm nhà này mà báo đáp nhà khác”. Trước mặt mẹ chồng, hãy giả vờ đặt mẹ đẻ ở vị trí thấp hơn để họ vui lòng.
Ba là, đừng tạo tiền lệ “trách nhiệm cao”. Nhiều người mới đi làm dâu có tâm lý là Tết đầu tiên nên phải lo cho thật tốt, mua sắm thật nhiều để lấy điểm. Điểm thì có cao thật nhưng sự thật đáng buồn là thế này.
Không chỉ riêng gì mẹ chồng mà ai cũng vậy, tâm lý chung là tham lam, năm nay lo thế này thì sang năm phải lo hơn chứ không có chuyện kém. Nhưng có phải năm nào kinh tế cũng khá đâu. Vì vậy, đừng đặt xuất phát điểm quá cao mà hãy bắt đầu thấp thôi, rồi mỗi năm đưa nhiều hơn một chút sẽ khiến mẹ chồng vui hơn nhiều.
Như Tết đầu tiên mình dư sức lì xì hẳn cho mẹ chồng vài triệu nhưng chỉ biếu 500 nghìn rồi nói khéo “Năm nay con chưa dành dụm được nhiều nên chỉ biếu mẹ được thế. Sang năm con sẽ chăm chỉ làm việc để biếu mẹ được nhiều hơn”.
Năm thứ 2 mình biếu 800 nghìn, rồi tăng dần lên triệu. Mẹ chồng mình vui lắm. Chứ như năm đầu mình đưa 1 triệu thì từ năm sau phải đưa bằng thế hoặc hơn nếu không mẹ chồng sẽ sa sầm mặt ngay.
Bốn là, dù có là người chi tiền cũng đừng tự ý mua sắm Tết cho nhà chồng. Mẹ chồng nào cũng đều có tâm lý mình là nữ chúa còn con dâu chỉ là nữ thứ giúp việc. Thế nên đừng qua mặt mẹ chồng tự động quyết định điều gì.
Thay vì mua sắm theo ý thích hãy tham khảo và cùng mẹ chồng chọn mua. Bảo đảm bà mẹ nào cũng sẽ hài lòng khi được con dâu tỏ lòng kính mến vì vừa được cho tiền, được hỏi ý kiến lại vừa được đưa đón đi mua sắm.
Năm là, thay vì tỏ ra khôn khéo hãy tỏ ra có tinh thần học hỏi. Đừng lấy điểm mẹ chồng bằng cách khoe là con tài giỏi làm được mọi thứ. Thứ nhất là sẽ bị mẹ chồng giao cho đống việc để làm. Thứ hai nếu làm không tốt thể nào cũng ăn mắng.
Mình thường hay tâng bốc (không quá lộ liễu) những món mà mẹ chồng nấu và không quên kèm theo câu “Con thích làm món này nhưng không tài nào ngon bằng mẹ được, lúc nào mẹ dạy con với”. Được khen nên mẹ chồng mình ra tay làm hẳn mấy món mứt truyền thống và đồ mặn. Mình chỉ việc đứng bên cạnh phụ giúp việc lặt vặt và thỉnh thoảng gật gù như đúng rồi cho bà phấn khởi.
Sáu là, đừng dại dột tuyên bố “Ăn Tết ở nhà ngoại”. Không phải cứ về nhà đẻ 3 ngày Tết mới gọi là hiếu thảo. Nếu muốn báo hiếu thì 1 năm vẫn còn 362 ngày khác để về. Do đó, 30 Tết, mồng 1 và ngày cúng tiễn ông bà cứ ở nhà chồng phục vụ cho mẹ chồng hài lòng.
Còn nếu muốn về thì hãy xin phép chứ đừng tuyên bố đột ngột và xanh rờn như nhiều chị em đã làm. Ngoài ra, nếu muốn cũng có thể xin phép đi chơi riêng cùng chồng rồi lẻn về nhà ngoại.
Bảy là, với khách đến nhà chơi Tết, hãy tỏ ra chu đáo trong khâu đón tiếp cùng bố mẹ chồng và vâng lời mẹ chồng. Tết là dịp họ hàng và bạn bè của bố mẹ chồng tập trung lại, mệt thì rất mệt nhưng hãy cố ghi điểm với họ bằng cách lăng xăng chuẩn bị thức ăn đồ nhắm và chịu khó tâng bốc mẹ chồng với mẹ người.
Thay vì tỏ ra khôn khéo hãy tỏ ra có tinh thần học hỏi. Đừng lấy điểm mẹ chồng bằng cách khoe là con tài giỏi làm được mọi thứ (Ảnh minh họa)
Không cần dùng lời lẽ đao to búa lớn, chỉ cần khen mẹ chồng và khiêm tốn khi nói về mình. Không chỉ mẹ chồng được dịp phổng mũi mà người ngoài nhìn vào cũng đánh giá cao những người con dâu như thế. Có một cái lợi nữa là nếu sau này mẹ chồng có nói xấu con dâu với người ta thì chưa chắc người ta đã tin lời.
Đấy là những bí kíp bỏ túi của mình mỗi khi Tết đến. Không biết hiệu quả thế nào mà mình nghe bà nói với hàng xóm “Từ ngày có con dâu nhà tôi năm nào ăn Tết cũng đủ đầy, hoành tráng”. Thế là thành công rồi phải không mọi người.
Mình có chia sẻ với chị gái về những bí quyết này mỗi khi ứng phó với cái Tết Nguyên đán đang về. Chị gái chẳng đồng tình với mình. Chị bảo sống mà suốt ngày phải ý tứ từng ly từng tí với chồng và nhất là với mẹ chồng như thế thì được quý mến cũng có ích gì.
Chị ví dụ được thưởng mấy chục triệu thì cứ nói thẳng toẹt với mẹ và chồng, chẳng phải giấu. Rồi chi tiêu hay lì xì, tiết kiệm, biếu mẹ đẻ cũng vậy, chẳng phải giấu chồng. Vì nếu mai này mọi người biết, lúc ấy còn mệt cái đầu hơn.
Mình thì thấy 7 bí quyết kia của mình có đến nỗi nào đâu mà bị chị gái chê vậy nhỉ? Các chị em đứng về phía mình hay ủng hộ quan điểm của chị gái mình?