Trẻ ốm vặt không chỉ ảnh hưởng đến bầu không khí vui vẻ ngày đầu năm, mà còn khiến bố mẹ bận rộn hơn khi vừa phải chăm nom bệnh tình của con, vừa đi chúc Tết, tiếp khách và dọn dẹp nhà cửa...
Vì vậy việc tăng cường sức đề kháng để con khỏe mạnh hơn là điều vô cùng cần thiết. Sức đề kháng là "tấm lá chắn" bảo vệ cơ thể trẻ trước ảnh hưởng của môi trường và các tác nhân gây bệnh. Dưới đây là những gợi ý giúp phụ huynh nâng cao hệ miễn dịch của con.
1. Giữ ấm cơ thể
Những ngày Tết ở miền Bắc thời tiết thường trở lạnh và có mưa xuân. Đây là điều kiện để vi khuẩn gây hại phát triển mạnh và lây lan nhanh. Để phòng tránh mắc bệnh, cha mẹ nhớ giữ ấm cơ thể cho trẻ bằng cách cho con mặc đồ ấm, có thể đội mũ và quàng khăn khi ra ngoài. Khi ở trong nhà, cần đóng kín cửa lớn, tránh gió lùa. Tuy nhiên, cũng không nên để nhiệt độ trong nhà quá nóng sẽ khiến trẻ bị sốc nhiệt khi ra ngoài trời. Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý nên cho bé uống nước ấm, không nên uống quá nhiều nước lạnh để tránh viêm họng.
2. Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học
Theo Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ chuyên khoa II Đinh Thị Kim Liên, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai: Một trong những cách giúp tăng sức đề kháng cho trẻ là xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp.
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức đề kháng cho trẻ. Để giúp bé tăng cường sức đề kháng ngày Tết, cha mẹ cần đảm bảo những nguyên tắc sau:
- Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng và kháng thể dồi dào. Trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời có thể phát triển khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng, phòng tránh được các bệnh nhiễm trùng, dị ứng...
- Đối với trẻ lớn hơn, các bé cần được bổ sung đầy đủ, đa dạng các nhóm thực phẩm trong tự nhiên gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra bé cần đảm bảo được uống đủ nước. Bởi nước giúp loại bỏ các chất thừa và độc tố khỏi cơ thể, đồng thời tăng cường trao đổi chất, giúp các hoạt động như bơm máu, vận chuyển oxy trong máu và các dưỡng chất thiết yếu cho các tế bào diễn ra hiệu quả hơn. Ngoài ra, uống đủ nước cũng là cách hỗ trợ bé tránh khỏi tình trạng táo bón.
Cha mẹ cũng có thể bổ sung lợi khuẩn đường ruột bằng cách cho bé dùng thêm sữa chua. Điều này giúp con tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn. Phòng chống tình trạng bị đầy hơi, tiêu chảy, chướng bụng. Sữa chua còn chứa những lợi khuẩn có khả năng kích thích hệ miễn dịch, sản sinh kháng thể chống lại các độc tố. Rau củ sẽ cung cấp một lượng chất xơ và prebiotic dồi dào để bé yêu có đường ruột khỏe mạnh, hấp thu dinh dưỡng và đào thải độc chất tốt hơn, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
3. Cho trẻ vận động mỗi ngày
Cùng với việc cân bằng dinh dưỡng, việc cho trẻ luyện tập thể dục thể thao cũng là cách tăng cường sức khỏe cho bé. Theo tổ chức About Kids Health của Canada, trẻ 5-17 tuổi cần vận động ít nhất 60 phút một ngày vì đang trong thời kỳ phát triển cơ xương. Phụ huynh nên khuyến khích con tập thể dục cũng như tham gia làm việc nhà để bé năng động. Ví dụ như lau nhà, quét dọn, rửa bát...
4. Tập cho con thói quen đi ngủ sớm
Những ngày Tết bé thường háo hức xem các chương trình và vui chơi với mọi người đến tận khuya. Điều này hoàn toàn không tốt cho trẻ. Cha mẹ cần khuyến khích trẻ ngủ đúng giờ. Giấc ngủ không chỉ giúp trẻ phát triển chiều cao, trí não còn có tác dụng cải thiện, nâng cao sức đề kháng. Trẻ thiếu ngủ sẽ suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh hơn trẻ ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ còn khiến trẻ thiếu tỉnh táo và dễ mất tập trung. Bố mẹ nhắc nhở con ngủ sớm và đủ giấc, tốt nhất là trước 21h. Ngủ sớm còn để lượng hormone tăng trưởng. Hormone này thường tiết ra nhiều nhất vào khoảng 22h -1h sáng hôm sau khi trẻ ngủ say.
5. Giữ môi trường sống sạch sẽ
Việc đảm bảo môi trường sống sạch sẽ cũng là cách giúp con phòng bệnh. Mẹ nên thường xuyên dọn dẹp nhà ở, phòng ngủ, giường chiếu cũng như quần áo, giày dép... của cả nhà. Bên cạnh đó, phụ huynh nên nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay để phòng chống bệnh tật.
6. Tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch
Đây cũng là biện pháp khoa học giúp tăng cường hệ miễn dịch và phòng các bệnh truyền nhiễm hiệu quả. Phụ huynh nên nhớ đưa trẻ đi tiêm chủng các mũi cần thiết đầy đủ và đúng lịch.