Mỗi khi trao đổi, hay tranh luận đi vào ngõ cụt là vợ chồng tôi hay nói với nhau kiểu: "Tính anh/em thế!"; "Anh/em đã quyết rồi, không gì thay đổi được đâu. Con người anh/em nó thế đấy!"...

Chỉ nghe những từ ngữ ấy thôi chắc bạn cũng cảm nhận được năng lượng của sự… "ngang như cua", và cả hai chúng tôi khi thốt ra những câu đó đều biết mình nhảm nhí, cứng đầu... nhưng thi thoảng vẫn buông lời thách thức "nửa kia" như thế.

Khi rớt vào tổn thương, có người cố lãng quên, chôn giấu, đè nén; có người tự tạo cho mình một vỏ bọc hay dựng lên một bức tường để tránh né; có người thì cố gắng đi tìm cho mình những giải pháp chữa lành, tham gia vào các nhóm có cùng mục tiêu đi tìm câu trả lời cho vấn đề của bản thân.

Tôi cũng đã từng mang theo những vấn đề nặng lòng của mình đi học chữa lành tổn thương, khát mong tìm được giải pháp. Nhưng khi lắng nghe những tâm sự, những nỗi đau của các cặp vợ chồng khác, tôi bỗng thấy tổn thương của mình trở nên nhỏ xíu, nhẹ tênh và có chút buồn cười.

Chuyện của những cặp khác thì vợ/chồng ngoại tình, nửa kia có con riêng, chồng không chỉ cặp với 1 mà tận đến 2 – 3 bồ cùng lúc, vợ chồng xích mích, đánh đập nhau, mâu thuẫn với bên nội - bên ngoại, vợ/chồng là kẻ lừa dối gia đình hai bên... những tình huống chỉ nghe qua mà tôi đã có ý nghĩ là nếu lâm vào tình cảnh như họ thì chắc tôi chết luôn trong mớ đau thương ấy rồi.

Bí quyết lắng nghe cơ thể, cảm xúc của bạn để tổn thương biến mất - Ảnh 2.

Khi lắng nghe những tâm sự, những nỗi đau của người khác tôi bỗng thấy tổn thương của mình trở nên nhỏ xíu. Ảnh minh họa.

Những tổn thương của tôi chỉ là việc tranh cãi với vợ rằng: "Chồng có cần nhất định phải rửa bát giúp vợ hay không, hay vợ/chồng quên ngày cưới, chồng thiếu tinh tế nên chọn quần áo không đúng màu vợ/chồng thích… những chuyện cỏn con như trẻ con, những nỗi đau "nhỏ như con thỏ ăn trên đồng cỏ" khiến tôi tự cười thầm mình. Và tôi đã chọn cách im lặng, không chia sẻ những tổn thương, những khó chịu đau đớn của mình với những người đi tìm cách chữa lành.

Đôi lúc tôi nhận ra dường như mình đã quá huyễn hoặc bản thân, tự làm quá mọi suy nghĩ và cảm xúc bên trong của mình. Và rồi, qua những quan sát, lắng nghe những trải nghiệm của nhiều người khác mới thấy vấn đề của mình tự dưng biến mất, mọi mắc kẹt trở nên thông suốt.

Bạn cũng vậy, đôi lúc hãy thử ngắm mình một lượt từ đầu đến chân, hẳn sẽ có một vài ký ức đau thương nào đó trong bạn sống dậy, gợi nhắc nơi một vài vết sẹo trên thân thể mình. Mấy chục năm sống trên đời, tôi tin là không có một ai chưa từng một lần mang sẹo, chỉ là nhỏ hay lớn, ít hay nhiều mà thôi. Đó là những thương tích ngoài da chúng ta có thể thấy, để biết rằng bên trong chúng ta còn rất nhiều những tổn thương về mặt tâm lý, cảm xúc, tinh thần nữa.

Bí quyết lắng nghe cơ thể, cảm xúc của bạn để tổn thương biến mất - Ảnh 3.

Lắng nghe, thấu hiểu chính mình giúp bạn trở về ngôi nhà hạnh phúc. Ảnh minh họa.

Ở chiều ngược lại, đôi lúc chúng ta lại dễ dàng phán xét người nào đó khi họ chỉ vướng phải mấy việc cỏn con mà đã tỏ ra đau đớn rồi than thân trách phận - cho họ là những người tầm phào và yếu đuối - trong khi bạn be bét đau thương nhưng chưa cất lời than vãn.

Nhưng bạn nên biết, khi mình không còn thấy tổn thương với những việc cỏn con là bởi mình đã từng trải qua, từng "lên bờ xuống ruộng" với những tổn thương đó rồi. Ví như bạn đã từng là những học sinh lớp 1 với những bài toán thách đố dành cho độ tuổi lớp 1 - là nền tảng quan trọng để bạn học lên những lớp cao hơn. Nhưng khi bạn đã lên đại học rồi thì toán lớp 1 đối với bạn không còn là vấn đề nữa.

Những tổn thương cũng vậy, tưởng chừng nó rất nhỏ, rất không đáng đó lại giúp bạn có nền tảng để chuẩn bị đón nhận những bài học lớn hơn, "hứa hẹn" tổn thương lớn hơn. Nếu bạn thật sự cảm nhận được mình đã từng khó khăn và vật vã thế nào với những tổn thương cỏn con trước đây thì bạn sẽ tôn trọng hết mọi cảm xúc và mọi vấn đề của tất cả mọi người, không kể lớn nhỏ.

Vì thế việc so sánh độ lớn, hay độ sát thương của những nỗi đau giữa mình với người khác là điều không bao giờ nên làm. Việc quan trọng là bạn hãy quan sát, ghi nhận và tôn trọng tất thảy những cảm xúc xảy ra ở chính mình (vì ở một góc độ nào đó chúng ta đã không lắng nghe cảm xúc thật sự của mình mà chỉ lắng nghe câu chuyện của người khác).

Trên hành trình chữa lành, đôi khi chúng ta cứ đi tìm những điều gì đó cao siêu, trong khi con đường chữa lành cơ bản nhất, gần gũi nhất và có thể gọi là duy nhất - đó là lắng nghe cảm xúc của mình, lắng nghe cơ thể của mình, ghi nhận và tôn trọng tất cả những điều đó. Đừng chạy theo những phương pháp, hay cách thức nào đó mà bỏ qua bước kết nối với chính mình, bởi bất cứ một cách chữa lành nào cũng dựa trên nền tảng kết nối với chính bản thể thiêng liêng của mình. Lắng nghe, thấu hiểu chính mình mới thật sự giúp bạn bước vào hành trình trở về ngôi nhà hạnh phúc.