Dưới đây là một số lời khuyên từ các giáo viên giàu kinh nghiệm dành cho thí sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 THPT công lập:
Thầy Bùi Mạnh Tùng - giáo viên Toán, trường THCS Trưng Vương (Hà Nội):
Làm bài bài thi môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thí sinh cần chú ý một số chiến thuật.
Để lựa chọn cho mình một cách tiếp cận tốt nhất cho bài thi Toán, các em cần chú ý: Đặc thù của bài thi chuyển cấp trong đó câu hỏi càng đơn giản, biểu điểm càng cao.
Ngoài ra, bài thi cũng phân bố mức độ: Trong khoảng 10 năm trở lại đây, đề thi thường phân bổ khoảng 50% điểm mức độ Nhận biết: bài I.1, I.2, II.1, II.2, III.1, IV.1; 20% điểm ở mức độ Thông hiểu: bài III.2a, IV.2; 20% điểm ở mức độ Vận dụng: bài I.3, III.2b và 10% điểm ở mức độ Vận dụng cao: bài IV.3, V.
Một lời khuyên không bao giờ cũ cho các em là câu dễ làm trước, khó làm sau và học sinh nên căn cứ vào những mặt mạnh/ yếu nhất định của bản thân đối với bộ môn. Các em cần hiểu rõ ưu nhược điểm của mình, ưu tiên những mảng mình mạnh hơn để làm trước và đạt điểm tối đa trước.
Các em cũng phải biết phân bố thời gian vì điều này rất quan trọng. Các em nên ước lượng mỗi phân vùng kiến thức mình dành bao nhiêu thời gian để làm, để soát lại. Nếu có vấn đề phát sinh thì dành tối đa bao nhiêu thời gian cho bài đó, nếu quá thời gian thì chấp nhận chuyển bài, tránh sa đà quá lâu ở 1 bài cụ thể.
Cô Vũ Thị Đỗ Quyên - giáo viên Văn, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội):
Tôi cho rằng để đạt điểm cao trong kì thi, học sinh phải có cách ôn tập phù hợp, nhất là giai đoạn nước rút.
Theo tôi thời gian này thí sinh phải tập trung, chú trọng hệ thống hóa lại những kiến thức cơ bản. Sau khi đã nắm vững kiến thức, học sinh áp dụng trình bày bài theo các dạng đề.
Bên cạnh đó, các em cũng chú ý đến khả năng diễn đạt cũng như luyện tâm lý vào phòng thi.
Với dạng bài tập về nghị luận xã hội, khi luyện ở nhà, học sinh cần nắm vững kết cấu bố cục đoạn văn cũng như không nhầm lẫn đoạn văn với bài văn, bám sát nội dung văn bản đọc hiểu để tránh viết lan man.
Để làm tốt bài thi, đạt điểm như mong ước, học sinh cần đọc kĩ đề, không vội vàng tránh trả lời nhầm, thiếu. Đối với câu vận dụng, học sinh nên đánh giá, nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều để bài viết sâu sắc hơn, khách quan hơn.
Những kỹ năng này học sinh phải thành thạo khi làm đề ở nhà thì khi đi thi mới không bị tâm lý phòng thi.
Trong quá trình ôn luyện phần nghị luận văn học thí sinh cũng luôn nhớ đảm bảo bố cục của bài nghị luận văn học, nắm được kiến thức cơ bản của từng tác phẩm, chủ đề, đặc trưng nghệ thuật cũng như phong cách tác giả.
Bởi lẽ, khi hiểu phong cách tác giả thì thí sinh có thể dễ dàng bám sát văn bản, phân tích cảm nhân văn bản thấy được cái hay, cái đẹp của từng tác phẩm.
Một điều tôi lưu ý với các em là trong quá trình ôn tập, các em phải hình thành cho mình thói quen nháp về bố cục bài và dàn ý - đây là kĩ năng cần thiết mà nhiều bạn xem nhẹ, bỏ qua.
Tất nhiên không phải nháp quá chi tiết mà làm một dàn ý sơ lược để có cái nhìn tổng thể về bài, tránh mải mê viết mà bài thiếu ý, thiếu thời gian làm bài.
Cuối cùng hãy có một chế độ ăn ngủ, nghỉ khoa học để có một sức khỏe tốt nhất, sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới.
Hồ sơ vào lớp 10 trường tư tăng chóng mặt
Thầy Trịnh Hùng Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội) cho biết: Năm ngoái trường nhận khoảng 900 hồ sơ, năm nay 1.400 hồ sơ trong khi chỉ có 360 chỉ tiêu.
Một số trường khác cũng ghi nhận số hồ sơ thi vào lớp 10 tăng vọt. Cụ thể như Trường THCS - THPT Tạ Quang Bửu hiện tại đã nhận khoảng hơn 2.000 bộ hồ sơ. So với năm ngoái, số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường năm nay tăng khoảng 15%.
Bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh cho biết, hiện nhà trường chưa thống kê số hồ sơ nộp vào để xét tuyển. Tuy nhiên kỳ tuyển sinh năm ngoái, nhà trường nhận được khoảng 3.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào lớp 10, trong khi chỉ tiêu cho cả hai cơ sở chỉ 600 học sinh. Dự kiến năm nay, tỉ lệ hồ sơ nộp vào hơn 3.000 bộ, nhiều hơn năm ngoái.