Kể từ khi vào viện dưỡng lão sống ở tuổi gần 100, mỗi ngày bà Eileen đều viết tiểu thuyết, cho tới nay, bà đã xuất bản được ba cuốn sách. Ngoài ra, bà cũng luôn rất yêu thích hội họa, ở tuổi 104, bà đã tham gia một cuộc thi vẽ tranh toàn quốc và trở thành người lớn tuổi nhất tham gia.
Bà cụ cũng thích múa, khi còn trẻ, bà là một nghệ sĩ múa, khi về già, dù da có nhăn nheo, bà vẫn có thể tạo ra nhiều động tác múa rất đẹp mắt.
Một cuộc sống như vậy, đối với những người già mà nói, chẳng phải rất đáng ghen tị ư?
Cả đời bà Eileen không kết hôn, chỉ tập trung cho nhảy múa, bà kiên trì không kết hôn, không sinh con, không mua nhà, cũng chẳng mua xe hơi.
Nhưng yêu đương thì tất nhiên là vẫn có.
Chỉ là, bà yêu đương cũng muộn hơn người khác một chút.
Bức tranh bà Eileen vẽ
Năm 50 tuổi, bà bắt đầu chuyện tình cảm với một nhà sản xuất phim. Hai người yêu nhau chưa được mấy năm, thì người bạn trai đột ngột bị đột quỵ. Bà Eileen không nói không rằng, cứ như vậy ở bên cạnh chăm sóc cho người bạn trai, mãi cho tới khi người bạn trai qua đời, khi đó, bà 74 tuổi.
Sau khi tiễn người bạn trai đi, bà tới Mỹ, ở đó, bà bắt đầu một chuyện tình khác với một người đàn ông Mỹ. Chuyện tình kéo dài 20 năm, mãi cho tới khi người bạn trai này của bà qua đời.
Cuối cùng, ở độ tuổi gần 100 tuổi, bà Eileen quyết định trở về quê nhà nước Úc, tìm một viện dưỡng lão và bắt đầu một cuộc sống mới.
Nhìn vào cuộc đời của bà Eileen, bạn sẽ phát hiện ra là mình chẳng thể tìm thấy được cái gọi là "nguy cơ tuổi tác" ở bà. Bà giống như một đứa trẻ ngông cuồng, không bao giờ chịu sống một cuộc sống được xem là ổn định trong mắt người khác, mỗi một giai đoạn trong cuộc đời của bà đều rất "khác người":
50 tuổi bắt đầu yêu đương, hơn 70 tuổi một lần nữa rơi vào lưới tình, gần 100 tuổi, bắt đầu tạo ra thời kì hoàng kim của mình.
Con người, một khi có thể thoát ra khỏi những ràng buộc, những sự đóng khung, những khuôn khổ thế tục, sống sẽ rất sảng khoái.
Cứ thử nhìn vào cuộc đời của bà Eileen, có lẽ chúng ta sẽ nhìn thấy một mặt khác của cuộc sống.
Cả đời bà dành cho khiêu vũ
Trước tiên, đừng đặt ra cái giới hạn tuổi tác cho bản thân, đừng quá ưu sầu vì tuổi tác
Tôi đã gặp qua rất nhiều người phụ nữ vì tuổi tác mà lo lắng.
Chẳng hạn như một người bạn của tôi, cô ấy sắp kết hôn. Thực ra cô ấy cũng không có quá nhiều khát khao về hôn nhân, với chồng sắp cưới thì cũng không phải là kiểu "không gả cho anh không được".
Cô ấy kết hôn là bởi tính toán trước 30 tuổi phải sinh con, vậy thì muộn nhất 28 tuổi là phải kết hôn rồi. Dù đối tượng không phải là khiến cô ấy yêu đương nồng nhiệt, nhưng anh ấy vừa hay là người thích hợp nhất trong thời điểm hiện tại, vậy thì, "thôi, gả cho anh ấy vậy".
Tôi cũng từng gặp qua trường hợp một đôi vợ chồng ở với nhau kiểu "thôi cố gắng", tuổi của 2 người cộng lại cũng hơn 150, số lần cãi nhau nhiều không kể hết, nhưng dù thế nào cũng nhất định không ly hôn.
Nguyên nhân là bởi hai ông bà cũng đã già rồi, tuổi này rồi còn ly hôn, sợ mất mặt con cái, sợ bị dị nghị, cứ như vậy, sống với nhau kiểu "thôi, cố gắng".
Ở một số quốc gia, tâm lý tuổi tác đang tồn tại một cách quá nặng nề, họ luôn cảm thấy rằng ở độ tuổi này thì phải làm việc này, phải làm như này, nếu không tự giác sẽ hoang mang, sợ nhất là "không giống những người xung quanh".
Nhưng lẽ nào bạn không phát hiện ra rằng, mỗi thời đại mỗi khác, có những việc không cần thiết phải hoàn thành vào đúng cái mốc thời gian mà nhiều người khác đều làm theo.
Chẳng hạn, nếu trước kia, phần lớn mọi người chưa tới 25 đã kết hôn, thậm chí có vài mặt con, nhưng ở hiện tại, 25 tuổi mới học xong thạc sỹ, bận rộn tìm kiếm ổn định việc làm, làm gì có thời gian kết hôn sinh con.
Dòng thời gian của cả nhân loại đang lùi dần về phía sau, vậy tại sao phải bận tâm đến vấn đề tuổi tác?
Giả sử trong tương lai, khi mà tuổi thọ 100 tuổi là thường thái, vậy thì 30 tuổi chưa kết hôn chưa sinh con thì có làm sao? Mới đi hết được 1/3 cuộc đời, đường còn dài lắm!
Ở độ tuổi hơn 100 tuổi, bà vẫn không ngừng nhảy múa
Tiếp theo, luôn ôm một thái độ nhiệt huyết với cuộc sống và học tập
Tuổi tác già rồi, không sao cả, tâm thái già, mới thực sự là già. Nếu già rồi, lập tức phũ bỏ hết những con người mới, sự vật mới, tư tưởng mới tiến bộ, vậy thì dù bạn có bao nhiêu tuổi, 60, 50 hay thậm chí 30, tâm của bạn cũng già rồi. Cuộc sống sau này, cũng sẽ chẳng có vị gì nữa.
Nếu luôn ôm trong mình sự tò mò về thế giới, sự tích cực đi khám phá, xem đời người như một chuyến hành trình du lịch, nghiêm túc thám hiểm mỗi một giai đoạn cuộc đời, vậy thì dù có 100 tuổi, nội tâm cũng vẫn luôn trẻ trung, thú vị và đầy sức sống.
Thứ quyết định một người có trẻ trung hay không, thực ra là xem xem họ có còn muốn học hỏi, có còn nhiệt huyết với cuộc sống hay không.
Học tập có thể kích thích tế bào não, để đầu óc con người không quá cứng nhắc.
Sở thích có thể khiến đôi mắt của mỗi người tỏa ra những vầng sáng khác biệt. Giống như khi bà Eileen khiêu vũ, ai còn nhớ rằng bà đã hơn 100 tuổi?
"Tuổi tác già rồi, không sao cả, tâm thái già, mới thực sự là già"
Cuối cùng, nhất định phải duy trì cho mình một sức khỏe tốt
Bà Eileen có thể sống một cuộc sống tuyệt vời như vậy cũng là nhờ bà không bệnh tật, ngoại trừ uống vitamin, bà không bao giờ dùng các loại thuốc khác. Mặc dù chúng ta không kiểm soát được sức khỏe của cơ thể mình, nhưng việc tập thể dục nhiều hơn và giữ cho tâm trạng luôn vui vẻ là điều đúng đắn.
Luôn có những người lo lắng về những gì sẽ xảy ra khi họ vào viện dưỡng lão mà không có con cái. Trên thực tế, chất lượng cuộc sống sau tuổi già chỉ liên quan đến sức khỏe chứ ít liên quan đến việc con cái có hiếu thảo hay không.
Nghĩ mà xem, nếu bạn gục xuống giường thì con cái dù có hiếu thảo đến đâu cũng không thể ngày ngày đều ở cạnh giường bạn lâu dài. Ngày ngày chỉ có thể nằm, và tất cả những gì nhìn thấy là trần nhà, cuộc sống như vậy, chẳng phải rất tẻ nhạt ư?
Trong khi nếu sức khỏe tốt, dù có già, có vào viện dưỡng lão, cũng vẫn sẽ tìm được việc mà làm, thư thả sống qua ngày.
Vui vẻ mà sống, hưởng thụ cuộc sống, đừng để vấn đề tuổi tác giới hạn sự tự do trong bạn!